Polyp túi mật là một bệnh lý tình cờ phát hiện trên siêu âm, hay khi người bệnh đi khám vì lý do đầy bụng, khó tiêu. Chẩn đoán này đối với đa số mọi người đều lạ lẫm, khiến chúng ta lo lắng, không biết lành tính hay ác tính, điều trị ra sao?
1. Polyp túi mật là gì?
Polyp túi mật còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến túi mật, là một dạng tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Polyp túi mật xuất hiện ở mọi lứa tuổi và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc theo giới tính, chủng tộc. Đặc biệt, các hình ảnh này nhìn thấy thường qua sàng lọc khám sức khỏe định kỳ hàng năm, có tầm soát siêu âm bụng tổng quát.
Các hình thái tổ chức u nhú có bản chất khác nhau nên có thể là lành tính hoặc không lành tính (ung thư). 92% các trường hợp polyp đều lành tính, gồm có hai loại: u tuyến như adenoma, leiomyoma (u cơ), lipome (u mỡ)… hay u giả như cholesterol polyp (u cholesterol), adenomyomatosis (u cơ tuyến), viêm giả u… Phần còn lại 8% là polyp túi mật ác tính, gồm có adenocarcinoma (ung thư tuyến), mealanoma (u sắc tố), di căn ung thư…
Polyp túi mật
Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng khá phong phú nhưng đa số là có một polyp trong túi mật với kích thước nhỏ hơn 10 mm. Một số trường hợp cùng lúc có nhiều polyp trong túi mật hoặc kích thước có thể lên đến 20 – 40 mm.
2. Triệu chứng và cách chẩn đoán Polyp túi mật
Phần lớn các trường hợp polyp túi mật không có biểu hiện triệu chứng gì và được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hay đi khám vì các lý do khác. Chỉ có khoảng 6 – 7% bệnh nhân polyp túi mật có biểu hiện triệu chứng, thường gặp nhất là đau tức dưới sườn phải hay đau vùng trên rốn, một số ít có biểu hiện buồn nôn, nôn ói, ăn chậm tiêu và co cứng nhẹ vùng dưới sườn phải, nhất là khi ăn thức ăn chiên xào, nhiều chất béo.
Chính vì vậy, việc phát hiện polyp túi mật chủ yếu là nhờ vào các phương tiện hình ảnh học như siêu âm, siêu âm nội soi, chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ hạt nhân.
3. Khi nào polyp túi mật cần điều trị?
92% polyp túi mật có bản chất lành tính, hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với polyp túi mật nên phần lớn người bệnh không cần đến can thiệp gì. Mặt khác, túi mật là một cấu trúc của hệ thống đường dẫn mật, có vai trò tham gia điều hòa bài tiết mật và tiêu hóa thức ăn, do đó, hoàn toàn không thể tùy ý thực hiện cắt bỏ khi chưa có chỉ định đúng đắn.
Ngoài ra, đa số kích thước polyp được mô tả là dưới 10 mm và theo các báo cáo, nếu polyp túi mật có kích thước nhỏ hơn kích thước này trên siêu âm thì hầu hết đều lành tính. Tuy nhiên, ở các bệnh nhân có từ 2-3 polyp trở lên, kích thước polyp lớn hơn 10 mm hoặc các polyp lớn nhanh hay tăng số lượng trong các lần siêu âm kiểm tra sau 3 -6 tháng thì nên được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật nội soi, vì theo nhiều nghiên cứu các bệnh nhân này có nguy cơ cao ung thư túi mật– một bệnh lý có tiên lượng rất xấu.
Trong trường hợp polyp túi mật lớn dần lên trên 10mm, có các biểu hiện như đau bụng, nôn ói, nóng sốt tái phát hoặc có những hình ảnh gợi ý tính chất ác như khi thấy polyp có chân lan rộng, hình không đều đặn hay gián tiếp thông qua xét nghiệm máu thì nên sắp xếp phẫu thuật sớm trước khi phát triển thành ung thư thực sự, đặc biệt ở những người trên 50 tuổi.
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy tại Bệnh Viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An phẫu thuật thành công cấy điện cực ốc tai cho hai bệnh nhân nhi
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN