Ngày Đái tháo đường Thế giới diễn ra vào ngày 14 tháng 11 hàng năm, là một sự kiện toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về đái tháo đường – một căn bệnh phổ biến với những biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe. Đây là dịp để cộng đồng cùng nhìn nhận về sự nguy hiểm của căn bệnh này, từ đó có những hành động thiết thực trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh.
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), đặc biệt là ĐTĐ týp 2 đang ngày gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, năm 2022, trên thế giới đang có 537 triệu người mắc đái tháo đường, 90% trong số đó là đái tháo đường týpe 2. ĐTĐ có nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh, giảm sức lao động, trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, người bệnh ĐTĐ cũng không vì thế mà mất đi niềm tin vào cuộc sống, vì ngày nay bệnh ĐTĐ được cả thế giới quan tâm nghiên cứu một cách toàn diện, do đó, có nhiều biện pháp giúp người bệnh ĐTĐ sống vui, khỏe, có ích với bệnh tật. Để đạt được mục tiêu này, người bệnh cần biết về các vấn đề dưới đây.
– Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh lý đặc trưng bởi nồng độ đường glucose trong máu tăng cao. Bình thường, glucose luôn hiện diện trong máu với nồng độ ổn định, vì nó là nguồn cung cấp năng lượng cho tất cả các tế bào trong cơ thể, được điều hòa bởi insulin do tụy tiết ra, insulin hoạt động như chìa khoá, mở cửa để glucose vào trong tế bào. Khi đường glucose trong máu tăng cao nó sẽ gây tổn thương rất nhiều cơ quan, gây ra nhiều biến chứng cấp và mạn tính.
– Biểu hiện của bệnh đái tháo đường có thể khởi đầu rất âm thầm, vì vậy, những đối tượng nguy cơ cao cần khám định kì để phát hiện đái tháo đường hàng năm gồm: người thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, gia đình có người thân (cha, mẹ, anh chị em ruột bị ĐTĐ), từ 45 tuổi trở lên,…
– Tùy vào cơ chế bệnh sinh mà người ta đã chia ra làm 2 nhóm bệnh ĐTĐ chính: ĐTĐ týp 1 (nhóm bệnh ĐTĐ phụ thuộc insulin), vì cơ chế tự miễn làm tụy nội tiết bị phá hủy không tiết được insulin, thường gặp ở người trẻ.
– ĐTĐ týp 2 chiếm chủ yếu khoảng 90%-95% số bệnh nhân, bệnh do các tế bào đáp ứng kém với insulin dẫn đến tình trạng tăng đường máu, mặc dù nồng độ insullin có thể bình thường hoặc giảm. ĐTĐ týp 2 chủ yếu xuất hiện người thể trạng béo phì, thừa cân, lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay ĐTĐ týp 2 đang ngày càng trẻ hóa, liên quan đến thừa cân béo phì.
– Các biến chứng của ĐTĐ thường xảy ra như: Biến chứng về mắt gây giảm thị lực, mù lòa; đột quỵ tim, đột quỵ não; hoại tử ngọn chi, cắt cụt, biến chứng thần kinh ngoại vi, hôn mê do tăng đường máu; khả năng liền các vết thương kém, tăng nguy cơ nhiễm trùng do suy giảm sức đề kháng… Đây là những biến chứng do tăng đường máu lâu ngày không được kiểm soát, tình trạng thiểu dưỡng vi mô do bệnh vi mạch máu, gây nên tình trạng tổn thương tế bào ở mức vi thể là căn nguyên của hàng loạt các biến chứng.
– Mặc dù bệnh ĐTĐ gây ra những biến chứng nặng nề, nhưng nếu bệnh được phát hiện sớm thì kiểm soát tốt đường huyết và các yếu tố nguy cơ khác thì vẫn có thể ngăn ngừa tiến triển các biến chứng, thậm chí dự phòng từ tiền ĐTĐ thành bệnh ĐTĐ thật sự. Điều đó chỉ một phần phụ thuộc vào việc tư vấn điều trị của bác sĩ, mà phần lớn phụ thuộc vào sự điều chỉnh lối sống của người bệnh. Các thay đổi đó bao gồm chế độ ăn, chế độ luyện tập, sử dụng thuốc và khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
3. Các chỉ số người bệnh ĐTĐ cần biết:
– Glucose máu đói mục tiêu: < 7 mmol/L
– Glucose máu sau ăn 1-2 giờ mục tiêu: < 10mmol/L
– HbA1C mục tiêu: < 7% (HbA1C được hiểu như nồng độ glucose máu trung bình trong 3 tháng)
– Ngoài ra người bệnh ĐTĐ còn cần được bác sĩ kiểm soát các chỉ số lipid máu (mỡ máu), huyết áp với mục tiêu chặt chẽ hơn so với người bệnh không mắc ĐTĐ, kiểm tra định kì các biến chứng của ĐTĐ, điều đó cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – ĐTĐ.
