Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Phòng tránh và điều trị rối loạn giọng nói

Phòng tránh và điều trị rối loạn giọng nói

 Tiếng nói ngôn ngữ mang tính đặc trưng của con người, có chức năng vô cùng quan trọng đó là chức năng giao tiếp. Nhờ chức năng quí giá này mà loài người có thể sống và hoạt động trong một xã hội, đồng thời phát triển trí tuệ, phát triển văn hóa và văn minh, vì vậy nó cần được chăm sóc và bảo vệ.

 Phát âm ở người không chỉ là đơn thuần phát ra một tiếng từ cổ họng, mà là sự phối hợp của nhiều quá trình mới tạo ra tiếng nói của con người. Ba quá trình cơ bản đó là:

– Quá trình tạo một luồng hơi từ ngực bụng trở ra gọi là luồng thở phát âm.

– Quá trình rung động của hai dây thanh để tạo ra âm thanh quản tức là rung thanh.

– Quá trình điều tiết những rung thanh này bởi các bộ phận mũi, họng, miệng, môi, lưỡi để cuối cùng tạo thành những âm vị, âm tiết của tiếng nói con người.

Ngoài ra còn có một quá trình không thể thiếu được là hệ chỉ huy điều chỉnh của não trung ương và tai nghe.

 1. Rối loạn giọng nói là gì?

 Rối loạn giọng nói (thường gọi là hỏng giọng) là khi một trong những quá trình trên có sự biến đổi hay mất đi các đặc trưng cơ bản của nó. Trong hỏng giọng nói chung thì hỏng giọng khàn tiếng là hiện tượng bệnh lý phổ biến nhất, khiến giọng nói của người bệnh thay đổi khác thường so với trước đây.

 2. Nguyên nhân gây hỏng giọng khàn tiếng:

Có hai loại nguyên nhân cơ bản:

–  Có tổn thương thực thể như các viêm nhiễm, các khối u, chấn thương…

–  Không có tổn thương thực thể: gọi là hỏng giọng loạn chức năng

 Nhiều yếu tố nguy cơ có thể góp phần dẫn đến rối loạn giọng nói, bao gồm:

  • Lạm dụng giọng nói: Nói to, nói nhiều, nói gắng sức kéo dài hơi…
  • Hút thuốc: Làm tăng nguy cơ ung thư thanh quản
  • Nghiện rượu, caffeine: Gây kích thích và làm mất nước dây thanh.
  • Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
  • Bệnh nghề nghiệp: Ca sĩ, diễn viên, giáo viên, người làm nghề bán hàng…
  • Môi trường sống, môi trường làm việc: Ồn ào, bụi khói độc, nhiệt độ ẩm thấp.
    3. Một số rối loạn giọng nói thường gặp

3.1. Viêm thanh quản:

                                      Ảnh: Viêm thanh quản cấp

Viêm thanh quản cấp tính thường do virus đường hô hấp trên gây ra, bệnh chỉ kéo dài trong vòng một vài tuần. Trong khi đó, viêm thanh quản mãn tính diễn ra lâu hơn và đa phần đều liên quan đến bệnh lý như ho mãn tính, hen suyễn hoặc trào ngược dạ dày thực quản.

  3.2. Liệt dây thanh

Có thể bị liệt một dây thanh hoặc cả hai dây thanh. Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng, u vùng cổ – ngực hoặc u nền sọ, chấn thương, đột quỵ não…

 3.3. Các thương tổn lành tính của dây thanh

– Polype dây thanh: khối u thường một bên dây thanh, kiên quan đến nói nhiều, hút thuốc…, gặp ở nam nhiều hơn nữ.

– U nang dây thanh: Khối u chất nhầy, vị trí thường ở một bên dây thanh, gặp cả ở nam và nữ.

–  Hạt xơ dây thanh: hạt nhỏ ở bờ tự do hai dây thanh, vị trí đối diện nhau. Đây là hậu quả của những phát âm quá sức kéo dài, đa số gặp ở phụ nữ.

                                  Ảnh: Các loại u lành tính thanh quản thường gặp

 – U hạt dây thanh: là tổ chức viêm dạng hạt nằm ở dây thanh, thường gặp ở bệnh nhân có bệnh trào ngược dạ dày – thực quản hoặc những bệnh nhân có tiền sử đặt ống nội khí quản (u hạt do tiếp xúc). Hiếm gặp do lao, giang mai …

– Papiloma thanh quản: Khối u màu đỏ sẫm hoặc trắng xám sần sùi, mọc từng chùm dọc theo khe thanh môn. Nếu gặp ở người lớn phải cảnh giác trạng thái tiền ung thư.

– Phù nề Reinke: bản chất là sự phù nề mạnh của khoảng Reinke ở một hay hai bên dây thanh, đa số gặp ở nam giới đặc biệt quá sức về giọng nói, hút thuốc nhiều và nghiện rượu.

– Các khối u bẩm sinh, dị tật bẩm sinh (ít găp): U hơi bẩm sinh, màng dính bẩm sinh khe thanh môn.

U hạt dây thanh                   Papiloma thanh quản          Phù Reinke

                                   Ảnh: Các loại u lành tính thanh quản thường gặp

3.4. Ung thư thanh quản: là khối u ác tính của dây thanh, phổ biến nhất là ung thư biểu mô thanh quản. Loại ung thư này có thể gây rối loạn giọng nói, làm giọng trở nên khàn đặc kéo dài, có thể gây khó thở.

                       Ảnh: Ung thư thanh quản

3.5. Chứng khó phát âm do co thắt

Đây là bệnh lý hay gặp ở tuổi trung niên, đặc biệt nhiều ở phụ nữ. Bệnh nhân nói rất mệt, tầm sức phát âm giảm toàn bộ, không nói to lên được làm bệnh nhân luôn phải cố gắng quá sức giọng nói.

4. Triệu chứng rối loạn giọng nói

Triệu chứng của rối loạn giọng nói gồm những thay đổi bất thường như:

 – Giọng nói run rẩy, ngắt quãng, kém ổn định; Giọng nói yếu, thều thào

 – Giọng nói nghe miễn cưỡng, căng thẳng hoặc bị rè

 – Giọng nói quá cao, quá trầm hoặc thay đổi giọng nói theo từng thời điểm trong ngày

 – Khàn giọng/ Mất giọng.

5. Phương pháp chẩn đoán rối loạn giọng

 5.1. Các phương pháp soi khám thanh quản:

– Soi thanh quản bằng ống cứng.

– Soi thanh quản ống mềm

– Nội soi hoạt nghiệm thanh quản. Đây là phương pháp kiểm tra thanh quản bằng nguồn sáng nhấp nháy quay lại hình ảnh di chuyển chậm của dây thanh để quan sát sự rung động và hoạt động đóng mở của dây thanh. Phương pháp nội soi hoạt nghiệm đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán các tình trạng gây rối loạn giọng nói, giúp nâng cao đáng kể độ chính xác của chẩn đoán thanh quản so với các kĩ thuật nội soi sử dụng nguồn ánh sáng thông thường.

    

                       Ảnh: Nội soi thanh quản tại khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

5.2. Thăm dò chức năng

– Phân tích âm của giọng nói: Thông qua các phân tích từ máy móc, thiết bị chuyên dụng, bác sĩ có thể đo lường sự bất thường trong âm thanh do dây thanh tạo ra. Cụ thể, bác sĩ có thể phân tích giọng nói, phân tích giọng hát, đo hình thể biên độ giọng nói, đo chỉ số độ nặng rối loạn phát âm, làm nghiệm pháp nói gắng sức, đo chỉ số khiếm khuyết giọng nói bằng phần mềm thanh học…

– Đo điện cơ thanh quản: Để chẩn đoán các rối loạn giọng do bệnh lý thần kinh gây ra

– Một số các chẩn đoán hình ảnh như chụp MRI, CT scan… nếu cần thiết.

5.3. Chẩn đoán nguyên nhân

Bệnh nhân có tổn thương thực thể dây thanh hay rối loạn phát âm chức năng như: rối loạn giọng co thắt, giảm động dây thanh, tăng động dây thanh, rối loạn giọng dậy thì, rối loạn giọng tâm lý…

6. Phương pháp điều trị rối loạn giọng nói

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây rối loạn giọng mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.

