Ngày 4/6/2020 vừa qua Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ là cụ H. 90 tuổi ở Thanh Mai, Thanh Chương bị nhồi máu não cấp do tắc động mạch thân nền. Theo lời người nhà, khoảng 17 giờ ngày 04/06/2020, bệnh nhân xuất hiện chóng mặt, buồn nôn, đi lại không vững nên vào bệnh viện huyện, tới khoảng 21 giờ ngày 4/6/2020 bệnh nhân xuất hiện hôn mê, giảm vận động tứ chi, sau đó các bác sĩ ở bệnh viện huyện đã nhanh chóng chuyển cụ H. tới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An với chẩn đoán đột quỵ não cấp tính. Khi tiếp nhận cụ H. lúc 23 giờ cùng ngày, khám và đánh giá sơ bộ tình trạng bệnh, các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu nghĩ tới bệnh lý đột quỵ não cấp có khả năng được chỉ định các liệu pháp tái tưới máu cấp cứu nên đã cho chụp cắt lớp vi tính sọ não (CLVT) cấp cứu và liên lạc ngay với bác sĩ trực của Trung tâm Đột quỵ theo đường dây liên lạc khẩn cấp, kích hoạt giao thức cấp cứu xử lý đột quỵ sớm của bệnh viện.
Khi bác sĩ của Trung tâm Đột quỵ khám bệnh nhân tại khoa cấp cứu thì cụ H. ở trong tình trạng rất nặng: hôn mê, điểm Glasgow (GCS) là 8, liệt hoàn toàn tứ chi, không nói được, thang điểm đột quỵ của Hoa Kỳ (NIHSS) là 27 điểm (NIHSS ≥ 16 điểm là rất nặng), kết hợp với hình ảnh CLVT sọ não vừa chụp, bác sĩ của Trung tâm Đột quỵ đã nghĩ ngay tới bệnh lý nhồi máu não cấp tính do tắc động mạch thân nền (Hình 1) với thời điểm khởi phát có thể là lúc bệnh nhân bắt đầu chóng mặt (17 giờ), hội chẩn với bác sĩ khoa Cấp cứu để chụp CLVT mạch máu não 64 dãy để đánh giá chính xác vị trí mạch tắc. Kết quả CLVT mạch máu não 64 dãy đã khẳng định chẩn đoán của bác sĩ (Hình 1), cụ H. bị nhồi máu não cấp tính do tắc động mạch thân nền, đây là một thể đột quỵ chỉ gặp ở 1% trong tất cả các thể đột quỵ, tuy nhiên tỉ lệ tử vong là rất cao – nếu không điều trị thì > 85% bệnh nhân sẽ tử vong do động mạch thân nền cấp máu cho vùng thân não, là vùng não điều khiển hệ thống hô hấp và tuần hoàn, nếu không được tái thông thì vùng não này sẽ bị tổn thương dẫn tới suy hô hấp, suy tuần hoàn và dẫn tới tử vong (Hình 2).
Các phương pháp điều trị đặc hiệu và tiên tiến nhất hiện nay trong giai đoạn cấp của nhồi máu não là tiêu sợi huyết tĩnh mạch và can thiệp nội mạch lấy huyết khối cơ học. Do tình trạng nhồi máu não của cụ H. đã bước sang giờ thứ 7 kể từ khi khởi phát, không có chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch (chỉ có thể dùng được khi < 4,5 tiếng) cho nên chỉ có một lựa chọn duy nhất để điều trị là lấy huyết khối cơ học. Bác sĩ của Trung tâm Đột quỵ đánh giá cụ H. có chỉ định lấy huyết khối cơ học cho dù cơ hội thành công không cao và nguy cơ tử vong vẫn rất cao do tình trạng đột quỵ đã diễn ra tới 7 tiếng, nhu mô não có thể đã tổn thương rất nhiều. Bác sĩ đã nhanh chóng giải thích tình trạng bệnh của cụ H. và hướng điều trị cho người nhà, hai bên đã thống nhất tiến hành lấy huyết khối cơ học cho cụ H. trong một niềm hi vọng sự sống rất mong manh. Giao thức cấp cứu xử lý đột quỵ sớm tiếp tục được tiến hành, các thành viên trực thường trú trong tổ can thiệp mạch thần kinh của Trung tâm Đột quỵ được gọi tới bệnh viện để can thiệp cho bệnh nhân dù đã quá nửa đêm.
Can thiệp lấy huyết khối cơ học là phương pháp can thiệp tối tiểu luồn các dụng cụ can thiệp đi từ động mạch đùi luồn theo các động mạch trong cơ thể để tới được vị trí mạch tắc, dùng ống thông tiếp cận xa để hút và/hoặc dùng dụng cụ dạng stent để lấy huyết khối gây tắc mạch đưa ra ngoài nhằm tái thông mạch bị tắc (Hình 3). Kíp can thiệp thần kinh gồm bác sĩ can thiệp chính (cũng là bác sĩ trực của Trung tâm Đột quỵ), các bác sĩ khác và các kỹ thuật viên can thiệp đã phối hợp nhịp nhàng để điều trị cho cụ H., kết quả can thiệp thành công khi lấy ra được rất nhiều huyết khối tái thông hoàn toàn động mạch thân nền (Hình 4), thời gian can thiệp cũng khá nhanh khi kể từ lúc chọc động mạch đùi cho tới khi tái động mạch thân nền chỉ khoảng 30 phút, kết thúc can thiệp lúc 1 giờ sáng ngày 5/6. Cụ H. từ tình trạng tri giác hôn mê GCS 8 điểm và liệt hoàn toàn tứ chi trước khi can thiệp thì ngay sau khi can thiệp tri giác đã cải thiện hơn – GCS 10 điểm (GCS tối thiểu là 3, tối đa 15, càng cao nghĩa là càng tỉnh), cơ lực tứ chi cải thiện rõ rệt, điểm NIHSS giàm xuống còn 16 điểm.
Dù tình trạng của cụ H. vẫn còn nặng do khoảng thời gian kể từ khi khởi phát cho tới khi tái thông hoàn toàn cũng đã 8 tiếng. Ngoài ra, cụ H. tuổi đã cao và nguy cơ tái phát đột quỵ, nhưng nguy cơ tử vong và di chứng đã giảm đi nhiều so với không can thiệp. Ttheo thống kê, tỉ lệ tử vong ở những trường hợp tắc động mạch thân nền đã tái thông là 40% (so với 85% nếu không tái thông). Hình ảnh CLVT sọ não sau can thiệp cho thấy có các vùng não bị nhồi máu không hồi phục ở tiểu não và thùy chẩm trái và không có hình ảnh xuất huyết (Hình 5), Cụ H. vẫn cần tích cực điều trị và chăm sóc để giảm nguy cơ tái phát, giảm các biến chứng của đột quỵ, hy vọng tình trạng của cụ sẽ dần tốt hơn.
Đột quỵ não nói chung và nhồi máu não nói riêng là vấn đề mang tính thời sự do tỉ lệ mắc ngày càng gia tăng và nguy cơ cao tử vong và di chứng nặng nề lâu dài. Đối với nhồi máu não giai đoạn cấp tính thì có điều trị đặc hiệu là các phương pháp tái tưới máu cấp cứu và cần điều trị càng sớm càng tốt đối với những bệnh nhân có chỉ định. Trường hợp cụ H. nói trên là một minh họa điển hình cho lợi ích của phương pháp tái thông mạch não nói chung và lấy huyết khối cơ học nói riêng cho dù khoảng thời gian đột quỵ đã kéo dài nhưng nếu vẫn còn chỉ định thì vẫn có thể còn lợi ích nếu bệnh nhân được tái thông mạch não. Do đột quỵ não là tình trạng thường xảy ra đột ngột không biết trước nên điều quan trọng nhất trong giai đoạn cấp của đột quỵ là phát hiện sớm các dấu hiệu khởi phát và đưa tới cơ sở y tế có khả năng thực hiện các liệu pháp tái tưới máu cấp cứu càng sớm càng tốt. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu của đột quỵ có thể theo cách đánh giá nhanh và đơn giản là F.A.S.T. là đánh giá xem mặt có có bị méo sang một bên hay không (Face), bệnh nhân có giơ tay lên được không (Arm), bệnh nhân có nói được không hay có nói rõ không (Speech) và cần liên hệ ngay với các dịch vụ vận chuyển cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt (Time). Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, tiền thân là Đơn vị Đột quỵ thuộc khoa Thần kinh, là một trung tâm đột quỵ điều trị toàn diện, có khả năng thực hiện thuần thục được tất cả các kỹ thuật tái tưới máu cấp cứu là tiêu sợi huyết tĩnh mạch (từ năm 2012) và lấy huyết khối cơ học (từ năm 2014). Cuối năm 2019, Trung tâm Đột quỵ Nghệ An đã vinh dự đón nhận giấy chứng nhận đạt “Chuẩn Vàng trong điều trị đột quỵ” của Hội Đột quỵ Thế giới trao tặng (Hình 6). Chứng nhận của một tổ chức đột quỵ uy tín toàn cầu ghi nhận Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa đã tiệm cận với chất lượng Vàng của các trung tâm đột quỵ khác trên thế giới.
TS.BS Nguyễn Ngọc Hoà- Giám đốc trung tâm Đột quỵ.
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép gan
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để hỗ trợ xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN