Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Tiếp cận đau ở bệnh nhân ung thư

Tiếp cận đau ở bệnh nhân ung thư

Khoa Ngoại tổng hợp 1 – BV HNĐK Nghệ An 

 

I. Đôi nét về dịch tễ

 

  •  Đau là triệu chứng thường gặp nhất ở bênh nhân ung thư nói chung và ung thư giai đoạn muộn nói riêng.
  • Đau hiện diện ở mọi đối tượng kể cả đã điều trị khỏi ung thư.
  • Ước tính đau xuất hiện ở 33% bệnh nhân điều trị khỏi, ~55% bệnh nhân đang điều trị ung thư và 66% bệnh nhân ung thư tiến triển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh

II. Nguyên nhân và mức độ

2.1. Nguyên nhân

Đau trong ung thư có cơ chế rất phức tạp và thường bởi nhiều nguyên nhân gây nên, tuy vậy thường tựu chung thành 3 nhóm nguyên nhân chính:

  • Cơn đau do ảnh hưởng của khối u
  • Đau do tác dụng không mong muốn (TDKMM) sau điều trị.
  • Cơn đau sau phẫu thuật: cơn đau ma (phantom pain), đau mạn tính do sẹo, tổn thương thần kinh…

2.2. Mức độ

Có nhiều phân loại đánh giá đau nói chung và đau do ung thư nói riêng, nhưng được sử dụng phổ biến nhất là thang điểm VAS (đánh giá qua nhãn quan nhà lâm sàng), thang điểm đau NRS (cảm nhận của bệnh nhân tính theo thang điểm 0-10) và thang điểm Wong-baker (theo vẻ mặt)

III .ĐIều trị

3.1. Phẫu thuật

 Phẫu thuật có vai trò quan trọng trong điều trị khỏi ở giai đoạn sớm, tuy vậy trong giai đoạn muộn hoặc một số di chứng sau điều trị có thể gây đau (sẹo xơ sau xạ, phẫu thuật..), thì phẫu thuật còn nhằm mục đích giảm đau và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Một số phẫu thuật thường được sử dụng:

– Phẫu thuật cắt bỏ tối đa khối u chèn ép (u đường tiêu hóa, u buồng trứng lớn…).

– Phẫu thuật giảm áp trong chèn ép tủy: cố định xương cột sống bằng vít bắc cầu, bơm xi măng vào cột sống bị xẹp do di căn…

– Phẫu thuật giảm áp đường tiêu hóa: mở hậu môn nhân tạo trong tắc ruột, nối vị tràng trong hẹp môn vị…

– Một số phẫu thuật nhằm phong bế thần kinh: triệt đám rối tạng giảm đau trong ung thư tụy giai đoạn muộn

3.2. Xạ giảm nhẹ.

Xạ trị đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị chăm sóc giảm nhẹ nói chung và giảm đau nói riêng. Các chỉ định xạ trị trong ung thư giai đoạn muộn tương đối rộng rãi, và nâng cao chất lượng sống rõ rệt. Ngoài các tác dụng giảm nhẹ kinh điển như cầm máu, giảm chèn ép (hội chứng phù áo khoác, hạch cổ kích thước lớn…)..xạ trị giảm đau được áp dụng trong rất nhiều trường hợp, với ưu điểm không xâm lấn do đó có thể áp dụng đối với các trường hợp chống chỉ định phẫu thuât.

 Một số chỉ định xạ giảm đau thường sử dụng:

  • Giảm đau do di căn xương vùng cột sống
  • Khối hạch vùng cổ chèn ép không thể phẫu thuật.
  • U não lớn chèn ép

3.3. Nội khoa

– Thuốc giảm đau.

Sử dụng theo bậc tăng dần dựa trên khuyến cáo của WHO và phác đồ chăm sóc giảm nhẹ của Bộ Y tế.

*Các loại thuốc giảm đau chính thường sử dụng:

Paracetamol: là loại thuốc phổ biến và đầu tay trong kiểm soát đau do ung thư. Liều sử dụng là 650mg mỗi 4h hoặc 1g mỗi 6h, không quá 4g/ngày với trường hợp chức năng gan ổn định.

