Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > Tiêm vaccine có giúp bạn hoàn toàn miễn nhiễm trước Covid-19?

Tiêm vaccine có giúp bạn hoàn toàn miễn nhiễm trước Covid-19?

Dịch COVID-19 đang hoành hành khắp nơi trên Thế giới, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 200 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và gây ra cái chết cho hơn 4,5 triệu người [1]. Tại Việt Nam, trong đợt dịch thứ 4 cũng đã ghi nhận gần 500 nghìn người nhiễm, trong đó gần 12 nghìn ca tử vong [1], sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Mặc dù hầu hết những người mắc COVID-19 trở nên khỏe hơn chỉ trong vòng vài tuần kể từ khi nhiễm bệnh, một vài người lại gặp phải các tình trạng hậu COVID-19 . Bệnh sau khi mắc COVID-19 là một loạt các vấn đề về sức khỏe mới, đang tái phát hoặc đang diễn ra mà mọi người có thể gặp phải trong khoảng bốn tuần trở lên sau lần đầu tiên bị lây nhiễm vi-rút gây ra COVID-19 . Thậm chí những người không có các triệu chứng COVID-19 trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị lây nhiễm có thể có các bệnh sau khi mắc COVID-19 . Các tình trạng này có thể có nhiều loại và mắc kết hợp nhiều bệnh trạng trong thời gian khác nhau [2].

Các bệnh sau khi mắc COVID-19 có thể được biết đến như di chứng COVID-19 , hội chứng COVID-19 kéo dài, COVID-19 hậu cấp tính, tác động lâu dài của COVID-19 hoặc COVID-19 mãn tính. CDC và các chuyên gia trên toàn thế giới đang nỗ lực tìm hiểu thêm về các ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn đối với sức khỏe liên quan đến COVID-19 , người nào bị mắc và tại sao [2].

Bởi vậy, nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch là cần thiết và cấp bách luôn được Việt Nam ưu tiên thực hiện. Khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng, khẩu trang, sát khuẩn và giãn cách xã hội là những biện pháp rất hữu hiệu trong phòng chống dịch. Điều đó thể hiện qua sự thành công của 3 đợt dịch đầu.

Tuy nhiên, những biện pháp trên chỉ là những biện pháp ngắn hạn, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế cũng như sinh hoạt đời thường của người dân. VACCINE là giải pháp tốt nhất để chúng ta an toàn hơn và sống chung với virus.

 

VACCINE LÀ GÌ?

Vaccine (hay còn gọi là vắc-xin) là chế phẩm có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.

Vacxin chứa các phiên bản suy yếu của virus hay phiên bản gần giống như virus (được gọi là kháng nguyên). Điều này chứng tỏ các kháng nguyên không thể tạo ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh, nhưng chúng kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể. Những kháng thể này sẽ bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với các virus trong tương lai.

VACCINE COVID-19 TẠI VIỆT NAM LƯU HÀNH NHỮNG LOẠI NÀO ?

Tại Việt Nam đang sử dụng nhiều vaccine khác nhau để tiêm cho người dân, gồm AstraZeneca (Anh-Thủy Điển), SPUTNIK V (Nga), Vero Cell (Trung Quốc), Pfizer (Mỹ-Đức), Moderna (Mỹ). Đây là những vaccine sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Nhà nước đã rất nổ lực trong chiến dịch tìm các nguồn vaccine tiêm cho người dân. Đã có hàng chục triệu liều vaccine đã sử dụng trên phạm vi cả nước.

Tại Việt Nam, có 2 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng là Nanocovax và COVIVAC đang được thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, Nanocovax đang thử nghiệm giai đoạn 3, có thể sẽ được cấp phép trong thời gian tới. Chúng ta đều rất kỳ vọng vào sự thành công của các vaccine này, giúp chúng ta chủ động được nguồn vaccine và sớm đạt miễn dịch cộng đồng trong phạm vi cả nước.

Mỗi loại Vaccine có công nghệ sản xuất có thể khác nhau, song đều có mục đích giúp con người sinh miễn dịch chống lại virus Sar-Cov-2.

 

TIÊM VACCINE CÓ GIÚP BẠN MIỄN NHIỄM VỚI SAR-COV-2 ?

HOÀN TOÀN KHÔNG! Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng kể cả khi bạn đã được tiêm đầy đủ số liều vaccine (thường 2 mũi) vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 . Theo báo chí ghi nhận, tại Việt Nam đã có 2300 nhân viên y tế nhiễm virus này trong quá trình công tác, trong đó có 3 trường hợp tử vong [3] , điều có thể khẳng định là hầu hết những nhân viên bị nhiễm đã được tiêm vaccine COVID-19. Một báo cáo tại Bệnh viện Quân y 175 cho thấy, trong hơn 500 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại đây, có khoảng 20,5% đã tiêm 1 mũi vaccine cách thời điểm phát hiện bệnh dưới 4 tuần; 3,8% tiêm đủ hai mũi [4].

Một nghiên cứu tại Mỹ từ 01/5/2021 đến 25/7/2021 cho thấy trong số 43.127 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại Los Angeles, California (trên 16 tuổi), có 10.895 (25,3%) người được tiêm chủng đầy đủ 2, 1.431 (3,3%) ở những người được tiêm chủng một mũi và 30.801 (71,4%) ở người chưa được tiêm chủng [5].

Các kể quả cho thấy vaccine có khả năng bảo vệ cơ thể, giảm tỷ lệ nhiễm COVID-19 .

VACCINE CÓ GIÚP BẠN AN TOÀN HƠN KHI NHIỄM COVID-19

CÓ. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy các triệu chứng, mức độ nặng của bệnh ở người tiêm vaccine thấp hơn đáng kể so với người chưa tiêm vaccine.

Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) về hiệu lực bảo vệ của các vaccine phòng COVID-19: Hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 có triệu chứng sau một liều tiêm của vaccine AstraZeneca là 73%, Moderna là 85%, Pfizer là 82%. Hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 nặng hoặc nhập viện từ 21 ngày sau liều đầu tiên của vaccine AstraZeneca là 100%, Moderna là 100%, Pfizer là 83%, Sinopharm là 79%. Hiệu lực bảo vệ chống lại COVID-19 có triệu chứng sau hai liều tiêm của vaccine AstraZeneca là 67%, của Moderna là 95%, Pfizer là 94%, Sinopharm là 78% [6].

Nghiên cứu tại Mỹ cũng chỉ ra rằng, người được chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm COVID-19 và nhập viện cao hơn người được tiêm vaccine đầy đủ lần lượt 4,9 và 29,2 lần [5].

Mặc dù vaccine không giúp chúng ta miễn nhiễm hoàn toàn nhưng nó giảm đáng kể nguy cơ bị nhiễm cũng như các triệu chứng của bệnh khi bị nhiễm COVID-19 .

NHIỄM COVID-19 SAU KHI TIÊM VACCINE THÌ CÓ THỂ LÂY NHIỄM CÓ NGƯỜI KHÁC KHÔNG?

CÓ THỂ! Vaccine không hoàn toàn giúp chúng ta miễn nhiễm với virus nhưng nó có thể giúp chúng ta an toàn hơn khi bị nhiễm virus. Giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, giảm số ca nhập viện.

 

ĐIỀU CHÚNG TA QUAN TÂM LÀ LIỆU KHI CHÚNG TA ĐÃ TIÊM VACCINE VÀ BỊ NHIỄM VIRUS THÌ CÓ THỂ LÂY NHIỄM CÓ NGƯỜI KHÁC KHÔNG?

Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature, các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu giá trị Ct của 719 người nhiễm COVID-19 . Trong 122 mẫu giải trình tự gen thì có đến 90% chủng là biến chủng Delta. Có 311 người được tiêm chủng có kết quả xét nghiệm dương tính với SAR-CoV-2 trong nhóm đó, hầu hết có giá trị Ct dưới 25, mức nồng độ virus cao, có khả năng lây nhiễm. Để xác nhận điều này, nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy 55 mẫu có giá trị Ct dưới 25, từ những người đã được tiêm vaccine và chưa được tiêm vaccine, và phát hiện vi rút phát triển ở các mẫu. Hầu hết những người chưa được tiêm chủng cũng có giá trị Ct dưới mức này [7].

Một nghiên cứu khác tại Mỹ cũng cho kết quả tương tự. Nghiên cứu này thực hiện trên 133 bệnh nhân nhiễm COVID-19, 89% trong số đó được xác định là nhiễm chủng Delta. Người ta tiến hành so sánh kết quả giá trị Ct của các bệnh nhân thì thấy rằng ở 127 bệnh nhân đã được tiêm vaccine đầy đủ và 84 người chưa được tiêm thì Ct lần lượt là 22,77 và 21,54. Các giá trí Ct trên đều thấp, nghĩa là tải lượng virus ở cả người đã tiêm và chưa tiêm đều ở mức cao [8].

Nhiều nghiên cứu khác tại Châu Âu cũng cho kết quả tương tự, nồng độ virus của người đã tiêm vaccine và không tiêm vaccine không có sự khác biệt đáng kể.

Điều đó chứng tỏ mặc dù được tiêm vaccine nhưng khi bị nhiễm COVID-19 thì vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho người khác.

Tóm lại, vaccine là giải pháp hiệu quả nhất trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19 hiện nay và tương lai. Tuy nhiên, nó không giúp chúng ta hoàn toàn miễn nhiễm trước COVID-19.Để thực hiện tốt mục tiêu phòng chống COVID-19 này thì 5K là giải pháp kết hợp hoàn hảo cùng với vaccine.

Ths. Trần Anh Đào – Trung tâm Xét nghiệm

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://ncov.moh.gov.vn/ (Truy cập ngày 01/9/2021)
  2. https://vietnamese.cdc.gov/…/201…/long-term-effects.html
  3. https://antoanyte.vn/387-dich-COVID-19-bung-phat-2300-nhan-vien-y-te-bi-lay-nhiem-3-nguoi-tu-vong-d3815.html (Truy cập ngày 01/9/2021).
  4. https://vnexpress.net/nhieu-nguoi-mac-COVID-19-khi-chua-du-thoi-gian-tao-khang-the-sau-tiem-4345786.html (Truy cập ngày 01/9/2021)
  5. https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/70/wr/mm7034e5.htm (Truy cập ngày 01/9/2021)
  6. https://www.gavi.org/vaccineswork/how-effective-are-COVID-19-vaccines-real-world (Truy cập 01/9/2021)
  7. https://www.nature.com/articles/d41586-021-02187-1
  8. https://hospitalhealthcare.com/…/covid-delta-variant…/