Trong y học, truyền máu là một thủ thuật quan trọng giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Một trong những thành phần chủ yếu trong truyền máu là khối hồng cầu. Hiểu rõ về khối hồng cầu, các loại khối hồng cầu, chỉ định cũng như những tai biến có thể gặp phải trong quá trình truyền máu là điều vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho cả người nhận và người cho.
1. Khối hồng cầu là gì?
Khối hồng cầu là thành phần được tách từ máu toàn phần, chứa chủ yếu là hồng cầu – loại tế bào máu có nhiệm vụ vận chuyển oxy và carbon dioxide trong cơ thể. Hồng cầu, với hình dạng đĩa lõm hai mặt và không có nhân, chứa hemoglobin – một loại protein giàu sắt có khả năng gắn kết với oxy, từ đó giúp đưa oxy từ phổi đến các mô và cơ quan trong cơ thể, đồng thời loại bỏ khí carbon dioxide khỏi các mô trở lại phổi để thải ra ngoài. Sau khi được thu nhận từ người hiến máu, máu toàn phần được thực hiện các xét nghiệm cần thiết, ly tâm để tách ra các thành phần khác nhau, trong đó có khối hồng cầu.Khối hồng cầu được bảo quản trong nhiệt độ 2- 6°C. Hạn sử dụng hồng cầu khối là khoảng 42 ngày tuỳ thuộc vào từng loại chất chống đông. Khối hồng cầu có thể được bảo quản và sử dụng trong các trường hợp bệnh lý hoặc cấp cứu cần thiết.
2. Các loại khối hồng cầu:
Có nhiều loại khối hồng cầu khác nhau, được sử dụng tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân:
Khối hồng cầu đậm đặc: Khối hồng cầu đậm đặc (hồng cầu lắng) là phần còn lại của máu toàn phần đã tách huyết tương sau khi ly tâm hoặc để lắng và không thực hiện thêm bất kỳ công đoạn xử lý nào khác.
Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản: Là khối hồng cầu đậm đặc có bổ sung dung dịch bảo quản hồng cầu nhằm cải thiện chất lượng hồng cầu.
Khối hồng cầu giảm bạch cầu: Khối hồng cầu giảm bạch cầu là khối hồng cầu được tách bạch cầu bằng phương pháp ly tâm loại bỏ trên 70% bạch cầu có trong đơn vị máu toàn phần ban đầu.
Khối hồng cầu rửa: Khối hồng cầu rửa là khối hồng cầu được loại bỏ huyết tương bằng cách rửa nhiều lần (tối thiểu 3 lần) với dung dịch muối đẳng trương và được pha loãng trong dung dịch muối đẳng trương hoặc trong dung dịch bảo quản hoặc trong huyết tương phù hợp.
Khối hồng cầu lọc bạch cầu: Khối hồng cầu lọc bạch cầu là khối hồng cầu được loại bỏ bạch cầu bằng bộ lọc bạch cầu. Việc lọc bạch cầu phải được thực hiện trong thời gian 72 giờ, kể từ khi lấy máu từ người hiến máu.
Khối hồng cầu đông lạnh: Khối hồng cầu đông lạnh là khối hồng cầu được bảo quản đông lạnh trong dung dịch bảo vệ hồng cầu đông lạnh có glycerol và được bảo quản ở nhiệt độ từ âm 60oC (-60oC) trở xuống. Trước khi được truyền cho người bệnh, khối hồng cầu đông lạnh phải được làm tan đông, rửa và loại bỏ glycerol, hòa loãng trong dung dịch muối đẳng trương hoặc bổ sung dung dịch bảo quản hồng cầu.
