Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Uncategorized > Thành tựu > Phẫu thuật cột sống bằng Robot: Bước tiến vượt bậc tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An

Phẫu thuật cột sống bằng Robot: Bước tiến vượt bậc tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An

Phẫu thuật cột sống bằng Robot:

Bước tiến vượt bậc tại Bệnh viện Hữu nghị Đa Khoa Nghệ An

 Ngày 11/1, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chính thức đưa Robot vào phẫu thuật điều trị chấn thương cột sống cho bệnh nhân, trở thành một trong số ít bệnh viện tuyến tỉnh ở Việt Nam thực hiện kỹ thuật này… Sau ngày được phẫu thuật cột sống bằng Robot, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục, xuất viện về nhà đón Tết cùng gia đình.

 

Những ngày đầu tháng 1/2020, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có đón nhận 2 bệnh nhân bị chấn thương cột sống hết sức nghiêm trọng, đó là: Anh Lữ Văn Thuận (25 tuổi, ở huyện Qùy Hợp) và ông Nguyễn Ngọc Minh (58 tuổi, huyện Tân Kỳ). Anh Lữ Văn Thuận nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng cột sống thắt lưng sau tai nạn giao thông. Trên hình ảnh X.Quang và Chụp cắt lớp vi tính 3D cho thấy người bệnh bị xẹp đốt sống L3 mất vững. Còn ông Nguyễn Ngọc Minh thì bị ngã từ trên cao xuống, được gia đình đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Ông Minh được các bác sĩ chẩn đoán bị chấn thương cột sống, xẹp đốt sống L1 mất vững… Cả 2 bệnh nhân đều bị chèn ép thân kinh, giảm cơ lực ở 2 chi dưới và bí tiểu.

Sau khi hội chẩn, xin ý kiến lãnh đạo Bệnh viện, hội đồng chuyên môn, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần kinh – Cột sống đã quyết định áp dụng kỹ thuật phẫu thuật bằng Robot để điều trị cho 2 trường hợp bệnh nhân Thuận và bệnh nhân Minh. Bác sĩ cao cấp Hoàng Hoa Thám – Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh – Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết: Phẫu thuật cột sống bằng Robot chính là một kỹ thuật điều trị hiện đại, tiên tiến lần đầu tiên được đưa vào áp dụng tại Bệnh viện và 2 bệnh nhân Thuận và Minh chính là người may mắn khi được điều trị bằng kỹ thuật mới với sự vượt trội về mặt hiệu quả so với kỹ thuật cũ. Với kỹ thuật này đem lại sự phục hồi tốt nhất cho bệnh nhân. Sau 3 ngày, bệnh nhân có thể đi lại được.

Kỹ thuật phẫu thuật cột sống bằng Robot mới hoàn toàn khắc phục được các nhược điểm của kỹ thuật cũ. Với kỹ thuật cũ, việc bắt vít thực hiện bằng tay nên cần nhiều đến việc chụp X.Quang và gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh lẫn bác sĩ. Với kỹ thuật mới, trước khi phẫu thuật, các bác sĩ sử dụng hình ảnh chụp cắt lớp vi tính 3D kết hợp với Robot để lên kế hoạch lập trình Robot và dữ liệu của chụp cắt lớp vi tính 3D. Trong quá trình phẫu thuật, Robot giúp các bác sĩ định vị và tiến hành các thao tác chính xác nhất cao nhất trên xương sống của người bệnh. Với kỹ thuật cũ, sai số trong định vị và bắt vít là 8%-10%. Còn với phẫu thuật bằng Robot sẽ đem lại độ chính xác 98% (gần như tuyệt đối). Ngoài ra, sử dụng Robot cũng sẽ giảm những tổn thương không cần thiết đến các vùng mô và tế bào xung quanh. Vết mổ của phẫu thuật bằng Robot nhỏ như vết mổ nội soi, tránh được tổn thương mạch máu và dây thần kinh.

Được biết, trong thập niên này, việc áp dụng công nghệ – trong đó có Robot vào phẫu thuật sẽ là xu hướng chủ đạo của nền y học hiện đại. Để chuẩn bị cho việc áp dụng Robot vào phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã có quá trình lựa chọn bác sĩ giỏi thực hiện đào tạo kỹ năng bài bản; đầu tư mua sắm máy móc trang bị hiện đại, đồng bộ. Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là một trong những đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên ở Việt Nam áp dụng kỹ thuật tiên tiến này.

Trong ngày 11/1, cả 2 ca phẫu thuật bằng Robot cho 2 bệnh nhân Lữ Văn Thuận và Nguyễn Ngọc Minh đã được thực hiện rất thành công. Kế hoạch lập trình mổ cho người bệnh được thực hiện ngay tại phòng mổ. Robot hoạch định chính xác hướng của vít, vị trí đặt vít. Người bệnh được tiến hành mổ dưới sự hướng dẫn và điểu khiển của cánh tay Robot. Nếu như trước đây, để bắt 4 vít, với một phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm cần mất 1 giờ 30 phút thì nay với sự hướng dẫn của Robot việc bắt 4 vít chỉ diễn ra trong vòng 30 phút.

Đặc biệt, sau phẫu thuật 3 ngày, 2 bệnh nhân Lữ Văn Thuận và Nguyễn Ngọc Minh đã tự đứng dậy và đi lại được. Vết mổ rất nhỏ nên liền sẹo nhanh, việc thay băng cắt chỉ đơn giản. Bệnh nhân chỉ phải sử dụng kháng sinh trong vòng 1 ngày. Sau 1 tuần chăm sóc, bệnh nhân đã được hồi phục và xuất viện. Anh Lữ Văn Thuận chia sẻ niềm vui: “Trước khi mổ tôi thực sự lo lắng vì nghe mổ cột sống tỷ lệ thành công chỉ 50/50, dễ bị biến chứng liệt trong khi tuổi  đời đang còn trẻ. Song sau khi được bác sĩ giải thích và tư vấn về việc bệnh viện chuẩn bị đưa Robot vào mổ cột sống, tôi đã quyết định lựa chọn thực hiện phẫu thuật tại đây. Hôm nay, tôi đã bình phục và cảm thấy rất vui vì mình đã lựa chọn đúng đắn; cũng như là người bệnh đầu tiên được thụ hưởng kỹ thuật hiện đại này tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An”

Phẫu thuật Robot dần đang trở thành xu hướng phẫu thuật hiện đại, với cấu trúc tinh vi có thể đáp ứng nhu cầu phẫu thuật với các yêu cầu cao nhất, giải quyết những hạn chế của phương pháp phẫu thuật mổ hở. Triển khai phẫu thuật Robot tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An không chỉ mở ra cơ hội cho người bệnh tại Nghệ An được tiếp cận kỹ thuật hiện đại tối ưu, mà còn góp phần khẳng định trình độ chuyên môn vươn tầm cao mới mà Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và ngành Y tế tỉnh nhà đang hướng tới./.

Hoàng Yến