Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Viêm tụy mạn

Viêm tụy mạn

Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An 

1. Tổng quan

Viêm tụy mạn là viêm tụy dai dẳng dẫn đến tổn thương cấu trúc vĩnh viễn kèm theo xơ hóa và chít hẹp ống dẫn, tiếp theo là giảm chức năng ngoại tiết và nội tiết (suy tụy).

  • Uống rượu và hút thuốc lá là hai yếu tố nguy cơ chính.
  • Đau bụng là triệu chứng chủ yếu ở hầu hết các người bệnh.
  • Chẩn đoán thường được thực hiện bằng các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm chức năng tụy.
  • Điều trị chủ yếu bao gồm kiểm soát đau và xử trí các biến chứng như tắc ống tụy, tắc mật, suy tụy,…

2. Dấu hiệu và triệu chứng thường gặp

– Đau bụng và suy tụy là những biểu hiện chính của viêm tụy mạn. Đau có thể xảy ra trong giai đoạn đầu của viêm tụy mạn, trước khi phát hiện được hình ảnh viêm tụy mạn trên cận lâm sàng. Đau thường là triệu chứng chủ yếu trong viêm tụy mạn và có ở hầu hết người bệnh. Đau trong viêm tụy mạn thường là sau ăn, ở vùng thượng vị và giảm đi một phần bằng cách ngồi dậy hoặc nghiêng về phía trước. Các cơn đau ban đầu xuất hiện từng đợt nhưng sau đó có khuynh hướng liên tục hơn.

– Các biểu hiện lâm sàng của suy tụy bao gồm đầy hơi, chướng bụng, phân mỡ, chán ăn, suy dinh dưỡng, sụt cân và mệt mỏi.

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

– Nghiện rượu nặng chính là nguyên nhân viêm tụy mạn tính ở 70% người trưởng thành, gặp ở nam nhiều hơn nữ và thường xảy ra ở lứa tuổi từ 30 – 40 tuổi. Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ độc lập trong việc phát triển thành viêm tụy mạn. Cả uống nhiều rượu và hút thuốc đều làm tăng nguy cơ tiến triển của bệnh.

– Một phần các trường hợp viêm tụy mạn là tự phát. Viêm tụy nhiệt đới là một dạng tự phát của viêm tụy mạn xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên ở các vùng nhiệt đới như Ấn Độ, Indonesia và Nigeria. Viêm tụy nhiệt đới được đặc trưng bởi tuổi khởi phát sớm, sỏi lớn ở ống tụy, giai đoạn tiến triển tăng tốc của bệnh và tăng nguy cơ bị bệnh ung thư tuyến tụy.

– Các nguyên nhân ít phổ biến hơn của viêm tụy mạn bao gồm: rối loạn di truyền, các bệnh hệ thống, tắc nghẽn ống tụy do hẹp, do sỏi, hoặc ung thư.

4. Biến chứng

                          Hình ảnh sỏi tụy gây tắc ống tụy chính 

Nếu viêm tụy mạn tính không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển nặng dần và xảy ra các biến chứng trong vòng 10 năm đầu, thường gặp nhất là chứng kém hấp thu và bệnh đái tháo đường. Không điều trị viêm tụy mạn tích cực có thể dẫn đến tử vong tới 50% trong vòng 20-25 năm, 15-20% tử vong do các biến chứng cho sức khỏe, bao gồm:

– Suy dinh dưỡng: Cả viêm tụy cấp và viêm tụy mãn tính có thể khiến cho tuyến tụy sản xuất ít các enzyme cần thiết có chức năng phá vỡ, xử lý các chất dinh dưỡng trong các thực phẩm bạn ăn hàng ngày. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, tiêu chảy, tiêu phân mỡ và sút cân.

– Bệnh tiểu đường do tụy: khoảng 30-50% viêm tụy mạn sẽ có biến chứng tiểu đường. Các tế bào sản xuất insulin bị tổn thương do tác động của viêm tụy có thể dẫn đến bệnh tiểu đường

– Bệnh ung thư tuyến tụy: Viêm tụy mãn tính được xem là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến tụy, đứng hàng thứ 7 trong số những bệnh lý ung thư gây tử vong toàn cầu theo GLOBOCAN 2022.

– Nang giả tụy (Pseudocyst): nguyên nhân gây đau dai dẳng và khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Nang lớn có thể gây tắc nghẽn hoặc dò vào ổ bụng gây ra các biến chứng như chảy máu nội tạng và nhiễm trùng.

– Các biến chứng khác như tắc nghẽn đường mật, tắc ruột, tắc mạch máu,… thường do sỏi tụy hoặc vôi hoá đầu tụy.

  1. Điều trị viêm tụy mạn như thế nào?

Mục tiêu điều trị viêm tụy mạn tính bao gồm giảm đau; phòng ngừa các triệu chứng tái phát; điều trị các biến chứng như tiểu đường, suy dinh dưỡng, tắc nghẽn đường mật, tụy, tiêu hoá,… nhằm đảm bảo chức năng sống còn cho người bệnh.

5.1. Điều trị nội khoa

Giảm đau là bước đầu tiên trong điều trị. Đau do viêm tụy mạn tính có thể giảm ở một số trường hợp bằng cách dùng các enzym tụy hoặc thuốc giảm đau. Trong các trường hợp đau do cơ học như tắc nghẽn ống tụy, tắc mật,… thì cần can thiệp ngoại khoa.

Đi ngoài phân mỡ được điều trị bằng các chế phẩm tụy được lựa chọn dựa trên hoạt độ lipase cao. Liều thông thường là 30.000 đơn vị lipase trong viên nang được dùng trước, trong bữa ăn. Dùng đồng thời natri bicarbonat 650 mg trước và sau bữa ăn, các thuốc đối kháng receptor H2 (như ranitidin 150mg x 2 lần/ngày) hoặc ức chế bơm proton (như omeprazol 20 – 60 mg/ngày) làm giảm sự bất hoạt của lipase bởi acid và vì vậy có thể làm giảm đi ngoài phân mỡ.

Nếu có đái tháo đường đi kèm thì cần được điều trị theo cách thông thường bằng việc dùng insulin.

5.2. Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa được đặt ra trong các trường hợp có triệu chứng cơ học như tắc nghẽn ống tụy, mật, tiêu hoá,… hoặc trong các trường hợp đau bụng không còn đáp ứng với điều trị nội khoa.

– Phương pháp dẫn lưu ống tụy (nối ống tụy với ống tiêu hoá): Thực hiện trong các trường hợp có tắc nghẽn gây giãn ống tụy chính, có thể do sỏi tụy hoặc vôi hoá đầu tụy, có thể kèm theo tắc mật. Phẫu thuật nhằm dẫn lưu ống tụy với ống tiêu hoá, lấy sỏi tuỵ (Partington-Rochelle, Frey-Beger,…), kèm theo nối đường mật nếu có tắc mật.

– Phương pháp cắt tụy: Những trường hợp bệnh tiến triển, cắt tụy toàn phần hoặc bán phần có thể được cân nhắc như là cách cuối cùng nhưng có kết quả khác nhau và có khả năng dẫn tới suy tụy.

Hình ảnh sỏi tụy sau phẫu thuật 

– Dẫn lưu ra da hoặc nối với ống tiêu hoá được chỉ định cho những nang giả tụy có triệu chứng.

– Phương pháp phong bế đám rối thần kinh: Với những người bệnh bị đau mạn tính và ống tụy không bị giãn, thì phong bế đám rối thần kinh bụng qua da có thể được cân nhắc.

5.3. Dự phòng

Người bệnh cần thay đổi chế độ ăn, bao gồm hạn chế chất béo, chia bữa ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày và hạn chế caffeine. Rượu bị cấm bởi vì rượu thường làm thúc đẩy những đợt viêm cấp. Người bệnh cần bỏ rượu tuyệt đối, tuân thủ chặt chẽ về chế độ ăn và lịch uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

Để điều trị bệnh viêm tụy mãn tính hiệu quả, người bệnh nên được thăm khám tại bệnh viện càng sớm càng tốt.

 Khoa Ngoại Tổng Hợp 2 là chuyên khoa điều trị bệnh lý Viêm tụy mạn của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.

Để đặt lịch khám, Qúy khách hàng vui lòng liên hệ:

🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN

🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới

🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An

🌎Website: www.bvnghean.vn

🌍Facebook: /bvhndknghean

☎️☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222, Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6.