3. Chỉ định truyền khối hồng cầu:
Truyền khối hồng cầu là phương pháp điều trị quan trọng, được chỉ định trong nhiều tình huống lâm sàng khác nhau, đặc biệt khi bệnh nhân gặp phải tình trạng thiếu máu nghiêm trọng hoặc mất máu cấp tính. Các chỉ định phổ biến bao gồm:
– Thiếu máu nặng và cấp tính
– Mất máu cấp tính do chấn thương hoặc phẫu thuật lớn
– Thiếu máu mạn tính do bệnh lý nền
– Các trường hợp đặc biệt và bệnh nhân có nhu cầu riêng
4. Quy trình truyền khối hồng cầu:
Quy trình truyền khối hồng cầu là một thủ thuật y tế nghiêm ngặt, từ khi chỉ định đến lúc kết thúc truyền máu và theo dõi sau truyền máu nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân và hiệu quả trong điều trị. Quy trình này không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng bước chuẩn bị, kiểm tra mà còn phải tuân thủ chặt chẽ các chỉ định lâm sàng và kỹ thuật trong suốt quá trình thực hiện, cũng như theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân sau khi truyền.
Tại Khoa Huyết học, sau khi nhận được y lệnh từ bác sĩ, nhân viên tại Khoa Huyết học sẽ tiến hành nghiêm ngặt quy trình để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả điều trị. Quy trình này bao gồm các bước sau:
– Lựa chọn đơn vị máu phù hợp với chỉ định: sau khi nhận y lệnh từ bác sĩ, nhân viên y tế sẽ bắt đầu lựa chọn đơn vị máu phù hợp dựa trên chỉ định điều trị.
– Xác định nhóm máu người bệnh: Nhóm máu ABO và Rh của bệnh nhân sẽ được xác định lại để đảm bảo rằng máu truyền vào cơ thể có sự tương thích tối đa với người nhận.
– Định nhóm máu đơn vị máu: Tiếp theo, nhóm máu của đơn vị máu cũng cần được xác định để kiểm tra tính tương thích với nhóm máu của người nhận.
– Thực hiện phản ứng hòa hợp (Crossmatch): Một trong những bước quan trọng nhất trước khi truyền máu là thực hiện phản ứng hòa hợp (hay còn gọi là thử tương thích chéo). Đây là một xét nghiệm giúp kiểm tra khả năng hoà hợp giữa huyết thanh của bệnh nhân và hồng cầu của người cho.
– Phản ứng hòa hợp dương tính: Nếu có phản ứng ngưng kết, có những kháng thể trong huyết thanh người bệnh có thể gây ngưng kết cho hồng cầu người cho, làm giảm hiệu quả điều trị và có thể gây tai biến truyền máu trên lâm sàng.
– Phản ứng hòa hợp âm tính: Nếu không có phản ứng, máu của người cho được xem là tương thích với bệnh nhân.
– Phát máu: Thực hiện đối chiếu, kiểm tra phát máu đảm bảo đúng bệnh nhân, đúng đơn vị máu.
5. Tai biến có thể xảy ra trong truyền khối hồng cầu
Các tai biến có thể xảy ra trong hoặc sau quá trình truyền khối hồng cầu, Các tai biến có thể xảy ra sớm hoặc muộn. Một số tai biến thường gặp:
– Tan máu cấp hoặc muộn
– Phản ứng dị ứng: Sốt, ban da, sốc phản vệ,…
– Quá tải: Quá tải tuần hoàn, quá tải sắt,..
– Nhiễm trùng: HIV, HBV, HCV,…
Truyền khối hồng cầu là một can thiệp y tế vô cùng quan trọng, không chỉ giúp cứu sống bệnh nhân trong các tình huống cấp cứu mà còn duy trì sức khỏe cho những người mắc bệnh thiếu máu mạn tính. Tuy nhiên, truyền khối hồng cầu luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Hiện nay, Truyền khối hồng cầu được thực hiện tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt, với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, trình độ cao, đảm bảo an toàn truyền máu và hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ
🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN
🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới
🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An
🌎Website: www.bvnghean.vn
🌍Facebook: bvhndknghean
☎️☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222, Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6
Thông báo số 3623/TB-BV V/v Thực hiện quy định miễn thi ngoại ngữ đối với các ứng viên tham gia thi tuyển viên chức tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An năm 2024
Công đoàn, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An phối hợp tổ chức lễ khai mạc Giải Thể thao chào mừng đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030
Bệnh viện HNĐK Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên triển khai thành công “Kỹ thuật phẫu thuật tái tạo xương hàm dưới bằng kỹ thuật vi phẫu”
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN