Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, nó mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người có thu nhập cáo với người có thu nhập thấp. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới người dân. Công tác tuyên truyền về BHYT có một tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình thực hiện chính sách này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mục đích của tuyên truyền là làm cho “dân biết, dân hiểu, dân tin và dân làm theo”.
Sau 5 năm thực hiện Luật BHYT, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Đó là nhận thức của các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện chính sách BHYT ngày càng được nâng lên. Tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét. Việc mở rộng các nhóm đối tượng cơ bản đã được thực hiện theo đúng lộ trình của luật. Đến tháng 5/2015, Nghệ An đã có 2.226.295 người được cấp thẻ BHYT, cao hơn mức bình quân chung toàn quốc.
Mạng lưới khám, chữa bệnh BHYT được mở rộng, chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên. Người dân đã được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ nguồn quỹ BHYT ngay tại cộng đồng dân cư và nhiều dịch vụ y tế hiện đại.
Công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện BHYT có những chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo và có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT đã trở thành một trong các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Đồng thời qua thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT được đưa vào hệ thống chỉ tiêu kinh tế, xã hội trình HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 99, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện, thành phố, thị xã tại Quyết định số 6037. Đây là sự thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với việc thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi để người cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Từ năm 2009, Nhà nước hỗ trợ 50% mức phí tham gia BHYT và kể từ năm 2012 nâng mức hỗ trợ lên 70%. Chính sách ưu đãi này không chỉ thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước mà còn là một trong những giải pháp thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững.
Người cận nghèo có thẻ BHYT được đối xử bình đẳng như các loại hình khám chữa bệnh BHYT khác, khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh chỉ phải chi trả 5% chi phí.
Việc tham gia BHYT đối với người dân đang hết sức được quan tâm, để việc người sử dụng có hiệu quả thẻ BHYT, đề nghị bà con lưu ý một số nội dung sau:
Khi đến khám, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh. Trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
Trẻ em dưới 6 tuổi đến KCB chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp không có thẻ BHYT phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh; nếu phải điều trị ngay sau khi sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán.
Trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến KCB phải xuất trình giấy hẹn của tổ chức Bảo hiểm xã hội và một loại giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó.
Một số trường hợp cần lưu ý:
– Trường hợp cấp cứu được KCB tại bất kỳ cơ sở y tế nào và phải xuất trình các giấy tờ trên trước khi ra viện.
– Trường hợp chuyển tuyến KCB phải xuất trình các giấy tờ trên và giấy chuyển tuyến theo quy định của Bộ Y tế.
– Trường hợp khám lại theo giấy hẹn phải xuất trình các giấy tờ trên và giấy hẹn khám lại.
– Trường hợp đi công tác, làm việc lưu động, đi học tập trung, tạm trú thì được KCB tại cơ sở y tế cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật ghi trên thẻ BHYT, phải xuất trình giấy tờ trên và một trong các giấy tờ: Giấy công tác, quyết định cử đi học, giấy tạm trú.
– Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể đến KCB phải xuất trình các giấy tờ trên. Nếu chưa có thẻ BHYT vẫn được hưởng quyền lợi nhưng thủ trưởng cơ sở y tế nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc nhân thân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định.
– Trường hợp KCB tại cơ sở y tế không có hợp đồng KCB BHYT, cơ sở y tế có trách nhiệm cung cấp cho người bệnh các chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí KCB để người bệnh thanh toán với tổ chức Bảo hiểm xã hội.
Nhân ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện các thông điệp:
“Vì an sinh xã hội, vì hạnh phúc của mỗi nhà, mọi người hãy tham gia bảo hiểm y tế”;“Thực hiện nghiêm Luật Bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước”;“Sức khỏe cộng đồng gắn liền với bảo hiểm y tế toàn dân”;“Tham gia bảo hiểm y tế là trách nhiệm và quyền lợi của bản thân và cộng đồng”;“Tham gia bảo hiểm y tế là quyền lợi, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân”;“Tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình để mọi thành viên được chăm sóc sức khỏe tốt nhất”.
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho nhân viên y tế
Thông báo số 3292/TB-BV về việc Tuyển dụng viên chức năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN