Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Viêm gân dạng dài và duỗi ngắn ngón cái (Hội chứng DE QUERVAIN)

Viêm gân dạng dài và duỗi ngắn ngón cái (Hội chứng DE QUERVAIN)

              ThS.BSCKII. Thái Văn Chương

Hồ Thị Phương Thanh

Khoa Cơ xương khớp – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

 

Hội chứng De Quervain là một trong những hội chứng viêm bao gân rất phổ biến đối với nữ giới đặc biệt là các chị em nội trợ (rửa chén bát, là quần áo, bồng bế con lâu dài) hay các nhân viên văn phòng, có thể có cả phụ nữ mang thai, hay người cao tuổi.

 

Ở vùng cổ tay động tác duỗi và dạng ngón cái  được chi phối bởi hai gân quan trọng là dạng dài và duỗi ngắn ngón cái, hai gân này cũng như các gân khác trong cơ thể, được bao bọc trong bao hoạt dịch, những động tác cầm vật nặng dài lâu, xoay, lắc cổ tay gây ra ma sát gân tăng lên, về lâu dài dịch bôi trơn sẽ ít đi, nhưng dịch viêm sẽ tăng lên, gây ra hiện tượng sưng nóng, đỏ đau ngay tại vị trí này. Giai đoạn muộn, bao gân sẽ bị xơ cứng và dày lên, gây cản trở hoạt động của gân, và có thể ảnh hưởng đến thần kinh, đó là một nhánh của thần kinh quay, gây tê bì.

1.  Nguyên nhân mắc hội chứng De-quervain

Hiện nay, tuy vẫn chưa được tìm ra nguyên nhân chính gây ra bệnh nhưng các chuyên gia cho rằng các công việc yêu cầu sử dụng sức của tay quá mức hoặc hoạt động tay liên tục có thể là một trong các lý do dẫn đến De-quervain. Các nguyên nhân dẫn đến hội chứng De-quervain có thể kể đến như:

– Những động tác lặp lại nhiều lần như cầm; nắm, xoay, vặn cổ tay và ngón cái sẽ là điều kiện thuận lợi dẫn đến tổn thương này. Tình trạng viêm của bao hoạt dịch gân trong đường hầm sẽ dẫn đến sưng nề, cản trở vận động của gân.

– Những người làm văn thư, lắp ráp và công việc thủ công,… hay phải hoạt động tay nhiều. 

– Các tình trạng tổn thương viêm khớp như thấp khớp, thoái hóa sẽ ảnh hưởng đến tình trạng viêm của bao gân và gân ngón cái.

– Một số yếu tố khác như chấn thương dẫn đến hình thành các sẹo cũng ảnh hưởng đến sự trượt của gân này.

2.  Triệu chứng hội chứng De-quervain

– Sưng đau vùng đầu dưới phía ngoài xương quay, đau tăng khi vận động ngón cái, đau liên tục, đau nhiều về đêm. Đau có thể lan ra ngón cái và lan lên cẳng tay.

– Sờ thấy bao gân phía ngoài đầu dưới xương quay dày lên, có thể có nóng đỏ, ấn thấy đau chói.

– Test Finkelstein: gấp ngón cái vào trong lòng bàn tay, nắm bàn tay lại với ngón cái bên trong, uốn cổ tay nghiêng về phía xương trụ. Nếu thấy đau nhói vùng gân dạng dài và gân duỗi ngắn ngón cái hoặc ở gốc ngón cái là dấu hiệu của hội chứng De-quervain.

– Siêu âm có thể thấy bao gân dày lên và có dịch bao quanh gân.

3. Điều trị:

3.1. Các phương pháp không dùng thuốc

– Giảm hoặc ngừng vận động cổ tay và ngón tay cái (thường 4 – 6 tuần).

– Trường hợp sưng đau nhiều nên dùng băng nẹp cổ tay và ngón cái liên tục trong 3 – 6 tuần ở tư thế cổ tay để nguyên, ngón cái dạng 45 độ so với trục xương quay và gấp 10 độ.

– Chườm lạnh.

– Điều trị bằng sử dụng laser màu, siêu âm, xung điện kích thích thần kinh qua da (TENS – transcutaneous elactrical nerve stimulation) để giảm đau, chống viêm.

3.2. Dùng thuốc

– Thuốc chống viêm không steroid bôi tại chỗ: thuốc diclofenac dạng bôi: bôi 2-3 lần/ngày

– Thuốc giảm đau: acetaminophen (Paracetamol).

– Thuốc chống viêm không steroid đường uống.

– Tiêm corticoid trong bao gân De Quervain. Cần tránh tiêm vào mạch máu. Do vậy tốt nhất là nên tiêm corticoid dưới hướng dẫn của siêu âm do tính chính xác, độ an toàn cao. Chỉ các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa khớp mới được tiêm corticoid trong bao gân vì có nguy cơ đứt gân khi tiêm vào gân hay nhiễm trùng.

3.3. Điều trị ngoại khoa

Chỉ áp dụng khi tất cả các biện pháp trên không hiệu quả. Can thiệp phẫu thuật tạo ra nhiều không gian hơn cho gân hoạt động để gân không cọ xát vào đường hầm. Sau mổ, có thể tham gia phục hồi chức năng. Sau khi cắt chỉ, tập các bài tập chủ động để tăng dần biên độ và sức mạnh của các cơ.

4. Phòng bệnh

– Tránh các hoạt động bàn tay, cổ tay lập đi lập lại trong thời gian dài; cần xen kẽ thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Cũng cần tập luyện cho gân dẻo dai qua những bài tập cho gân khớp vùng cổ tay.

– Không nên xoa bóp thuốc rượu, dầu nóng vì dễ làm tình trạng viêm nặng thêm. Không nên nắn bẻ khớp vì sẽ làm tổn thương thêm gân khớp.

– Ngoài ra, nên có chế độ ăn đầy đủ sinh tố, đặc biệt ở phụ nữ khi mang thai hay sau khi sinh. Ở người lớn tuổi, nên bổ sung thêm calci, dùng sữa và các sản phẩm của sữa (sữa chua, phomat).

Để đặt lịch khám và tìm hiều thông tin, xin vui lòng liên hệ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.

Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082

Thời gian đặt hẹn: 7h – 19h,  Thứ 2 đến thứ 6.

Số điện thoại khoa Cơ xương khớp: 0385384657.

Website: https://bvnghean.vn