Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > Những điều cần biết về viêm da cơ địa ở trẻ em

Những điều cần biết về viêm da cơ địa ở trẻ em

1. Viêm da cơ địa là gì?

 

 Là bệnh lý viêm da mạn tính, tái phát. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em, đa số sẽ hết khi trẻ 2 tuổi, tuy nhiên một số bệnh nhân sẽ tiến triển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn và viêm da cơ địa ở người lớn.

2. Nguyên nhân của viêm da cơ địa?

 Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh của bệnh rất phức tạp, có liên quan tới nhiều yếu tố như: yếu tố di truyền, yếu tố nhiễm trùng, yếu tố miễn dịch, rối loạn hàng rào bảo vệ da. Trong đó yếu tố di truyền có vai trò quan trọng.

3. Biểu hiện lâm sàng của viêm da cơ địa ở trẻ em?

 – Viêm da cơ địa ở trẻ dưới 2 tuổi: thường gặp ở trẻ 2- 3 tháng tuổi.Tổn thương cơ bản là mụn nước tập trung thành từng đám ở 2 má, trán, cằm. Tuy nhiên, có thể lan ra tay, chân, lưng, bụng…..Tổn thương có tính chất đối xứng, bệnh nhân ngứa rất nhiều.

– Viêm da cơ địa ở trẻ 2- 12 tuổi: thường gặp ở trẻ 2-5 tuổi, tổn thương cơ bản là các sẩn nổi cao hơn mặt da, tập trung thành mảng rải rác. Da dày, lichen hóa. Có thể gặp các mụn nước tập trung thành đám. Vị trí thương tổn: ở mặt duỗi hay nếp gấp như khuỷu tay, khoeo chân, cổ tay, mi mắt, tổn thương dối xứng 2 bên, bệnh nhân rất ngứa.

– Ngoài ra, bệnh nhân có thể có các biểu hiện khác như: khô da, chàm vú, quầng thâm quanh mắt, dấu hiệu vẽ nổi, dày sừng nang lông, váy phấn trắng, viêm kết mạc, mặt xanh xao, dễ bị dị ứng thức ăn, viêm môi.

– Biến chứng có thể gặp nếu viêm da cơ địa không được điều trị kịp thời:

+ Nhiễm trùng: Bệnh nhân có thể bội nhiễm virus herpes, vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu. Một số trường hợp bội nhiễm tổn thương da tại chỗ không được điều trị kịp thời có thể gây nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận…

4. Điều trị viêm da cơ địa như thế nào?

 * Mục tiêu điều trị:

+ Ổn định đợt bùng phát bệnh.

+ Điều trị duy trì tránh các đợt bùng phát.

* Điều trị cụ thể

4.1.Tại chỗ

4.1.1. Dưỡng ẩm

Dưỡng ẩm cho da là một bước điều trị đặc biệt quan trọng trong điều trị viêm da cơ địa cả trong giai đoạn bệnh cấp và mạn. dưỡng ẩm tốt giúp cải thiện các triệu chứng khô và ngứa da, phục hồi chức năng hàng rảo bảo vệ da, giúp làm giảm thời gian và mức độ sử dụng corticoid. Các chất dưỡng ẩm khá an toàn và hầu như không có tác dụng phụ nên có thể dùng lâu dài như một liệu pháp điều trị duy trì. Các nghiên cứu đều khuyến cáo nên sử dụng dưỡng ẩm tối thiểu 2 lần/ngày dù có hoặc không có biểu hiện bệnh.

Cách dùng dưỡng ẩm:

– Lựa chọn chất dưỡng ẩm phù hợp với từng cá nhân, vị trí tổn thương và mức độ khô da.

– Nên sử dụng ít nhất 2-3 lần/ngày, tăng số lần nếu da khô nhiều.

– Sử dụng ngay sau khi tắm 3-5 phút để duy trì độ ẩm trên da.

– Trong giai đoạn cấp, nên sử dụng kết hợp corticoid bôi để làm giảm nhanh các triệu chứng. Bôi dưỡng ẩm trước khi bôi corticoid giúp tăng khả năng hấp thu thuốc của da.

–  Lượng dưỡng ẩm sử dụng 250-300g/tuần.

–  Sử dụng duy trì hàng ngày dù không có triệu chứng.

4.1.2.Corticoid bôi tại chỗ

Corticoid tại chỗ là thuốc sử dụng trong trường hợp đợt bùng phát của viêm da cơ địa. Sử dụng corticoid cần lưu ý lựa chọn loại corticoid phù hợp với đặc điểm, vị trí, tổn thương và phù hợp với lứa tuổi của người bệnh. Vị trí da mỏng như vùng da mặt, sinh dục, hay vùng da nếp gấp như cổ, nách, bẹn, dưới vú sử dụng corticoid mức độ nhẹ, trung bình. Vị trí vùng da dày sử dụng corticoid mức độ mạnh hơn.

4.1.3. Ức chế cancineurin bôi tại chỗ: Taclorimus và pimeclorimus. Được sử dụng vùng không đáp ứng với corticoid bôi tại chỗ, vùng da teo da, giãn mạch do tác dụng phụ của corticoid, dùng kết hợp với corticoid bôi sau khi tổn thương da đã ổn định sau điều trị bằng bôi corticoid mức độ mạnh.

 4.1.4. Các thuốc bôi khác: Dung dịch Jarish đắp tổn thương chảy dịch nhiều, kháng sinh bôi trong trường hợp có bội nhiễm.

4.2. Điều trị toàn thân

– Thuốc giảm ngứa: các thuốc kháng histamine

– Kháng sinh toàn thân trong trường hợp có nhiễm trùng.

– Viêm da cơ địa mức độ trung bình, mức độ nặng, hay viêm da cơ địa mức độ nhẹ không đáp ứng với thuốc bôi tại chỗ có thể dùng các phương pháp điều trị toàn thân như: điều trị ánh sáng, các thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporin A, methotreaxat, thuốc sinh học dupilumab

  * Chế độ ăn uống sinh hoạt của bệnh nhân viêm da cơ địa ở viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ?

– Tắm rửa hàng ngày bằng sữa tắm dịu nhẹ không xà phòng, ít kích ứng, không tắm các loại nước lá, nước muối, không tắm nước quá nóng, tránh gãi, chà xát.

– Không mặc, tiếp xúc với đồ len dạ.

– Dùng kem dưỡng ẩm thường xuyên liên tục kể cả khi không có triệu chứng, dưỡng ẩm bôi toàn thân, ít nhất 2-3 lần/ ngày, bôi nhiều hơn nếu da khô, 1 lần ngay sau tắm 3-5 phút. Lượng dưỡng ẩm dùng 250- 300g/ tuần

– Ăn nhiều thực phẩm có chứa sắt, kẽm, acid folic, vitamin A, B, probiotic như cà chua, cà rốt, bí đỏ, cải xoăn, thịt bò, sữa chua….. Hạn chế các thực phẩm có nguy cơ dị ứng như trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại đậu,lúa mì, các loại hạt, động vật có vỏ như tôm cua cá, rượu bia và các chất kích thích.