Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Sa sút trí tuệ sau đột quỹ não

Sa sút trí tuệ sau đột quỹ não

1. Sa sút trí tuệ sau đột quỵ là gì? Nguyên nhân

1.1 Sa sút trí tuệ mạch máu sau đột quỵ

Sau đột quỵ nhiều người bệnh bị sa sút trí tuệ mạch máu, thường gặp ở thể nhồi máu não (đôi khi cũng có thể là sau xuất huyết não). Đây là tình trạng giảm nhận thức không hồi phục ngay lập tức sau khi người bệnh trải qua cơn đột quỵ và/hoặc muộn bắt đầu trong vòng 6 tháng sau đột quỵ.

Trên thế giới đã ghi nhận tỷ lệ sa sút trí tuệ sau đột quỵ chiếm khoảng 30-60%, tại Việt Nam tỷ lệ này cũng tương tự. Điều này có tức là, có khoảng 30-60% bệnh nhân sau khi trải qua cơn tai biến mạch máu não (đột quỵ) sẽ tiến triển sa sút trí tuệ. Con số này không hề nhỏ, do đó vấn đề sa sút trí tuệ sau đột quỵ đặc biệt ở người lớn tuổi rất cần được quan tâm.

1.2 Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ sau đột quỵ

Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ sau đột quỵ là do tế bào não sau đột quỵ bị hư hại. Đột quỵ khiến mạch máu não bị tổn thương (xơ vữa, hẹp và bị tắc nghẽn do cục máu đông, giãn nở mạch máu não khiến khả năng đàn hồi của mạch máu kém, xuất huyết mạch máu não), điều này làm cho các tế bào não được nuôi dưỡng bởi mạch máu não bị tổn thương suy giảm và mất dần chức năng (tổn thương vĩnh viễn không hồi phục).

Khi đó các tế bào não thuộc vùng ghi nhớ bị chết đi, sẽ khiến người bệnh mắc sa sút trí tuệ.

 

Sa sút trí tuệ sau khi trải qua cơn đột quỵ là tình trạng giảm nhận thức không hồi phục ngay lập tức sau khi người bệnh trải qua cơn đột quỵ và/hoặc muộn bắt đầu trong vòng 6 tháng sau đột quỵ

2. Những đối tượng dễ bị sa sút trí tuệ sau đột quỵ

Không phải ai sau khi trải qua cơn đột quỵ cũng bị sa sút trí tuệ. Những trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ mà dễ mắc sa sút trí tuệ sau đó thường gặp ở hai dạng:

2.1 Đột quỵ nhiều lần, nhiều ổ (sa sút trí tuệ do nhồi máu não đa ổ)

Người mắc nhồi máu não đa ổ dễ bị sa sút trí tuệ hơn vì đây là yếu tố nguy cơ chính gây sa sút trí tuệ sau đột quỵ. Nhồi máu não đa ổ được hiểu đơn giản là bị nhồi máu não từ 2 vị trí trở lên, khi các cục máu đông làm tắc nghẽn nhiều đoạn mạch nhỏ trong não.

Tỷ lệ nhồi máu não đa ổ không hề hiếm gặp trong số những bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não, con số này có thể chiếm tới 60% các ca đột quỵ nhồi máu não. Trong đó, vị trí tổn thương thường gặp nhất là động mạch não giữa, tiếp theo là động mạch não trước, động mạch não sau và còn lại là ở các vị trí khác.

2.2 Tổn thương vùng đồi thị (sa sút trí tuệ do tổn thương vùng đồi thị)

Đồi thị là trung tâm điều khiển cảm giác và hành vi quan trọng trong não. Có chức năng xử lý thị giác, xử lý ngôn ngữ, vận động, nhận thức cơn đau. Khi lưu lượng máu đến vùng đồi thị bị bị gián đoạn, khiến các tế bào thần kinh trong đồi thị bị hỏng, dẫn tới các triệu chứng đột quỵ như: mất cảm giác, khó xử lý thị lực, mất khả năng cử động một phần trên cơ thể.

Người bị đột quỵ do tổn thương vùng đồi thị sau khi sống sót sẽ có nguy cơ bị sa sút trí tuệ hơn những người khác.

3. Sự cần thiết của người chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ sau đột quỵ

Sa sút trí tuệ là tình trạng người bệnh suy giảm nhận thức và mất dần sự độc lập trong cuộc sống. Khi người bệnh mất dần đi sự độc lập trong cuộc sống của mình thì đòi hỏi người chăm sóc bệnh nhân phải có kiến thức để: có thể hỗ trợ giúp đỡ người bệnh điều trị và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, đồng thời chia sẻ và thấu hiểu người bệnh để việc điều trị trở nên có hiệu quả hơn.

Tùy thuộc vào từng giai đoạn sa sút trí tuệ của người bệnh sau khi bị đột quỵ mà vai trò của người chăm sóc có sự khác nhau.

3.1 Sa sút trí tuệ sau đột quỵ ở giai đoạn nhẹ

Mục tiêu điều trị là kích thích lại nhận thức để giúp cho người bệnh hồi phục phần nào chức năng nhận thức. Bên cạnh việc dùng thuốc, bác sĩ có thể tư vấn những bài tập khi về nhà cho người bệnh, để giúp người bệnh có thể thực hiện được những bài tập này bác sĩ sẽ huấn luyện người chăm sóc bệnh nhân để họ hiểu được và giúp hỗ trợ người bệnh thực hiện tại nhà.

3.2 Sa sút trí tuệ sau đột quỵ ở giai đoạn nặng hơn

Lúc này người bệnh có thể có những biểu hiện rối loạn hành vi. Sự rối loạn hành vi này không đơn thuần là do sự thay đổi tính cách của người bệnh mà có thể do vùng não kiểm soát hành vi bị teo (hư hại), điều này khiến người bệnh không thể kiểm soát được hành vi của mình. Do đó, người chăm sóc cần hiểu, thông cảm để cùng giúp người bệnh vượt qua và không làm cho mối quan hệ giữa người bệnh và người chăm sóc trở nên tồi tệ hơn.

 

Sự quan tâm, chăm sóc của người thân có vai trò rất quan trọng, tạo động lực để người bệnh “chiến đấu” vượt qua nỗi đau bệnh tật.

4. Các dấu hiệu nhận biết sa sút trí tuệ

Phát hiện sớm sa sút trí tuệ để cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân là việc làm rất quan trọng. Bởi khi người bệnh được nhận biết sớm và điều trị sớm, sẽ giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và giúp người bệnh có được cuộc sống tốt hơn sau này.

Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo sa sút trí tuệ, bạn cần nhận biết đó là:

– Giảm trí nhớ

– Khó khăn khi thực hiện công việc quen thuộc.

– Khó khăn về ngôn ngữ.

– Mất định hướng về thời gian và nơi chốn.

– Giảm khả năng đánh giá tình huống.

– Giảm khả năng quản lý cuộc sống.

– Quên chỗ để đồ.

– Thay đổi về thái độ và hành vi.

– Khó khăn trong hiểu thông tin về thị giác và không gian.

– Thu mình khỏi công việc và các hoạt động xã hội.

Sa sút trí tuệ không phải hiện tượng lão hóa tự nhiên mà là một dạng bệnh lý ở não bộ, có tiến triển nặng dần theo thời gian và người bệnh cần được điều trị.

5. Cách phòng tránh bệnh sa sút trí tuệ

Việc phòng ngừa có ý nghĩa quan trọng trong việc mắc phải bệnh nguy hiểm này. Có thể phòng bệnh sa sút trí tuệ khi thực hiện các biện pháp hữu ích sau:

  • Chăm sóc, rèn luyện trí não: có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và giảm hậu quả của bệnh qua các hoạt động kích thích tinh thần như: đọc sách, giải câu đố, chơi trò chơi chữ,…
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: bổ sung vitamin B, C, D, trong đó tăng cường vitamin D thông qua thực phẩm để ngăn ngừa chứng mất trí nhớ. Ngoài ra, nên bổ sung rau xanh, trái cây, các loại ngũ cốc và chất xơ cho cơ thể. Hạn chế tiêu thụ chất béo, đường, các loại thực phẩm chế biến sẵn và chất kích thích (thuốc lá, cafe, rượu, bia) vì chúng làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ và các bệnh về tim mạch.

Chế độ ăn tăng cường vitamin D ngăn ngừa suy giảm trí nhớ

  • Một số thuốc có tác dụng phụ gây suy giảm trí nhớ như hỗn hợp thần kinh D3, vì vậy nên thận trọng và hạn chế sử dụng các loại thuốc này.
  • Hoạt động thể chất và tương tác xã hội: có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và giảm các triệu chứng của bệnh thông qua tập thể dục ít nhất  30 phút mỗi ngày, 150 phút mỗi tuần đều đặn và thường xuyên. Thường xuyên gặp gỡ và trò chuyện, giao tiếp với mọi người xung quanh giúp cải thiện tình trạng não bộ và sức khỏe của bạn.
  • Đảm bảo chất lượng giấc ngủ: mất ngủ, khó ngủ làm thần kinh suy yếu, có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó dẫn đến nguy cơ mắc bệnh giảm sút trí tuệ. Do đó, bạn nên ngủ đủ giấc từ 7-8 tiếng mỗi ngày, tạo không gian yên tĩnh khi ngủ.
  • Điều trị tình trạng sức khỏe đang gặp phải: nếu người bệnh bị mất thính lực, trầm cảm hoặc lo lắng nền được tư vấn và điều trị sớm.
  • Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch, đột quỵ: điều trị huyết áp cao, đái tháo đường, mỡ máu cao, duy trì thuốc dự phòng đột quỵ, béo phì góp phần hạn chế nguy cơ mắc một số loại chứng mất trí nhớ. Để sớm phát hiện các bệnh gây nên suy giảm trí nhớ và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả nên kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên, tái khám theo hẹn hoặc liên hệ tổng đài CSKH+ Đặt lịch khám tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An: 1900.8082-0886.234.222