Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > KỶ NIỆM 105 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG > Phòng Tài chính kế toán – Nhìn lại chặng đường 105 năm thành lập, xây dựng và trưởng thành

Phòng Tài chính kế toán – Nhìn lại chặng đường 105 năm thành lập, xây dựng và trưởng thành

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng dư âm và những kỷ niệm vẫn còn in đậm trong tâm trí của những con người sống và làm việc trong thời mưa bom bão đạn. Những quãng đường đã đi qua của Phòng Tài chính kế toán như thước phim quay chậm lại hiện hữu trong tâm trí người kế toán ngành y thời ấy.

          Khoảng năm 1966 – 1967, Bệnh viện HNĐK tỉnh Nghệ An sơ tán ở huyện Nghĩa Đàn chuyển về đóng quân tại xã Thanh Ngọc và xã Thanh Luân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Phòng khám thì đóng tại xã Thanh Ngọc, khu điều trị bệnh nhân thì đóng ở xã Thanh Luân rải ra nhiều xóm: Luân Phú, Luân Phượng, Luân Sơn, mỗi khu cách nhau gần nhất 500m, xa nhất 4km để tránh bom đạn. Hồi đó bộ phận hậu cần gọi chung là Phòng Quản trị tài vụ, nhiệm vụ của phòng là lo vật chất, tinh thần cho cán bộ viên chức và bệnh nhân toàn viện.

          Cơ sở làm việc và chỗ ở của cán bộ công nhân viên chức đều ở nhờ nhà dân xuyên suốt thời gian Bệnh viện ở đó. “Ở dân quý, đi dân thương”, điều đó khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ phòng Quản trị tài vụ mới được nhân dân yêu mến như vậy.

          Nơi khám và điều trị của bệnh nhân thì các ông, bà vào dân xin tre để làm sườn nhà, nứa làm phên che, lá cọ làm tranh để lợp. Ngoài số dân cho, còn lại thì đi mua đủ trên 100 giường bệnh kín đáo, ấm cúng. Thời đó, ông Trần Phan Đính làm trưởng phòng Quản trị tài vụ (không có phó phòng). Toàn phòng rất đoàn kết thương yêu nhau, cùng khắc phục khó khăn xây dựng đội ngũ hậu cần vững mạnh. Đội ngũ phòng khoảng 50 người phân bố ở 12 tổ: tổ lái xe, tổ thợ điện, tổ thợ mộc, tổ kiến thiết sửa chữa, tổ công tác đội (khâm lượm và chôn cất người chết), tổ tiếp phẩm tiếp liệu, tổ kho, tổ bếp Nội A, tổ bếp chung, tổ bếp nhi, tổ bếp cán bộ nhân viên và tổ kế toán tài vụ. Thời đó, tổ kế toán tài vụ chỉ có 08 (tám) người cả trưởng phòng, phương tiện làm việc chỉ có 02 bàn tính gỗ và 01 máy tính quay thô sơ. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhưng tất cả các bộ phận đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngoài công việc chuyên môn, mỗi người từ già đến trẻ đều tham gia hoạt động phong trào văn hóa xã hội sôi nổi. Thực hiện phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, Bệnh viện tổ chức thi đua văn nghệ thể dục thể thao có chấm điểm thi đua phân loại, phòng Quản trị tài vụ luôn dẫn đầu. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ đều được tổ chức vào ban đêm, đèn dầu phải che kín chỉ để khoảng sáng vừa đủ nhìn mặt chữ, mặt người.

          Bệnh nhân ngày càng đông, khối lượng công việc ngày càng nhiều, trước tình hình đó, cấp trên quyết định tách phòng Quản trị tài vụ ra thành hai phòng: phòng Tài vụ (gồm 11 cán bộ nhân viên) và phòng Quản trị hành chính. Điều động ông Cao Phi Nga về làm trưởng phòng tài vụ, ông Trần Phan Đính làm trưởng phòng Quản trị hành chính, đó là vào khoảng thời gian tháng 11/1972.

          Khi chiến tranh ở miền Bắc tạm yên thì lại lo xây dựng cơ sở ở Vinh. Khoảng tháng 10/1974, Bệnh viện lần lượt chuyền dần về Thành phố Vinh, chuyến cuối cùng là ngày 02/02/1975 với quyết tâm thi đua chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02. Cứ thế Bệnh viện đi vào hoạt động trên đất Thành Vinh, vừa thực hiện công tác chuyên môn là khám chữa bệnh, vừa trồng cây xanh quanh trên khuôn viên Bệnh viện.

 

          Khoảng tháng 10/1976, ông Cao Phi Nga nghỉ hưu, cấp trên điều ông Hoàng Văn Yêng về làm trưởng phòng, bà Phan Thị Hợi làm phó phòng, khi đó phòng có 21 cán bộ nhân viên.

Năm 1983, ông Hoàng Văn Yêng nghỉ hưu, Bệnh viện đề nghị bà Phan Thị Hợi làm trưởng phòng, bà Nguyễn Thị Đường làm phó phòng.

Năm 1986, Bệnh viện chia thành hai: Bệnh viện I Nghệ Tĩnh và Bệnh viện Nhi. Phòng tài vụ cũng bị chia nhân lực và bà Nguyễn Thị Đường làm quyền trưởng phòng, phòng lúc đó có 19 người.

