Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > Phòng chống bệnh sởi

Phòng chống bệnh sởi

  1. Bệnh sởi là gì

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy…. có thể gây tử vong. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân

  1. Đường lây

Người là nguồn bệnh duy nhất, lây trực tiếp qua đường hô hấp. Đặc biệt ở trẻ em chưa có miễn dịch, trẻ em < 5 tuổi mắc bệnh nhiều.

  1. Biểu hiện của bệnh sởi

– Sốt, viêm long và phát ban.

+ Sốt cao 39 – 400C, ít khi sốt nhẹ.

+ Viêm long đường hô hấp trên (ho, hắt hơi, chảy nước mũi) và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, 

+ Khám miệng họng có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng có 5 – 20 chấm trắng (phía trong miệng, ở quanh lỗ tuyến Stenon), thường xuất hiện vào ngày thứ 2 của sốt và tồn tại khoảng 12 – 14 giờ. Đây là dấu hiệu đặc hiệu để chẩn đoán sởi trong thời kỳ khởi phát.

+ Phát ban: xuất hiện trình tự, ban hồng dát sẩn,sờ mịn như nhung, không ngứa khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

–  Có thể có biểu hiện: viêm ruột, viêm phổi, viêm não màng não, viêm cơ tim.

  1. Biến chứng của bệnh sởi

Bệnh sởi nặng hoặc các biến chứng của sởi có thể gây ra do vi rút sởi, do bội nhiễm sau sởi thường xảy ra ở: trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt trẻ thiếu vitamin A, trẻ bị suy giảm miễn dịch do HIV hoặc các bệnh khác, phụ nữ có thai. Hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng.

– Do vi rút sởi: viêm phổi kẽ thâm nhiễm tế bào khổng lồ, viêm thanh khí phế quản, viêm cơ tim, viêm não, màng não cấp tính.

– Do bội nhiễm: Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm dạ dày ruột…

– Do điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc kém: viêm loét hoại tử hàm mặt viêm loét giác mạc gây mù lòa, suy dinh dưỡng…

– Viêm cơ tim ,viêm đài bể thận, xuất huyết giảm tiểu cầu sau nhiễm khuẩn

Các biến chứng khác:

– Lao tiến triển.

– Tiêu chảy.

– Phụ nữ mang thai: bị sởi có thể bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc trẻ bị nhẹ cân, hoặc thai nhiễm sởi tiên phát.

  1. Điều trị bệnh sởi

* Nguyên tắc điều trị

– Không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ.

– Người bệnh mắc sởi cần được cách ly.

– Phát hiện và điều trị sớm biến chứng.

– Không sử dụng corticoid khi chưa loại trừ sởi.

* Điều trị cụ thể

– Vệ sinh da, mắt, miệng họng: không sử dụng các chế phẩm có corticoid.

– Tăng cường dinh dưỡng. Hạ sốt. Bồi phụ nước, điện giải. Bổ sung vitamin A

6. Các biện pháp phòng bệnh sởi

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, nên dự phòng là yếu tố tiên quyết.

6.1. Tiêm phòng

 

Tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Mũi 1 tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi 2 tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Trẻ dưới 2 tuổi được tiêm vắc xin sởi miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tại các trạm y tế xã/phường. Trẻ trên 2 tuổi và người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần tiêm sớm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.

6.2. Vệ sinh phòng bệnh

 

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày.

– Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, các vật dụng cho trẻ. Giữ cho nhà ở, phòng học luôn thông thoáng.

– Không cho trẻ tiếp xúc và dùng chung vật dụng, đồ chơi với trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người, tại nơi có dịch sởi.

– Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh.