Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Phẫu thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống

Phẫu thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống

Ths Bs CKII: Nguyễn Hoàng Dương khoa Phẫu thuật thần kinh – cột sống,  Bệnh viện HNĐK Nghệ An

 Nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống là phương pháp can thiệp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu cho những ca bệnh thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi khoang giữa các đốt sống. Các nhân nhầy này tích tụ lâu ngày sẽ hình thành nhân thoát vị, chèn ép lên rễ thần kinh – nguyên nhân trực tiếp gây ra cơn đau đặc hiệu.

1. Khi nào cần nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống?

Phương pháp này được cân nhắc chỉ định cho những ca bệnh thoát vị đĩa đệm không thể điều trị bảo tồn được hoặc có biến chứng thần kinh. Bao gồm:

  • Thoát vị đĩa đệm gây ra các biến chứng khác như rối loạn cảm giác, rối loạn chức năng bàng quang, suy giảm khả năng vận động, đi lại
  • Triệu chứng bệnh kéo dài hơn 3 tháng  và các phương pháp điều trị nội khoa không làm thuyên giảm được
  • Người bệnh có những cơn đau nặng bất thường, hoặc có các triệu chứng bất thường khác

2. Ưu điểm của phương pháp

Kỹ thuật nội soi lấy nhân đĩa đệm cột sống có ưu điểm ít xâm lấn với:

  • Tỷ lệ thành công cao
  • Thời gian phẫu thuật ngắn và vết mổ nhỏ, hạn chế khả năng nhiễm trùng trong lúc phẫu thuật và hậu phẫu
  • Thời gian hồi phục nhanh. Các triệu chứng giảm ngay rõ rệt sau khi phẫu thuật hoàn tất
  • Vết mổ nhỏ giúp hạn chế khả năng các dây thần kinh và mô cơ xung quanh bị tổn thương

3. Quy trình thực hiện nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống

3.1. Chuẩn bị

Người bệnh cần thực hiện khám sức khỏe tổng quát thông qua các xét nghiệm máu, đánh giá sinh hiệu; chụp cộng hưởng từ cột sống để đánh giá vị trí và mức độ thoát vị đĩa đệm

Phẫu thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm bệnh nhân được thực hiện gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân. Do đó, để quá trình gây mê được an toàn, người bệnh cần:

  • Báo cáo đầy đủ về tình hình bệnh sử, tình trạng sức khỏe hiện tại bao gồm cả các loại thuốc đang dùng…
  • Thực hiện nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng ERAS

3.2. Tiến hành

Quy trình phẫu thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống diễn ra như sau: (2)

  • Bác sĩ thực hiện gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ
  • Dựa trên vị trí cần lấy nhân đệm, xác định vùng da cần mổ
  • Tạo vết rạch da dưới 1cm để đặt dụng cụ nội soi
  • Tiếp cận đĩa đệm cần xử lý thông qua hệ thống camera nội soi
  • Tiếp cận nhân nhầy và tiến hành lấy phần mô thoát vị ra bên ngoài, tiếp tục đến khi rễ thần kinh được giải phóng hoàn toàn
  • Sau khi nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống hoàn thành, bác sĩ lấy dụng cụ ra khỏi cơ thể người bệnh và khâu vết mổ

3.3. Giai đoạn hậu phẫu

Đây là giai đoạn quan trọng quyết định thời gian lành bệnh. Những triệu chứng và cơn đau do thoát vị sẽ biến mất sau phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh cần tích cực chăm sóc sức khỏe chung đúng cách để vết mổ nhanh lành, đồng thời tập luyện đúng cách giúp phục hồi khả năng đi lại, vận động sau phẫu thuật.

Tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, người bệnh có thể đi lại bình thường chỉ sau một ngày phẫu thuật. Cùng với đó, cảm giác tê đau cũng biến mất hoàn toàn. Điều cần thiết là tập trung giữ vệ sinh vết mổ để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, và tập vật lý trị liệu để phục hồi khả năng đi lại tốt.

Những mốc quan trọng mà người bệnh cần lưu ý trong giai đoạn sau nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống:

  • Có thể đi lại bình thường sau 1 ngày. Nếu không có bất thường, người bệnh có thể xuất viện
  • Thời gian phục hồi hoàn toàn là 6 tuần
  • 1 – 2 tuần đầu, người bệnh không nên vận động mạnh, thực hiện các chuyển động cúi gập người, hoặc có tác động lực lớn lên cột sống
  • Từ tuần 2 – 4, người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng và tập vật lý trị liệu theo giáo án của kỹ thuật viên

4. Biến chứng sau nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống có thể xảy ra

Các phương pháp nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống được đánh giá là an toàn và ít biến chứng. Tuy nhiên, một vài biến chứng nhất định do nguyên nhân khách quan và chủ quan có thể xảy ra sau khi thực hiện bao gồm:

  • Chảy máu
  • Rách màng cứng
  • Tổn thương các rễ thần kinh
  • Chức năng thần kinh không cải thiện hoặc cải thiện chậm
  • Thoát vị đĩa đệm tái phát
  • Rối loạn chức năng bàng quang

Lưu ý của bác sĩ khi thực hiện: Nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống là phương pháp hiện đại, ưu việt, tuy nhiên không phải ai cũng cần thực hiện phương pháp này. Để phát huy tác dụng tốt nhất, người bệnh cần thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh – cột sống để được chẩn đoán bệnh và mức độ nghiêm trọng. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ đầy đủ về tiền sử và bệnh sử chi tiết để bác sĩ có thể xem xét cần thiết để thực hiện phẫu thuật thoát vị đĩa đệm hay không.

Bên cạnh đó, người bệnh sau phẫu thuật cũng cần chú ý sức khỏe hậu phẫu. Tích cực chăm sóc sức khỏe là cách hiệu quả nhất để rút ngắn thời gian hồi phục, nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường và kịp thời xử lý.

Người bệnh sau phẫu thuật cần thực hiện những điều sau để quá trình phục hồi được diễn ra tốt hơn:

  • Không lạm dụng thuốc giảm đau. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ để được kê liều lượng thuốc giảm đau phù hợp
  • Tập vật lý trị liệu và sử dụng các biện pháp phục hồi chức năng phù hợp với tình trạng sức khỏe cột sống
  • Bổ sung nhiều các thực phẩm giàu collagen, vitamin D và canxi. Đồng thời, duy trì chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng và lành mạnh