Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Say nắng, say nóng : biểu hiện, xử trí và cách dự phòng

Say nắng, say nóng : biểu hiện, xử trí và cách dự phòng

Ánh nắng mặt trời, nhất là về mùa hè và sức nóng là hai nguyên nhân vật lý có thể gây ra những stress đối với cơ thể. Say nóng có thể xuất hiện ở ngoài trời, trong hầm lò, trong nhà, trong buồng bệnh, trong toa xe, trên ô tô… Rất nhiều người coi nhẹ say nắng, say nóng, nhưng nó không chỉ có biểu hiện là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu… mà còn có thể gây đột quỵ, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong.

Do đó chúng ta cần hiểu được trong điều kiện, hoàn cảnh nào dễ bị say nắng, say nóng cũng như cách xử trí khi có người bị say nắng, say nóng và cách phòng tránh.

Say nắng, say nóng là một cấp cứu y học. Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị say nắng, say nóng bạn nên gọi cấp cứu ngay lập tức và tổ chức sơ cứu nạn nhân cho đến khi nhân viên y tế tới.

4

 Nguyên nhân

Say nắng:

  • Khi lao động dưới trời nắng.
  • Ở quá lâu dưới trời nắng.
  • Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt chiếu vào vùng đầu, gáy, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị tổn thương làm rối loạn điều hòa thân nhiệt, mất nước cấp gây nên tổn thương thần kinh có thể hồi phục hoặc không hồi phục.

Say nóng:

  • Phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời.
  • Làm việc trong môi trường nhiệt độ cao nóng bức.
  • Hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ.
  • Sự thải nhiệt bị cản trở (mặc quần áo không thấm mồ hôi, độ ẩm quá cao).

1 Lao động quá lâu ngoài trời nắng

2

Hoạt động thể lực quá sức

Yếu tố nguy cơ

  • Béo phì hoặc thiếu cân.
  • Kiệt muối nước.
  • Sống một mình.
  • Tuổi quá cao hoặc quá nhỏ.
  • Sự thích nghi với khí hậu.
  • Không uống nước, môi trường nóng.
  • Tình trạng sức khỏe: mắc các bệnh như: đái tháo đường, bệnh tim – phổi – thận, bệnh tâm thần…
  • Sử dụng các loại thuốc kháng histamin, thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu, thuốc tim mạch, thuốc huyết áp, thuốc chống động kinh…

Biểu hiện của say nắng, say nóng

Ngất xỉu thường có đầu tiên.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Đau nhói đầu.
  • Chóng mặt, hoa mắt và choáng váng.
  • Không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng.
  • Da đỏ, nóng và khô.
  • Thường nhiệt độ > 37 độ C.
  • Yếu cơ hoặc chuột rút.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Nhịp tim nhanh, mạch nhanh.
  • Thở nhanh và nông.
  • Thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng, hoặc trạng thái sửng sốt.
  • Co giật.
  • Hôn mê.

Sơ cứu ban đầu ngoài viện

Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị say nắng – say nóng, hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Bất cứ sự trì hoãn nào đều có thể khiến bệnh nhân tử vong.

Trong khi đợi hỗ trợ y tế đến, cần phải tiến hành sơ cứu:

  1. Nhanh chóng đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ, hoặc tới một khu vực râm mát, và cởi bỏ bất cứ quần áo nào không cần thiết.
  2. Nếu có thể được, đo thêm nhiệt độ trung tâm cơ thể của bệnh nhân và bắt đầu tiến hành sơ cứu bằng cách làm mát:
  • Làm mát ngay tức thì: quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước.
  • Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân (do các khu vực này nhiều mạch máu gần da nên làm lạnh chúng giúp hạ nhiệt độ nhanh chóng).
  • Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, hoặc bồn tắm nước đá.

3

Nếu hỗ trợ y tế tới muộn, bạn có thể gọi điện tới phòng cấp cứu trong bệnh viện để được hướng dẫn thêm.

  1. Theo dõi liên tục ý thức, tình trạng mất nước nặng nếu cần phải hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng kỹ thuật CRP (hồi sinh tim phổi) cơ bản.