NSAID: các thuốc giảm viêm không steroid là sự lựa chọn tiếp theo, tuy vậy do tác dụng phụ nhiều nên có sự giới hạn liều/ngày và không thể sử dụng dài ngày. Thuốc nên được cân nhắc khi sử dụng ở bệnh nhân suy thận, suy gan nặng và có tiền sử viêm loét dạ dày.Các dạng thường gặp bao gồm:

+ Ibuprofen: liều từ 400mg-800mg mỗi 6-8h/lần

+ Diclofenac: 25-75mg/ mỗi 12h/lần

+ ketorolac : khởi đầu 30-60mg, sau đó duy trì 15-30mg, mỗi 6h/lân

Opioid: là 1 loại thuốc chủ lực trong điều trị đau của ung thư giai đoạn muộn.

Các thuốc thường sử dụng:

+ tramadol: là 1 opioid yếu, thường được sản xuất ở dạng kết hợp với paracetamol dưới tên thương mại là Ultracet. Là thuốc đầu tay với cơn đau mức độ trung bình-nặng, nằm ở bậc giảm đau thứ 2 trong chiến lược giảm đau của WHO.Liều trung bình là 50mg mỗi 4-6 giờ, tối đa 400mg/ngày.

+Morphin: là 1 opioid mạnh thường được sử dụng nhất. Có 2 dạng thường gặp là đường uống (morphin sulphat 30mg) và đường tiêm (morphin chlorid 10mg). Theo dạng phóng thích có 2 dạng là phóng thích nhanh và chậm. Thuốc nằm trong bậc giảm đau thứ 3 (bậc cao nhất) trong chiến lược giảm đau của WHO. Liều khới đầu là 2-5mg/TDD (hoặc 10mg đường uống) cách nhau mỗi 4 giờ. Liều cứu hộ được áp dụng bằng 10% tổng liều cả ngày.

+ Các opioid mạnh khác bao gồm: Fentanyl, oxycodol…Các thuốc này thường ít được sử dụng thường xuyên trong lâm sàng.

*Lưu ý: Một số tác dụng phụ thường gặp của opioid

Một số thuốc có thể giảm nhẹ cơn đau hiệu quả trong 1 số trường hợp cụ thể

  • Chống hủy xương: loại thuốc thường sử dụng là zoledronic 4mg/5ml (biệt dược Zoladex). Nhóm thuốc này đặc biệt hiệu quả trong các cơn đau do di căn xương, đặc biệt là di căn xương tiêu xương. Điều trị dự phòng thường xuyên còn giúp giảm biến chứng gãy xương thứ phát trên nhóm bệnh nhân.
  • Giảm co thắt: các thuốc giảm nhu động trong một số trường hợp tắc nghẽn ở các ống tự nhiên trong cơ thể như:đường tiêu hóa, niệu quản, đường mật…các thuốc nhóm này thường dùng có thể kể đến như:buscopan,…
  • Giảm đau thần kinh: Cơ chế ngăn chặn các luồng tín hiệu từ các đầu mút thần kinh bị kích thích do u chèn ép. Các thuốc thường sử dụng bao gồm: gabapentin, Pregabalin, các thuốc thuộc nhóm chống trầm cảm…
  • Corticoid: là liệu pháp thường xuyên được sử dụng trong chăm sóc giảm nhẹ do tính đa dụng và hiệu quả. Đối với các trường hợp viêm nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn (viêm phổi kèm u phổi lớn chèn ép, viêm tổ chức sau xạ…), corticoid đem lại cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân. Liều thường sử dụng là 40-125 mg/ngày tiêm tĩnh mạch 1-2 lần đối với methylprednisolon hoặc 2-8mg/ngày tiêm tĩnh mạch 1-2 lần đối với dexamethason.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ y tế (2022). Hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ,183/QĐ-BYT.
  2. National Comprehensive Cancer Network (2024), Adult Cancer Pain, NCCN Clinical Practice Guidelines in Oncology (NCCN Guidelines®), Version 1.2024 — February 23, 2024
  3. Mercadante, “An overview of the current drug treatment strategies for moderate to severe, chronic malignant tumor-related pain,” Expert Opin. Pharmacother., vol. 25, no. 2, pp. 171–179, Jan. 2024, doi: 10.1080/14656566.2023.2200137.

    👉👉👉Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ
    🏥 Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
    🛤Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.
    ☎️Số điện thoại đặt lịch khám: 1900.8082 hoặc 0886.234.222
    ⌚️Thời gian đặt hẹn: 7h – 16h thứ 2 đến thứ 6