Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Tiêm nong khớp vai dưới hướng dẫn siêu âm ứng dụng trong điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng

Tiêm nong khớp vai dưới hướng dẫn siêu âm ứng dụng trong điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng

 ThS.BSCKII. Thái Văn Chương

ThS.BS. Trịnh Văn Thân

Khoa Cơ xương khớp – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

 

1. Khái niệm về bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng

Viêm quanh khớp vai là tất cả các trường hợp đau và hạn chế vận động khớp vai do tổn thương phần mềm quanh khớp gồm gân, cơ, dây chằng, bao khớp, loại trừ tổn thương phần đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch, trong đó Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là thể phổ biến nhất.

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng (tên tiếng Anh Frozen Shoulder) là tình trạng đông cứng khớp vai xảy ra khi mô sẹo hình thành xung quanh khớp, dẫn đến bao khớp vai dày lên, cứng và căng hơn, khó cử động và đau.

Bất kỳ chấn thương nào ở vai cũng có thể dẫn đến hiện tượng vai đông cứng, viêm gân, viêm bao hoạt dịch hay chấn thương.

2. Dấu hiệu đông cứng khớp vai

Các triệu chứng chính của viêm quanh khớp vai thể đông cứng là đau và cứng khớp, khiến người bệnh khó hoặc không thể cử động vai.

Ngoài ra, người bệnh cảm thấy tê cứng, đau âm ỉ vùng vai và cánh tay. Triệu chứng này trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm, có thể gây khó ngủ.

Bệnh tiến triển theo 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn đóng băng:

– Tình trạng đau tăng dần theo thời gian, đau nhiều hơn vào ban đêm, có thể đau dữ dội ở vai khi nào cử động. Đồng thời, biên độ vận đông của khớp vai cũng bị giới hạn, làm giảm tính dẻo dai và linh hoạt.

– Giai đoạn này kéo dài từ 6 – 9 tháng.

  • Giai đoạn đông cứng:

–  Triệu chứng đau có thể thuyên giảm nhưng tình trạng cứng khớp trở nên nặng nề hơn. Các cơ vùng vai bị teo nhẹ do ít vận động. Vận động khớp vai khó khăn khiến người bệnh khó thực hiện các hoạt động hàng ngày.

– Giai đoạn đông cứng kéo dài từ 4 – 12 tháng.

  • Giai đoạn “tan băng”:

Biên độ vận động của vai sẽ cải thiện dần để trở lại trạng thái bình thường. Quá trình “tan băng” có thể mất từ ​​6 tháng đến 2 năm.

3. Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai thể đông cứng

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm quanh quanh khớp vai thể đông cứng:

– Tuổi và giới tính

Bệnh thường tìm đến những người ở độ tuổi 40 – 60.

Phụ nữ có nhiều khả năng bị bệnh hơn so với nam giới.

– Bất động hoặc giảm khả năng vận động

Những người bị bất động vai lâu ngày hoặc giảm khả năng vận động của vai có nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Nếu không cử động vùng vai một cách thường xuyên, các dây chằng và gân ở vùng vai sẽ không nhận được lượng máu cần thiết dẫn đến tình trạng đông cứng. 

Tình trạng bất động vai xảy ra do: Gãy tay, đột quỵ, phẫu thuật vùng vai…

– Mắc một số bệnh lý

Bệnh đái tháo đường: thống kê cho thấy khoảng 10 – 20% người bệnh đái tháo đường bị viêm khớp vai thể đông cứng.

Ngoài ra, một số bệnh lý khác như: tim mạch, tuyến giáp hoặc Parkinson…

4. Phương pháp chẩn đoán viêm quanh khớp vai thể đông cứng

  • Thăm khám lâm sàng: bác sĩ khám các động tác chủ động và thụ động khớp vai, để đánh giá mức độ hạn chế vận động khớp vai.
  • Chẩn đoán hình ảnh nhằm loại trừ các bệnh lý gây đau và cứng vai khác:

+ Chụp X-quang.

+ Siêu âm hoặc MRI: giúp xác định các tổn thương có thể gặp như: viêm khớp, rách gân cơ chóp xoay vai…

5. Phương pháp điều trị và phục hồi viêm bao khớp vai đông cứng

Tình trạng viêm quanh khớp vai thể đông cứng sẽ hồi phục hoàn toàn sau 3 – 4 năm. Trong thời gian này, có thể sử dụng các phương pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh. Mục tiêu là kiểm soát cơn đau, đồng thời cải thiện khả năng vận động của khớp vai, bao gồm:

  • Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) giúp giảm đau và viêm ở vai.
  • Tiêm corticosteroid vào khớp vai để giảm đau và mở rộng phạm vi chuyển động của vai. Tiêm nong khớp vai làm căng khớp, giúp người bệnh cử động vai dễ dàng hơn. 
  • Vật lý trị liệu: một số bài tập phục hồi chức năng nhằm kiểm soát cơn đau, đồng thời ngăn ngừa sự tiến triển của tình trạng vai đông cứng. Các bài tập này cần được thực hiện đều đặn cho đến khi bệnh hồi phục hoàn toàn.
  • Phẫu thuật: được chỉ định khi tất cả các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả. Bệnh nhân sẽ được xem xét để giải phóng mô sẹo bằng phẫu thuật nội soi khớp vai trả lại cho vai độ linh hoạt và phạm vi cử động như bình thường. Một lưu ý rất quan trọng đối với bệnh nhân sau phẫu thuật đông cứng khớp vai, đó là tuân thủ liệu trình phục hồi chức năng vai tích cực.
    6. Phương pháp tiêm nong khớp vai (tiêm phá đông) dưới hướng dẫn siêu âm:

Phương pháp tiêm phá đông khớp vai dưới hướng dẫn siêu âm:

– Phương pháp vô cảm: Gây tê tại chỗ.

– Kỹ thuật

+ Người bệnh nằm ngửa trên bàn hoặc giường tiêm, bàn tay ngửa;

+ Sát khuẩn vùng khớp vai;

+  Bác sĩ rửa tay, đi găng, trải khăn vô khuẩn có lỗ lên vị trí khớp vai cần điều trị;

+ Chọc kim vào ổ khớp;

+ Tiêm vào khớp vai hỗn dịch Lidocain 2% + Depo-Medrol 40mg/ml tỉ lệ 2/1 (thể tích tiêm có thể thay đổi tùy trường hợp cụ thể, thông thường khoảng 4-5ml);

+ Tiêm dung dịch nước muối sinh lí, bơm thể tích lớn nhất có thể vào trong ổ khớp đề nong ổ khớp, theo dõi trên siêu âm. Thể tích dung dịch bơm có thể tới 40ml. Nếu thấy dịch tràn vào túi cùng dưới cơ Delta hay bao hoạt dịch đầu dài gân cơ nhị đầu thì dừng lại;

+ Rút kim. Băng vị trí chọc;

+ Vận động thụ động và chủ động khớp vai.

–  Theo dõi biến chứng và chăm sóc sau mổ

+ Hướng dẫn người bệnh vận động thụ động khớp tiêm 3 lần.

+ Giữ khô vị trí tiêm trong 24 giờ.

+ Bỏ băng dính sau 24 giờ. Người bệnh có thể vệ sinh chỗ tiêm bằng nước sạch.

+ Theo dõi chỉ số mạch, huyết áp, tình trạng chảy máu tại chỗ, tình trạng viêm trong 24 giờ.

+ Theo dõi tai biến và tác dụng phụ có khả năng xảy ra sau 24 giờ.

+ Theo dõi hiệu quả điều trị.

7. Phòng ngừa thể đông cứng khớp vai

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh là do vai bị bất động. Do đó, nếu bạn gặp khó khăn khi cử động vai, hãy trao đổi với bác sĩ về các bài tập mà bạn có thể thực hiện để duy trì phạm vi chuyển động của khớp vai. Những bài vận động nhẹ nhàng, liên tục, kéo giãn vai sẽ giúp hạn chế tình trạng đông cứng vai.

Đối với những người mắc một số bệnh lý có nguy cơ dẫn tới khớp vai bị đông cứng như: đái tháo đường, tim mạch, tuyến giáp… cần thường xuyên vận động (tối thiểu 30 phút/ngày, 5 buổi/tuần), đặc biệt chú trọng vào bài tập cử động vai để khớp vai duy trì được độ dẻo dai và linh hoạt.

 Để đặt lịch khám và tìm hiều thông tin, xin vui lòng liên hệ

🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN

🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới

🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An

🌎Website: www.bvnghean.vn

🌍Facebook: /bvhndknghean

☎️ Số điện thoại khoa Cơ xương khớp: 0385.384.657.

☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222, Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6