Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Sáng ngời blouse trắng giữa trùng dương Trường Sa

Sáng ngời blouse trắng giữa trùng dương Trường Sa

Sáng ngời blouse trắng giữa trùng dương Trường Sa

Ở Trường Sa, các y, bác sỹ quân y không chỉ đơn thuần chữa trị cho bộ đội mà còn là chỗ dựa tin cậy của nhân dân, ngư dân. Công việc thầm lặng của các đồng chí đã làm sáng ngời y đức người thầy thuốc giữa trùng dương sóng gió. Họ được nhân dân ở Trường Sa mến thương gọi là những “chiến sỹ khoác áo blouse trắng”.

Bác sỹ Lê Minh Phong khám bệnh cho chiến sỹ trên đảo.

Sau khi giải phóng hàng và người, tàu HQ 571 vừa rời Cảng Trường Sa ra neo đậu ngoài khơi thì có một tin không vui bay tới. Tiến sỹ Lê Xuân Huy – Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hải Dương (Hải Dương) thành viên hiếm hoi trong đoàn không phải là dân báo chí phải theo xuồng quay lại đảo vì tình hình sức khỏe của ông có nhiều biểu hiện không tốt. Ngay khi xuồng cập cảng, ông được chỉ huy đảo đưa ngay đến Bệnh xá Trường Sa khám bệnh.

Dù đang giữa trưa, lực lượng y, bác sỹ bệnh xá đã lập tức tiếp nhận, khám cho bệnh nhân. Sau khi hỏi để nắm thêm thông tin triệu chứng, bác sỹ Hoàng Ngọc Cường – bác sỹ bệnh xá đã nhanh chóng siêu âm và đưa ra kết luận Tiến sỹ Huy bị viêm đường tiết niệu cấp và cấp thuốc điều trị miễn phí. Sau vài ngày, qua theo dõi tình hình, sức khỏe của bệnh nhân hồi phục theo chiều hướng tốt và có thể theo tàu trở về bờ đúng hành trình. Quá xúc động bệnh nhân Lê Xuân Huy chia sẻ: “Không ngờ ở giữa biển, đảo xa xôi thế này, cơ sở y tế của đảo Trường Sa vẫn có thể đảm bảo chạy chữa những ca bệnh khó. Đội ngũ y, bác sỹ giỏi và tận tình với bệnh nhân. Tôi thực sự vui mừng vì như thế, bộ đội, nhân dân Trường Sa sẽ được chăm sóc sức khỏe trong điều kiện ngày càng tốt, góp phần bảo vệ, xây dựng vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Không giống những bệnh viện đa khoa trong đất liền, Bệnh xá đảo Trường Sa đơn giản chỉ là hai dãy nhà cấp 4 gọn gàng, giản dị nằm nép mình, hài hòa dưới tán bàng vuông, đậm chất đảo. Thầy thuốc của bệnh xá cũng là những y, bác sỹ quân đội đến từ vùng 4 và Bệnh viện Quân đội 175. Trong những năm qua, bệnh xá được đầu tư rất nhiều trang, thiết bị y tế hiện đại nhằm hướng tới mục tiêu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của cả cán bộ, chiến sỹ và nhân dân phía Nam quần đảo Trường Sa. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh bệnh xá, Đại úy, bác sỹ Lê Minh Phong – Trưởng Bệnh xá Trường Sa cho biết: “Trang, thiết bị điều trị của bệnh viện được trang bị tương đối hiện đại, tương đương một bệnh viện cấp huyện. Chúng tôi có máy X – quang, máy xét nghiệm máu, siêu âm màu, hệ thống chẩn đoán trực tuyến kết nối với các bệnh viện quân y lớn như: 108, 175, 103 để điều trị những ca bệnh khó. Đội ngũ y, bác sỹ đều là các quân nhân phục vụ tại các bệnh viện quân đội được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao của các bệnh viện quân đội lớn trong đất liền. Do đó có thể thực hiện các ca trung phẫu, giải phẫu như viêm ruột thừa, thủng dạ dày, chấn thương nặng”. Đó cũng chính là nguyên nhân, Bệnh xá Trường Sa đã trở thành địa chỉ tin cậy của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, đặc biệt, đối tượng bệnh nhân là ngư dân chiếm khoảng 80% ca bệnh điều trị.

Cách đây chưa lâu, ngư dân Bùi Tuấn Việt quê xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đang cùng tàu đánh bắt hải sản dài ngày trên ngư trường Trường Sa thì bị nhiễm trùng uốn ván. Nếu không chữa trị kịp thời có thể nguy cấp đến tính mạng. Nhưng ngặt nỗi, giữa đại dương bao la, cách đất liền hàng trăm cây số, tàu chạy về đến nơi e cũng đã muộn. Tình trạng của ngư dân Việt diễn biến càng ngày càng xấu, cơ thể co giật liên hồi, cơ bắp xơ cứng, không thể nói chuyện được, tính mạng ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Giữa cơn bĩ cực, tàu cá liền chở ông Việt vào đảo Trường Sa, tất cả trông chờ vào tài năng của các bác sỹ ở bệnh xá trên đảo. Tiếp nhận bệnh nhân Việt trong điều kiện thiết bị điều trị chuyên dụng chưa đáp ứng được, Đại úy Lê Minh Phong cùng tập thể bệnh viện đã dùng hết khả năng, kinh nghiệm và cơ số thuốc men cần thiết tập trung cứu chữa giành lại sự sống cho bệnh nhân trong cơn bạo bệnh. Cuối cùng, sau một tuần điều trị tập trung diệt trừ vi khuẩn, trung hòa độc tố, ngăn ngừa các cơn co cơ cứng và hỗ trợ hô hấp, bệnh tình của bệnh nhân Việt chuyến biến theo chiều hướng tốt, không còn ảnh hưởng đến tính mạng. Liền sau đó, bệnh nhân được chuyển vào điều trị ở Bệnh viện Quân y 175 ở TP. Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị trong thời gian một tháng và hoàn toàn bình phục sức khỏe có thể xuất viện.