Năm 1988, cấp trên cử ông Trần Ngọc Châu về làm trưởng phòng, bà Nguyễn Thị Đường làm phó phòng với số lượng cán bộ nhân viên phòng là 23 người.

Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh chia thành 02 tỉnh: tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh. Cấp trên quyết định bà Nguyễn Thị An làm trưởng phòng. Phòng lúc đó có 19 người.

Năm 1993, bà Nguyễn Thị An chuyển công tác lên Sở Y tế Nghệ An, cấp trên điều ông Ngô Minh Ký làm trưởng phòng, ông Nguyễn Sỹ Cẩn làm phó phòng. Phòng lúc đó có 32 người. Giai đoạn này, thành lập thêm Tổ viện phí nên điều động thêm một số cán bộ công nhân viên từ phòng quản trị và các khoa Dược, khoa Mắt, … bổ sung cho nhân lực của phòng, trực tiếp làm việc tại tổ viện phí.

Năm 2005, ông Ngô Minh Ký nghỉ hưu, cấp trên điều động bà Cao Thị Hà làm Trưởng phòng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm phó trưởng phòng. Phòng lúc đó 24 người.

Năm 2014, Bệnh viện chuyển cơ sở về trụ sở mới tại km5, xóm 14, xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng đông, bộ máy của phòng cũng phải lớn dần theo để đáp ứng đủ khối lượng công việc.

Năm 2017, cấp trên bổ nhiệm thêm ông Nguyễn Minh Thắng làm phó trưởng phòng.

Tháng 7/2022, bà Cao Thị Hà nghỉ hưu, cấp trên bổ nhiệm ông Nguyễn Khánh Hùng làm phó trưởng phòng, phụ trách điều hành công tác kế toán và điều hành phòng Tài chính Kế toán. Ông Nguyễn Minh Thắng tái nhiệm chức vụ phó trưởng phòng.

Tháng 11/ 2022 cấp trên điều động ông Phạm Văn Thạch về làm kế toán trưởng Bệnh viện. Tổng cán bộ nhân viên phòng hiện nay là 40 người được phân bổ đều ở 05 (năm) tổ: tổ kế toán thanh toán, tổ kế toán kho, tổ kế toán giải trình bảo hiểm, tổ tổng hợp viện phí, tổ thu ngân và 01 thủ quỹ.

               Tập thể cán bộ nhân viên – Phòng Tài chính kế toán

Phòng có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Giám đốc về thu chi trong hoạt động của Bệnh viện; Quản lý các nguồn thu viện phí của Bệnh viện; Tổng hợp, báo cáo về tình hình hoạt động tài chính của Bệnh viện với các cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Nếu những chiến sỹ áo trắng trực tiếp đấu tranh với vô số các mầm bệnh, phải đối mặt với bao áp lực trong khi sự sống của bệnh nhân có khi đếm bằng phút, bằng giây. Thì phòng Tài chính Kế toán được coi là “xương sống” của ngành hậu cần. Là phòng nghiệp vụ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc Bệnh viện và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về toàn bộ hoạt động tài chính kế toán, tổ chức, thực hiện việc thu, chi tài chính trong Bệnh viện theo đúng quy định. Phòng có chức năng, nhiệm vụ:

– Căn cứ vào chế độ, chính sách hiện hành và kế hoạch công tác của Bệnh viện, lập dự toán ngân sách, kế hoạch thu chi của Bệnh viện và tổ chức thực hiện khi kế hoạch được phê duyệt.

– Theo định hướng hạch toán kinh tế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức và quản lý chặt chẽ việc thu viện phí theo quy định.

– Theo kế hoạch ngân sách và các nguồn thu khác, tổ chức xây dựng định mức chi tiêu cho từng hoạt động cụ thể của Bệnh viện.

– Tổ chức công tác kế toán trong Bệnh viện theo đúng quy định hiện hành. Thực hiện các nghiệp vụ kế toán lao động tiền lương, chế độ chính sách, vật tư tài sản, hành chính sự nghiệp chính xác, kịp thời. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác kế toán, chế độ thu chi của Bệnh viện.

– Định kỳ thực hiện báo cáo quyết toán, tổng kết tài sản, kiểm kê tài sản. Tổ chức bảo quản lưu trữ các chứng từ, sổ sách kế toán đúng theo quy định. Tổng hợp tình hình, số liệu cụ thể, phân tích kết quả hoạt động của Bệnh viện.

– Chịu trách nhiệm trước Giám đốc và cơ quan tài chính cấp trên về toàn bộ hoạt động tài chính kế toán của Bệnh viện.

– Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của phòng Tài chính Kế toán. Phân công hợp lý đối với các thành viên trong phòng. Thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, giám sát mọi hoạt động kinh tế tài chính trong Bệnh viện.

– Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho các thành viên trong phòng. Điều hành các hoạt động nghiệp vụ tài chính kế toán cho phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị, các chế độ chính sách của Nhà nước.

– Xây dựng dự toán ngân sách, kế hoạch thu chi nhằm đảm bảo cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

– Giám sát các hoạt động kinh tế tài chính của Bệnh viện.

Với sự đoàn kết, phấn đấu, nỗ lực không ngừng, tập thể cán bộ công nhân viên, phòng TCKT đang từng bước trưởng thành, vững về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng tầm bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc trung bộ.