6.1. Chế độ sinh hoạt và phòng bệnh:

– Nghỉ giọng: Là cần thiết ngay trước tiên, thời giạn (1- 4 tuần) tùy thuộc bệnh lý có tính tạm thời hay lâu dài.

– Bỏ tránh các yếu tố hậu thuẫn gây khàn kéo dài như hút thuốc, nói to và nói nhiều, lao động trong môi trường có hơi độc, bụi độc, tiếng ồn quá lớn…

– Tìm và điều trị các bệnh mạn tính kế cận: viêm Amidan mạn tính, viêm mũi họng mạn tính, viêm xoang mạn, viêm phế quản mạn tính…

– Tìm và điều trị các nguyên nhân tâm lý có thể ảnh hưởng phát âm: stress…

6.2. Phương pháp điều trị nội khoa:

 – Thuốc điều trị toàn thân: Thuốc kháng sinh, chống nấm, kháng viêm. Thuốc chống dị ứng, điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, điều trị các bệnh lý thần kinh gây rối loạn giọng…

– Tại chỗ: Bơm thuốc thanh quản, xịt họng, khí dung họng thanh quản bằng các hỗn hợp kháng sinh, kháng viêm …

–  Thay đổi địa tạng mẫn cảm, địa tạng dị ứng … nếu có.

6.3. Phương pháp điều trị ngoại khoa: Các trường hợp được chỉ định thường là:

– Tổn thương lành tính ở dây thanh âm do lạm dụng giọng nói và các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả

– Các bất thường trong cấu trúc dây thanh nhưng không chỉ định điều trị bảo tồn: rãnh dây thanh, nang dây thanh, u nhú dây thanh, màng chân vịt…

– Rối loạn giọng từ nguyên nhân thần kinh, đã điều trị bảo tồn nhưng không mang đến hiệu quả

– Rối loạn giọng do chấn thương nghiêm trọng, làm gãy vỡ, lệch khung sụn thanh quản.

                      Ảnh:  Phẫu thuật nội soi cắt u lành tính thanh quản tại khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

6.4. Luyện giọng thanh quản:

Mục tiêu của luyện giọng thanh quản:

 – Huấn luyện tư thế phát âm chuẩn, thở phát âm đúng cách

 – Tập phát âm đúng về cường độ, cao độ, nhịp độ hợp với yêu cầu cần thiết.

 – Xếp đặt lại giọng đúng với khả năng thực tại mà không có sự gò ép, gắng sức

               Ảnh: Giáo huấn luyện tập giọng nói khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

7. Cách phòng tránh rối loạn giọng

 – Tránh lạm dụng giọng nói: Hạn chế la hét, bỏ thói quen tằng hắng, chỉ sử dụng giọng nói khi cần thiết.

 – Hạn chế hút thuốc lá, bia rượu.

– Luôn giữ ẩm cho họng bằng cách uống nhiều nước. Cố gắng điều chỉnh không gian nhà ở và nơi làm việc không quá khô, lý tưởng nhất là độ ẩm từ 30% trở lên.

– Chủ động phòng tránh các tình trạng bệnh có thể gây rối loạn giọng như viêm họng, viêm thanh quản, trào ngược dạ dày thực quản…

Nếu tình trạng khàn tiếng, thay đổi đặc điểm giọng nói tồn tại hơn 3 tuần, bệnh nhân nên được thăm khám phát hiện các tổn thương dây thanh và điều trị kịp thời, phục hồi giọng nói.

Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là nơi tập trung đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm, được đào tạo bài bản đảm bảo chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, rút gọn thời gian khám chữa bệnh cho bệnh nhân về bệnh lý Tai mũi họng, đặc biệt chuyên sâu trong lĩnh vực Thanh học.

👉Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ

🏥 Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

🛤Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An

. ☎️Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082 hoặc 0886.234.222

⌚️Thời gian đặt hẹn: 7h – 16h thứ 2 đến thứ 6

🖥Website: https://bvnghean.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/bvhndknghean/