4. Sống vui, khỏe, có ích với bệnh ĐTĐ
– Cùng với việc điều trị ổn định đường huyết, một mục tiêu quan trọng của điều trị ĐTĐ là đưa người bệnh về cuộc sống gần như người bình thường. Do đó, việc điều trị không đơn giản chỉ là kê toa thuốc của bác sĩ mà còn cần sự hỗ trợ về mặt xã hội, của gia đình người bệnh. Người bệnh ĐTĐ vẫn có được chất lượng cuộc sống tốt khi biết cách để bệnh không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của mình.
– Tạo ra niềm vui trong cuộc sống, đặc biệt từ bữa ăn đủ dinh dưỡng: hướng dẫn điều trị mới hiện nay thì không thực phẩm nào là kiêng tuyệt đối với người bệnh ĐTĐ. Chỉ có những món ăn, thực phẩm cần hạn chế nhằm kiểm soát đường huyết, cân nặng, mỡ máu của mình tốt hơn. Do vậy, thỉnh thoảng người bệnh vẫn có thể cho phép mình thưởng thức một món ăn yêu thích ở mức độ vừa phải, cân đối với các món ăn khác.
– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: chế độ ăn uống hợp lý là một trong các cách kiểm soát được lượng đường huyết tốt nhất. Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường, muối và chất béo bão hòa, các loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh hoặc chế biến sẵn. Nên sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây tươi, rau củ, các loại đậu như đậu nành; các thực phẩm nguyên hạt như ngũ cốc; các thực phẩm bổ sung protein ít béo như trứng, cá, sữa. Uống đủ nước.
– Hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, ngừng hút thuốc lá, thuốc lào… vì làm gia tăng nguy cơ biến chứng ĐTĐ.
– Lựa chọn một môn thể thao yêu thích, vì việc luyện tập vừa tốt cho sức khỏe, vừa không có cảm giác bị ép buộc khi phải tăng cường vận động. Chế độ luyện tập: 30 phút mỗi ngày – ít nhất 5 ngày mỗi tuần, có thể tập thời gian ngắn mỗi lần, nhiều lần trong ngày, như tập Yoga, chạy bộ, đi bộ nhanh, đạp xe đạp,…Việc tự chăm sóc bản thân bằng cách giữ gìn vóc dáng, làm đẹp là những phương pháp thư giãn tốt, giải tỏa căng thẳng.
– Không căng thẳng với việc theo dõi: nên học tự sử dụng máy thử đường máu mao mạch, tiêm insulin, hoặc lựa chọn, phối hợp thực phẩm, và xem đây là những việc làm thường xuyên, giúp ích cho bản thân, giúp mình không phải làm phiền đến người khác, đồng thời tự mình góp phần lớn vào hiệu quả của điều trị.
– Chăm sóc người khác: giúp đỡ người khác là một cách làm người bệnh ĐTĐ cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Chăm sóc những người thân trong gia đình, tham gia những nhóm sinh hoạt chung như câu lạc bộ ĐTĐ chia sẻ kinh nghiệm, hoạt động tình nguyện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật nặng.
– Giữ các mối quan hệ xã hội: người bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể có cuộc sống, sinh hoạt như người bình thường: vẫn làm việc và tham gia các bữa tiệc, các cuộc đi du lịch… chỉ cần lưu ý đối với các bữa tiệc cần kiểm soát mình trước các món ăn, đặc biệt là rượu, bia… để không bị ăn uống quá đà. Khi đi du lịch cần trang bị đầy đủ các thuốc và dụng cụ cần thiết.
🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN
🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới
🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An
🌎Website: www.bvnghean.vn
🌍Facebook: bvhndknghean
☎️☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222, Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6
Thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
Đoàn công tác Sở Y tế tỉnh Xiêng Khoảng, tỉnh Hua Păn – Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến thăm và chúc tết Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM MỚI LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN LỢI KHÁM CHỮA BỆNH CỦA NGƯỜI BỆNH THEO NGHỊ ĐỊNH 02/2025/NĐ-CP VÀ THÔNG TƯ 01/2015/TT-BYT TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN
Cập nhật tình hình dịch bệnh liên quan đến phổi tại Trung Quốc và Khuyến cáo từ Bộ Y tế
Copyright © 2025 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN