Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Toan Ceton do đái tháo đường

Toan Ceton do đái tháo đường

Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An 

       1. Toan ceton là gì?

Nhiễm toan ceton là sự tích tụ axit trong máu của người bệnh. Xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao và diễn ra trong thời gian quá dài.

Bệnh phổ biến ở người bệnh đái tháo đường tuýp 1 và ít phổ biến hơn ở những người bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Vì sao nhiễm toan ceton lại nguy hiểm? Nhiễm toan ceton là biến chứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lí kịp thời. Người bệnh có thể điều trị và ngăn chặn nhiễm toan ceton nếu kiểm soát tốt đường huyết.

       2. Cơ chế nhiễm toan ceton

Một người bị tiểu đường khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Insulin do tuyến tụy sản sinh, đóng vai trò quan trọng nhờ “kết nối” đường trong máu đến các tế bào để đi nuôi cơ thể.

Không có đủ insulin, cơ thể bắt đầu phân hủy chất béo làm nhiên liệu, gây ra sự tích tụ axit trong máu gọi là ceton. Nếu tình trạng này không được điều trị, sự tích tụ dẫn đến nhiễm toan ceton do tiểu đường. Nếu người bệnh bị tiểu đường đừng chủ quan với các dấu hiệu cảnh báo nhiễm toan ceton. Khi người bệnh bị nhiễm toan ceton thì cần đi cấp cứu.

       3. Yếu tố thúc đẩy, nguyên nhân toan ceton

      3.1. Các yếu tố thúc đẩy nhiễm toan ceton

Có 2 yếu tố thúc đẩy phổ biến nhất là:

  • Bị bệnh khác: khi bị bệnh, người bệnh không ăn uống nhiều như bình thường, làm lượng đường trong máu khó kiểm soát. Chưa kể, nếu người bệnh rơi vào tình trạng nhiễm trùng hay bệnh trở nặng thì một số hormone như adrenaline hoặc cortisol được sản sinh ra nhiều hơn. Những hormone này hoạt động chống lại tác dụng của insulin, gây nhiễm toan ceton dễ hơn. Viêm phổi và nhiễm trùng đường tiết niệu là những bệnh phổ biến dẫn đến nhiễm toan ceton.
  • Liệu pháp insulin: nếu người bệnh tiểu đường được chỉ định tiêm insulin nhưng vì một lý do nào đó mà quên tiêm hoặc tiêm không đủ liều hoặc dùng sai liều insulin đều có thể dẫn đến nhiễm toan ceton.
    3.2. Nguyên nhân khác gây nhiễm toan ceton
  • Đau tim hoặc đột quỵ.
  • Chấn thương thể chất như tai nạn xe hoặc tinh thần.
  • Lạm dụng rượu hoặc ma túy, đặc biệt cocaine.
  • Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu (thuốc nước) và corticosteroid (điều trị chứng viêm trong cơ thể).
  • Viêm tụy.
  • Thai kỳ.
    4. Triệu chứng nhiễm toan ceton

      – Các triệu chứng ban đầu gồm:

  • Khát nước.
  • Đi tiểu thường xuyên.

    – Nếu không được điều trị, các triệu chứng nhiễm toan ceton do tiểu đường thường xuất hiện nhanh chóng, có khi trong vòng 24 giờ bao gồm:

  • Thở nhanh và sâu.
  • Da và miệng khô.
  • Mặt đỏ bừng.
  • Hơi thở có mùi trái cây.
  • Đau đầu.
  • Cứng cơ hoặc đau nhức.
  • Mệt mỏi.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Đau bụng.

    – Đôi khi nhiễm toan ceton là dấu hiệu của bệnh tiểu đường ở những người chưa được chẩn đoán. Ngoài ra, các dấu hiệu chắc chắn hơn về nhiễm toan ceton là lượng đường trong máu cao.

    – Nguy cơ nhiễm toan ceton rất cao nếu người bệnh:

  • Bị tiểu đường tuýp 1.
  • Thường bỏ lỡ liều insulin.

    – Đôi khi, nhiễm toan ceton xảy ra với người bệnh tiểu đường tuýp 2. Trong một số trường hợp, nhiễm toan ceton là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.

  1. Chẩn đoán nhiễm toan ceton

Kiểm tra ceton khi lượng đường trong máu của người bệnh trên 250mg/dL hoặc người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên về lượng đường trong máu cao như khô miệng, cảm thấy khát nước và đi tiểu nhiều. 

    5.1. Xét nghiệm máu

Các xét nghiệm máu được dùng trong chẩn đoán nhiễm toan ceton:

  • Tăng đường huyết.
  • Tăng ceton
  • Axit máu
    5.2. Các cách kiểm tra khác

Tùy vào tình trạng sức khỏe người bệnh lúc nhập viện, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác để giúp tìm ra các vấn đề sức khỏe, hạn chế biến chứng gồm:

  • Xét nghiệm điện giải máu.
  • X-quang ngực.
  • Điện tâm đồ.
  • Khí huyết động mạch.
  • Huyết áp.
  • Xét nghiệm dấu hiệu nhiễm trùng.
  1. Điều trị nhiễm toan ceton

Người bệnh nhiễm toan ceton sẽ được điều trị tại phòng cấp cứu hoặc nhập viện. Các biện pháp điều trị nhiễm toan ceton gồm:

  • Bù dịch: Bù lượng dịch đã mất do đi tiểu thường xuyên và làm loãng lượng đường dư thừa trong máu. Dịch có thể được cung cấp thông qua miệng hoặc tĩnh mạch.
  • Thay thế chất điện giải: Chất điện giải là các khoáng chất trong máu như natri, kali, clorua, mang điện tích. Quá ít insulin sẽ làm giảm mức điện giải trong máu.
  • Truyền Insulin: Insulin đảo ngược các điều kiện gây ra nhiễm toan ceton. Ngoài dịch và chất điện giải, insulin được cung cấp thông qua tĩnh mạch. Có thể trở lại điều trị insulin thông thường khi lượng đường trong máu giảm xuống khoảng 200mg/dL (11,1 mmol/L) và máu không còn tính axit.
  • Dùng thuốc cho bất kỳ căn bệnh tiềm ẩn nào gây ra nhiễm toan ceton như thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.

Người bệnh được theo dõi chặt chẽ để phát hiện mọi vấn đề đe dọa tính mạng có thể xảy ra như các vấn đề về não, thận hoặc phổi. Người bệnh có thể xuất viện khi đủ khỏe, ăn uống được và các xét nghiệm cho thấy mức ceton trong cơ thể ở mức an toàn. Trước khi xuất viện, cần hiểu được nguyên nhân mình bị nhiễm toan ceton và cách phòng ngừa.

  1. Cách phòng tránh nhiễm toan ceton
  • Quản lý bệnh tiểu đường: duy trì ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất đều đặn hàng ngày. Dùng thuốc tiểu đường hoặc insulin theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Theo dõi lượng đường trong máu: người bệnh cần kiểm tra và ghi lại lượng đường trong máu ít nhất 3 – 4 lần/ngày và thường xuyên hơn nếu đang bệnh hoặc căng thẳng. Theo dõi cẩn thận và đảm bảo lượng đường trong máu nằm trong phạm vi mục tiêu của bản thân.
  • Điều chỉnh liều lượng insulin khi cần thiết: cần trao đổi với bác sĩ nếu bạn có ý định muốn điều chỉnh liều lượng insulin phù hợp với bản thân. Xem xét các yếu tố như lượng đường trong máu, những món ăn và mức độ hoạt động của bản thân có gây ảnh hưởng đến bệnh không. Nếu lượng đường trong máu bắt đầu tăng lên, hãy làm theo kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường để đưa lượng đường trong máu trở lại phạm vi mục tiêu bản thân.
  • Chuẩn bị để hành động nhanh chóng: Nếu nghĩ bản thân bị nhiễm toan ceton do tiểu đường vì lượng đường trong máu cao cần gặp bác sĩ thăm khám ngay.

Đối với các trường hợp nhiễm toan ceton tiếp nhận tại bệnh viện tại khoa cấp cứu thì luôn được ưu tiên xử lý sớm và nhanh nhất có thể. Đội ngũ bác sỹ tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành nội tiết và hồi sức tích cực có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm để xử lý bệnh lý.

🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN

🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới

🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An

🌎Website: www.bvnghean.vn

🌍Facebook: bvhndknghean

☎️☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222, Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6