Giờ đây, nhớ lại quá trình điều trị, bác sỹ Phong chia sẻ: “Trong điều kiện trang, thiết bị ở bệnh xá đảo còn thiếu thốn, tiếp nhận và điều trị khỏi bệnh cho bệnh nhân Bùi Tuấn Việt thực sự là một thành công lớn. Bởi ngay tại đất liền cũng chỉ có một số bệnh viện lớn có đầy đủ năng lực và thiết bị điều trị thành công căn bệnh này trong tình trạng bệnh nhân nguy kịch như vậy”. Đây không phải là trường hợp ngoại lệ, bởi trong năm 2013, Bệnh xá đã trực tiếp cấp cứu, điều trị dài ngày cho 19 trường hợp ngư dân với kinh phí lên đến 90 triệu đồng, chưa kể khám và phát thuốc miễn phí cho 264 lượt ngư dân với kinh phí khoảng 10 triệu đồng. Những việc làm nghĩa cử cao đẹp trên đã để lại ấn tượng đẹp và giúp ngư dân an tâm trong những chuyến đánh bắt dài ngày tại ngư trường Trường Sa.

Dẫu vậy, với những bác sỹ ở Bệnh xá Trường Sa, họ cũng là những người lính đảo thực thụ, cũng có những đêm ngày rèn luyện giữa thao trường đầy nắng gió và cả những nỗi nhớ rất đời thường dành cho đất liền, gia đình. Nhưng, có đến Trường Sa mới thấu được tình cảm mà nhân dân, ngư dân dành cho bộ đội nói chung, các y, bác sỹ nói riêng. Các bác sỹ đã hết lòng vì sức khỏe của nhân dân, trong năm 2013 bệnh xá đã khám 337 lượt, cấp cứu 7 lượt nhân dân. Tình quân – dân ngày càng thắm đượm; niềm vui, nỗi buồn vì thế mà được nhân lên hay sẻ chia rất nhiều. Chị Lê Thị Hoa – một hộ dân chia sẻ: “Các bác sỹ sống rất chan hòa với nhân dân, hễ có ốm đau gì, giờ nào các anh cũng nhiệt tình cứu chữa. Họ như người thân trong gia đình vậy”.

Và mỗi khi có một bác sỹ trở lại đất liền thì mỗi cuộc chia tay với nhân dân đều bịn rịn như một cuộc chia tay người thân. Tết năm nay bác sỹ Hoàng Ngọc Cường sẽ quay trở lại làm việc tại Bệnh viện Quân y 175 sau thời gian công tác tại đảo. Quý tính tình hoà nhã và y đức, tài năng hết lòng vì quân và dân, nhiều người dân trên đảo đã tự tay làm những cây mai bằng ốc biển lên tặng anh, coi như làm quà của Trường Sa cho đất liền. “Cuộc sống ở đảo thực sự cho tôi nhiều trải nghiệm và vị trí cao cả của nghề thầy thuốc trong cuộc sống. Mỗi món quà của nhân dân dẫu rất mộc mạc, đơn sơ nhưng đó là cả tấm chân tình mà bà con dành cho, thật đáng quý trọng”, bác sỹ Cường xúc động chia sẻ. Và không chỉ ở ở đảo Trường Sa mà trong khắp cả quần đảo Trường Sa, từ các bệnh xá ở đảo Song Tử Tây, Nam Yết đến trạm xá ở Trường Sa Đông, An Bang…ở đâu có bác sỹ quân y là ở đó trở thành địa chỉ tin cậy của cả bộ đội và nhân dân.

Trong năm qua, Trạm xá đảo Trường Sa Đông đã chữa trị 256 ca bệnh, trong đó có 126 ca là ngư dân. Hay tại đảo An Bang nằm ở cực Nam của quần đảo Trường Sa, trạm xá đảo đã trực tiếp khám và điều trị 350 ca, trong đó có trên 120 ca cấp cứu, điều trị cho các ngư dân. Trung úy, bác sỹ Trương Xuân Hoàn – Tổ trưởng nhóm quân y của Bệnh viện 268, Quân khu 4 trực tiếp làm nhiệm vụ ở đảo An Bang trong năm 2013 tậm sự: “Dù đã được quan tâm đầu tư rất nhiều nhưng điều kiện khám, chữa bệnh ở đảo không thể bằng đất liền. Vì vậy, chữa được một ca bệnh khó, giúp được một ngư dân hay cán bộ, chiến sỹ thành công là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao với chúng tôi”.

Thật vậy, trên vùng biển của quần đảo Trường Sa, chiến công của những “chiến sỹ khoác áo blouse trắng” dẫu âm thầm nhưng mang lại ý nghĩa thực sự to lớn. Công việc của họ không chỉ đảm bảo sức khỏe tốt cho bộ đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là điểm tựa tin cậy cho ngư dân, nhân dân khai thác, phát huy tiềm năng kinh tế dồi dào của vùng biển này, góp phần phát triển nền kinh tế biển, khẳng định chủ quyền quốc gia.

(BaoNghean)