Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Vẹo cột sống vô căn

Vẹo cột sống vô căn

Khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống 

Vẹo cột sống (VCS) vô căn là biến dạng cột sống phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, nó chiếm khoảng 80% tất cả các trường hợp VCS. Những biến dạng của cột sống và lồng ngực trong VCS vô căn ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài và xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt ở giới nữ nên nó là nguyên nhân gây mặc cảm, ảnh hưởng đến đời sống tâm sinh lý và xã hội của bệnh nhân (BN). Các trường hợp VCS nặng có thể đưa đến tình trạng biến dạng lồng ngực, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và tim mạch.

I. LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG CỦA VẸO CỘT SỐNG VÔ CĂN

1. Lâm sàng

Sự mất cân đối của thân mình và hai vai

– Bệnh nhân N bị vô cột sống (VCS) vô căn thanh thiếu niên thường biểu hiện triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng không nghiêm trọng. Thông thường, VCS được phát hiện tình cờ bởi các thành viên trong gia đình (bố mẹ, ông bà…), thầy cô giáo, bạn bè, nhân viên y tế nhà trường hoặc bác sĩ gia đình do sự mất cân đối của lưng và hai vai. Ở độ tuổi này các bệnh nhân có thể thấy mặc các áo ôm người không hợp hoặc vừa (do sự mất cân đối ở phần eo).

– Tùy theo vị trí đường cong sẽ gây nên sự biến đổi hình dạng thân mình tương ứng. Đối với VCS ở ngực kèm với sự xoay sẽ gây bướu sườn, VCS ngực – thắt lưng và thắt lưng gây bướu thắt lưng, những đường cong thấp hơn cũng liên quan với sự mất cân đối ở vùng eo, tạo nên một chỗ lõm vào gấp nếp tăng lên ở bên lõm, và bên phía lồi làm cho eo phẳng. Chính sự lõm lại của vùng eo ở bên lõm làm cho hông bên đó gồ lên hơn so phía đối diện. Khi bệnh nhân khép sát hai tay vào thân mình, do sự bất cân đối ở vùng eo làm cho phía bên lõm tay bên đó và thân mình luôn có khoảng trống, trong khi phía đối diện thì tay ép chặt vào thân mình. Hầu hết các BN VCS vô căn thanh thiếu niên là nữ giới, nên bố mẹ và người xung quanh ít khi thấy được BN ở trần như khi trẻ còn nhỏ, nên chỉ những đường cong đã tiến triển trở nên lớn mới thường được phát hiện. Sự mất cân xứng của thân mình cũng có thể được quan sát từ phía trước, có thể thấy sự phát triển vú không cân đối, với vú bên lõm của đường cong thường gồ cao hơn bên kia do sự xoắn vặn của thân mình. Hai vai có thể không ngang bằng trong trường hợp đường cong ngực cao hoặc đường cong cổ – ngực, với vai bên lồi cao hơn bên lõm.

Nghiệm pháp Adams

Năm 1865, Adams mô tả nghiệm pháp cúi ra trước của ông, ông nhận thấy rằng các thành phần xoay của biến dạng ba chiều bị tăng lên khi cột sống bị gập ra trước. Đây là nghiệm pháp cơ bản trong việc khám lâm sàng các BN VCS tại bệnh viện và các chương trình sàng lọc cộng đồng.

2. Cận lâm sàng

– Chụp X quang (XQ) thông thường: các phim chụp toàn bộ cột sống tư thế thẳng sau-trước, bên và cong người sang hai bên được sử dụng để đánh giá độ lớn của các đường cong trên mặt phẳng trán và đứng dọc cũng như độ mềm dẻo của các đường cong.

– Cắt lớp vi tính: đánh giá độ xoay của thân đốt sống, sự biến dạng của các đốt sống đỉnh vẹo và sử dụng làm dữ liệu trong trường hợp sử dụng công nghệ định vị hỗ trợ trong phẫu thuật.

– Phương pháp đo góc Cobb: đánh giá độ lớn đường cong vẹo, cũng như các đường cong cột sống ngực và thắt lưng trong mặt phẳng đứng dọc

 

              Sơ đồ phương pháp đo góc Cobb

– Đo sự xoay của thân đốt sống: theo phương pháp của Nash – Moe, chia thành 5 độ

– Dấu hiệu Risser: được sử dụng để đánh giá sự trưởng thành của khung xương, dấu hiệu này được chia thành 6 độ dựa trên sự cốt hóa của mào chậu.

II. PHÂN LOẠI VẸO CỘT SỐNG VÔ CĂN

Phân loại theo tuổi khởi phát:

– Trẻ còn bú: 0 – 3 tuổi

– Nhi đồng: 4 – 10 tuổi

– Thanh thiếu niên: >10 – 18 tuổi

– Người trưởng thành: > 18 tuổi

Theo vị trí:

– Vẹo cột sống ngực: đỉnh giữa T2 – T11

– Vẹo cột sống ngực – thắt lưng: đỉnh giữa T12 – L1

– Vẹo cột sống thắt lưng: đỉnh giữa L2 – L4

Theo mức độ vẹo: thường được sử dụng trong chỉ định điều trị

– Vẹo cột sống nhẹ: góc Cobb < 20°

– Vẹo cột sống trung bình: góc Cobb từ 20° đến 40°

– Vẹo cột sống nặng: góc Cobb > 40°

                 Phân loại theo X quang (Phân loại Lenke: quyết định đoạn hàn xương)

 III. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ VẸO CỘT SỐNG VÔ CĂN

Theo dõi và vật lý trị liệu

– Các đường cong nhỏ hơn 20° với VCS vô căn thanh thiếu niên

– Các đường cong dưới 30 – 40° với VCS vô căn người trưởng thành hoặc ở những BN hệ xương đã trưởng thành (Risser 5)

Áo bột và áo chỉnh hình cột sống

– Các đường cong nhỏ hơn 60° ở trẻ dưới 20 tháng tuổi

– Các đường cong 20 – 30° ở thanh thiếu niên, nếu đường cong tiến triển 5° trong hơn 2 lần thăm khám liên tiếp hoặc 10° đối với lần thăm khám sau.

– Các đường cong 20 – 40° ở những BN hệ xương chưa trưởng thành (Risser <3)

Phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống vô căn

– Các đường cong lớn hơn 40° với hệ xương chưa phát triển ở trẻ nhi đồng/thanh thiếu niên

– Những đường cong trên 50° ở những BN hệ xương đã trưởng thành (Risser 5)

– Các đường cong tiến triển mặc dù đã điều trị bảo tồn

Qúy bệnh nhân có nhu cầu khám và tư vấn xin vui lòng liên hệ: 

– Qua tổng đài và CSKH: 1900.8082 – 0886.234.222

– Phòng 110 – Phòng khám Phẫu thuật Thần kinh – Cột sống

– Điện thoại khoa PTTKCS: 0928121242