Tại khoa Cấp cứu

  • Nhanh chóng ổn định đường thở, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn ( nếu cần) và đánh giá mức độ nặng của bệnh nhân.
  • Thở oxy và truyền dịch tinh thể khi đã cởi bỏ quần áo và đo được nhiệt độ trung tâm.
  • Sử dụng các biện pháp làm mát tích cực để hạn chế các tổn thương đích (nên dừng khi nhiệt độ ~ 38 độ C) :
  • Cởi bỏ quần áo bệnh nhân lau bằng nước ấm, sau đó dùng quạt thổi.
  • Dùng nước đá hoặc nhúng bệnh nhân vào bể lạnh (chú ý có thể gây hạ nhiệt độ quá mức).
  • Biện pháp hỗ trợ khác là dùng các gói đá lạnh đặt vào cổ, nách, bẹn hoặc dùng chăn điện.
  • Điều chỉnh thiếu nước và điện giải.
  • Người già giảm thích nghi với nhiệt độ và có nhiều bệnh kèm theo nên cần phải theo dõi tim mạch, đánh giá thường xuyên và bù dịch thận trọng.
  • Theo dõi liên tục dấu hiệu sống, huyết áp tư thế, số lượng nước tiểu.
  • Làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm phát hiện tổn thương cơ quan đích:
  • Men gan: thường tăng cao.
  • Công thức máu: tình trạng cô đặc máu, chức năng thận, đông máu: PT, aPTT, tiểu cầu.
  • Sinh hóa máu: chức năng thận, tăng kali máu, CK, đường máu…
  • Khí máu động mạch: kiềm hô hấp do gắng sức hoặc toan lactic.
  • Tổng phân tích nước tiểu
  • Chẩn đoán hình ảnh:

+ Xquang tim phổi: đánh giá ARDS, sặc và viêm phổi.

+ Chụp CT – sọ não: Đánh giá phù não và chảy máu não.

Biến chứng

  • Tim mạch: Nhịp nhanh xoang, tụt huyết áp, thay đổi ST – T, tăng men tim, thủng cơ tim.
  • Phổi: phù phổi, sặc phổi, kiềm hô hấp và ARDS.
  • Thận: tiêu cơ vân, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp.
  • Điện giải: Hạ kali máu, tăng kali máu, hạ calci máu, tăng natri máu, hạ đường huyết, tăng uric máu.
  • Huyết học: Rối loạn đông máu, DIC.
  • Thần kinh: Liệt nửa người, hôn mê, mất trí nhớ, thay đổi tính cách, thất điều, thất ngôn.
  • Gan: Vàng da, hoại tử tế bào gan, suy gan.

Tiên lượng

Tiên lượng xấu tỉ lệ với thời gian từ lúc tăng thân nhiệt tới lúc được điều trị.

  • Điều trị sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực biến chứng, tỉ lệ sống đạt > 90%.
  • Tiên lượng xấu khi:
  • Hoại tử tế bào gan, rối loạn đông máu.
  • Toan lactic.
  • Nhiệt độ > 42,2 độ C.
  • Hôn mê > 4h.
  • Suy thân, tăng kali máu.
  • Tăng AST > 1000.
  • Tăng thân nhiệt kéo dài.

 Dự phòng say nắng, say nóng

  • Mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, và đội một chiếc mũ rộng vành.
  • Uống nhiều nước để tránh mất nước, khuyến khích nhiều nước trái cây, nước rau, nước uống bổ sung điện giải khi hoạt động trong thời gian nhiệt độ và độ ẩm cao.
  • Hoạt động, làm việc tránh thời điểm nắng gắt, nhất là buổi trưa.
  • Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF > 30.
  • Tại nhà, đóng cửa rèm, che chắn cửa…trong thời gian nóng nhất trong ngày. Nghỉ ngơi nơi có điều hòa, nhiều cây xanh hoặc nơi râm mát.
  • Tránh các chất lỏng có chứa cafein hoặc chất có cồn.

Thạc sỹ, BS. Nguyễn Hữu Tân

                         Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An.