Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Thận đa nang: nguyên nhân, chẩn đoán và biến chứng

Thận đa nang: nguyên nhân, chẩn đoán và biến chứng

BSCKI. Nguyễn Thị Đoan Trang

                   Khoa Nội Thận – Tiết niệu – Lọc máu

                                                 Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

1. Tổng quan

Bệnh thận đa nang thường xuất hiện ở độ tuổi sau 30-40, rất ít gặp khi còn nhỏ, được đặc trưng bởi tình trạng xuất hiện nhiều nang ở hai bên thận. Bệnh có thể kết hợp cùng các nang gan và bất thường ở tim mạch. Bệnh nguy hiểm ở chỗ không có dấu hiệu đặc trưng mà chỉ được phát hiện qua thăm khám..

2. Dấu hiêu nhận biết bệnh Thận đa nang

Các triệu chứng bệnh thận đa nang có thể bao gồm:

– Huyết áp cao.

– Đau lưng hoặc bên hông, có máu trong nước tiểu.

– Cảm giác đầy bụng, tăng kích thước bụng do thận to, nhức đầu, sỏi thận, suy thận, nhiễm trùng đường tiết niệu.

3. Nguyên nhân:

– Sự phát sinh và phát triển nang thận phụ thuộc vào hai yếu tố gen và môi trường: Chất hóa học hoặc thuốc, bao gồm các chất chống oxy hóa (như diphenyl-thiazole và nordihydro guaiaretic acid), alloxan và steptozotoxin, lithium cloride và cis-platinium.

– Các gen bất thường gây ra bệnh thận đa nang, nghĩa là trong hầu hết các trường hợp, bệnh có yếu tố di truyền. Đôi khi, một đột biến di truyền xảy ra tự phát, do đó cả cha và mẹ đều không có bản sao của gen đột biến.

– Có ba cơ chế chính hình thành nang thận:

+ Tắc nghẽn trong lòng ống thận.

+ Tăng sinh tế bào biểu mô ống thận.

+ Biến đổi màng đáy của ống thận.

4. Chẩn đoán :

Để chẩn đoán chính xác bệnh thận đa nang, bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố thăm khám sau:

– Tiền sử gia đình

– Siêu âm: kết quả siêu âm cho thấy hai thận to, có nhiều nang kích cỡ khác nhau ở cả vùng vỏ và vùng tủy thận; có nang ở gan.

– Chụp cắt lớp thận CT scan.

– Kỹ thuật gen xác định bất thường  đầu xa nhánh ngắn của nhiễm sắc thể 16.

5. Biến chứng của bệnh thận đa nang và các biện pháp điều trị bệnh

Nguyên tắc chung là điều trị triệu chứng và biến chứng bao gồm:

– Nhiễm khuẩn thận điều trị bằng kháng sinh phù hợp.

– Tăng huyết áp điều trị bằng các nhóm thuốc hạ huyết áp.

– Cắt thận nếu nang thận quá to, biến chứng tiểu máu, nhiễm trùng tái phát.

– Suy thận: điều trị bảo tồn và thay thế khi suy thận giai đoạn cuối bằng lọc máu và ghép thận.

– Sỏi thận gây tình trạng nhiễm trùng, tắc nghẽn.

 6. Chăm sóc và theo dõi :

– Nếu mắc bệnh thận đa nang và đang cân nhắc có con, bạn nên tìm đến bác sĩ di truyền để được tư vấn và đánh giá nguy cơ truyền bệnh cho con cái.

– Không ít trường hợp mắc bệnh trong nhiều năm nhưng không biết. Vì thế, nếu nhận thấy sự phát triển của một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận đa nang, hãy đi khám. Nếu bạn có người thân như cha mẹ, anh chị em hoặc con cái mắc bệnh thận đa nang, hãy thực hiện việc tầm soát chứng rối loạn này.

– Giữ cho thận khỏe mạnh (tránh tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu tái diễn gây nhiễm trùng nang thận) có thể giúp ngăn ngừa một số biến chứng của bệnh này. Một trong những cách quan trọng nhất bạn có thể bảo vệ thận là giữ cho huyết áp ổn định (huyết áp bình thường dao động 100/60mmHg -130/80mmHg). 

7. Dự phòng và tái khám

– Theo dõi tái khám mỗi 6 tháng – 1 năm / lần.

– Khi có tình trạng suy thận tái khám 1-2 tháng/lần.

Mục đích nhằm theo dõi tình trạng tăng huyết áp, thiếu máu, nhiễm trùng và xuất huyết nang thận ,tình trạng suy thận có tăng cao không.

– Sử dụng thuốc điều trị huyết áp, điều trị thiếu máu, kháng sinh khi có tình trạng nhiễm trùng nang thận, bổ đạm thận theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa nội thận tiết niệu.

8. Một số dấu hiệu nên đi khám và nhập viện

– Nhập viện khi có biến chứng nhiễm trùng xuất huyết nang thận gồm các triệu chứng: sốt, đau hố thận hai bên, tiểu buốt, tiểu máu.

– Sỏi thận gây tắc nghẽn và nhiễm trùng: đau hố thận, tiểu buốt, tiểu máu, sốt, vô niệu( không có nước tiểu ).

– Suy thận tăng cao: creatinin tăng cao bất thường so với creatinin nền của bệnh nhân, Mức lọc cầu thận xu hướng giảm.

– Huyết áp khó kiểm soát dù đã dùng đủ liều thuốc uống tại nhà.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bệnh thận học Y Hà Nội
  2. Bệnh học nội khoa Y dược TP Hồ Chí Minh