Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > Tìm hiểu về tác dụng của gừng

Tìm hiểu về tác dụng của gừng

Gừng là một loài cây thân thảo, sống lâu năm, cao 0,6 – 1m. Lá mọc so le không cuống, hình mác dài, có mùi thơm. Trục hoa xuất phát từ gốc, dài khoảng 20 cm. Hoa màu vàng. Thân rễ mập, phồng lên thành củ. Gừng là loài cây quen thuộc ở Việt Nam cũng như nhiều các quốc gia khác nhau trên thế giới như Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc…

Gừng là một loại gia vị quen thuộc trong mỗi gia đình. Cả củ và lá của gừng đều được sử dụng trong nấu ăn. Không chỉ vậy, từ xa xưa, con người đã khám phá ra tác dụng dược lý của gừng và sử dụng gừng để làm thuốc chữa bệnh. Trong Đông y, gừng là một dược liệu quen thuộc. Tùy vào cách bào chế mà gừng trở thành nhiều vị thuốc khác nhau:

  • Sinh khương: củ gừng tươi, có vị cay, tính ấm, có tác dụng chữa cảm lạnh, buồn nôn, ho do lạnh.
  • Can khương: gừng phơi khô, có vị cay tính ấm, tác dụng ôn trung tán hàn, chữa tỳ vị hư hàn, đau bụng ỉa chảy do lạnh.
  • Thán khương: gừng khô thái lát dày, sao cháy đen tồn tính (bên ngoài cháy đen nhưng bên trong còn màu nâu vàng và mùi gừng) , tính đắng ấm có tác dụng chỉ huyết (cầm máu) đường ruột.
  • Khương bì: vỏ gừng, có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù thũng.

Tùy vào từng tình trạng bệnh khác nhau của người bệnh, sau khi thăm khám, các bác sĩ sẽ dùng dạng bào chế phù hợp của gừng, kết hợp với các vị thuốc khác để thành bài thuốc sử dụng cho người bệnh.

Trong đời sống hàng ngày, ngoài làm gia vị, gừng tươi thường được sử dụng để chữa hay làm giảm bớt cảm giác khó chịu khi bị các chứng bệnh quen thuộc:

  • Đối với các vấn đề về đường tiêu hóa, dạ dày: gừng thường được sử dụng để làm giảm bớt cảm giác khó chịu khi bị buồn nôn, giảm nôn mửa ở những người mang thai hay sau khi phẫu thuật, hóa trị. Ngoài ra, nó còn được sử dụng để chống nôn khi say tàu xe, làm dịu dạ dày, hỗ trợ điều trị đau dạ dày. Không chỉ vậy, gừng còn kích thích tiêu hóa, thúc đẩy quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng, kích thích sự thèm ăn…
  • Cảm lạnh: gừng có tác dụng làm giảm ho, giảm cảm giác mệt mỏi khó chịu khi bị cảm. Gừng giúp tăng cường hệ thống hô hấp và bảo vệ đường hô hấp khỏi virus như cảm lạnh thông thường.
  • Đối với sức khỏe răng miệng: Gừng chứa Gingerol, một chất có tác dụng bảo vệ miệng và ngăn chặn sự phát triển cảu các vi khuẩn xấu trong miệng. Sự phát triển của những vi khuẩn xấu này có thể gây nên bệnh viêm nha chu, một bệnh nhiễm trung nướu nghiêm trọng.

Gừng có thể được sử dụng dưới dạng cắt lát từ củ gừng tươi, giã nhỏ đun với nước, trà gừng, kẹo gừng hay sử dụng với đường, mật ong… Gừng còn thể được sử dụng để nấu nước xông hơi, ngâm chân…

Gừng tuy an toàn, quen thuộc và đã được sử dụng từ lâu. Nhưng nếu không được dùng đúng cách, gừng có thể gây ra tác dụng xấu đối với sức khỏe. Không nên lạm dụng gừng quá mức. Theo FDA, dùng tới 4 gram gừng mỗi ngày được cho là an toàn. Trong quá trình sử dụng tại nhà, nếu thấy có dấu hiệu bất thường cần dừng lại ngay. Dùng quá nhiều gừng có thể gây đau bụng, ợ chua, tiêu chảy, đầy hơi.