Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > XÉT NGHIỆM D-DIMER VÀ Ý NGHĨA LÂM SÀNG

XÉT NGHIỆM D-DIMER VÀ Ý NGHĨA LÂM SÀNG

D-dimer là gì?

Trong cơ thể người bình thường luôn duy trì trạng thái cân bằng giữa quá trình hình thành cục máu đông và quá trình tan cục máu đông. Nếu quá trình tạo cục máu đông xảy ra quá mức sẽ dẫn tới bệnh lý huyết khối, ngược lại nếu quá trình tiêu Fibrin xảy ra quá mức có thể dẫn tới biến chứng chảy máu. Để hình thành cục máu đông trong lòng mạch, trước hết yếu tố X được hoạt hoá thành yếu tố Xa, yếu tố Xa cùng với ion Canxi và yếu tố V chuyển Prothronbin thành Thrombin. Dưới tác động của thrombin, fibrinogen lưu hành trong máu được chuyển thành firin đơn phân rồi trùng hợp để tạo thành fibrin polymere không hoà tan. Fibrin Polymer tạo thành mạng lưới giam giữ các thành phần hữu hình của máu tạo cục máu đông.

Fibrinmonomer là chuỗi polypeptid gồm các mảnh peptid a, b, c, D, E. Mảnh a, b, c nhỏ nên người ta chỉ để ý mảnh lớn là D, E. Mảnh E liên kết với 2 mảnh D trùng hợp tạo thành một mạng lưới D-E-D=D-E-D, … Sau khi hình thành một thời gian, cục máu đông tan đi để dòng máu được lưu thông bình thường trong lòng mạch. Quá trình tan đông dưới tác động của các chất hoạt hóa quá trình tiêu Fibrin như plasminogen. Plasminogen được yếu tố nội sinh chuyển thành Plasmin. Plasmin thuỷ phân các dây peptid của lưới fibrinpolymer và tạo ra các chuỗi có 2 mảnh D được gọi là D-dimer và các sản phẩm có trọng lượng phân tử thấp FPDs. Vì vậy khi có cục máu đông trong lòng mạch sẽ làm tăng nồng độ D-dimer trong máu.

Như vậy D-Dimer là sản phẩm thoái giáng của Fibrin từ cục máu đông trong lòng mạch. Vì vậy khi nồng độ D-dimer trong máu tăng là bằng chứng cho thấy có huyết khối trong lòng mạch. Thực hiện đo nồng độ D-dimer được gọi là xét nghiệm D-dimer.

D-dimer được thực hiện trong trường hợp nào?

Xét nghiệm D-dimer được thực hiện để góp phần củng cố chẩn đoán những trường hợp nghi ngờ huyết khối trong cơ thể với độ nhạy 95 % và độ đặc hiệu 90%. Ở những người có nguy cơ thấp bị huyết khối tĩnh mạch sâu, định lượng D-dimer bình thường cho phép loại trừ huyết khối tĩnh mạch sâu ở đoạn gần và đoạn xa. Ở những người có nguy cơ vừa đến cao không cho phép loại trừ huyết khối tĩnh mạch nếu chỉ dựa vào xét nghiệm D-dimer âm tính, nhưng D-dimer tăng làm tăng khả năng chẩn đoán cần tiến hành các phương pháp thăm dò bằng hình ảnh và cân nhắc sử dụng sớm thuốc chống đông cho người bệnh.

Xét nghiệm D-dimer có giá trị phát hiện các tình trạng tăng đông, hiệu giá test càng cao thì tình trạng rối loạn đông máu càng nặng.

Xét nghiệm d-dimer còn hữu ích trong theo dõi tiến triển theo thời gian các bệnh lý huyết khối hay đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu D-dimer về bình thường sau thời gian theo dõi chứng tỏ quá trình hình thành fibrin được cân bằng. Nếu tình trạng tăng D-dimer sau 3-6 tháng điều trị chống đông có thể gợi ý về tái phát huyết khối gây tắc mạch ở người bệnh.

Tuy nhiên xét nghiệm D-dimer cũng bị ảnh hưởng bởi các thuốc tiêu fibrin trong huyết thanh hay yếu tố dạng thấp cao ở trong huyết thanh, tăng trong nhiều trường hợp khác như mang thai, ung thư,…

D-dimer và bệnh lý Covid-19

Hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới gây tử vong cao. Một trong những nguyên nhân gây tử vong ở người mắc Covid 19 là huyết khối vi mạch. Xét nghiệm D-dimer là một trong những xét nghiệm hữu ích được dùng để đánh giá nguy cơ tắc mạch ở người mắc Covid-19 và theo dõi điều trị chống đông ở người bệnh mắc Covid-19. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về điều trị thuốc chống đông trong bệnh lý Covid 19:

D-Dimer tăng <1000 ng/ml: Nguy cơ tắc mạch thấp

D-dimer tăng 1000-2900 ng/ml: Nguy cơ trung bình

D-dimer tăng ≥ 3000ng/ml: Nguy cơ cao

Việc sử dụng xét nghiệm kết hợp với các thang điểm đánh giá lâm sàng vào theo dõi và đánh giá nguy cơ tắc mạch giúp các bác sĩ lâm sàng tiên lượng và can thiệp thuốc chống đông cho người bệnh sớm hơn và hạn chế tử vong ở người mắc Covid-19.

Hiện nay Trung tâm xét nghiệm -Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An đã triển khai xét nghiệm D-dimer siêu nhạy trên hệ thống máy tự động Sysmex- Nhật bản. Việc thực hiện xét nghiệm D-dimer cần tùy vào tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ cho thực hiện xét nghiệm kết hợp với các phương pháp thăm dò khác để đánh giá toàn diện. Các trường hợp cần tư vấn về xét nghiệm xin liên hệ Trung tâm xét nghiệm -Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An hoặc Fanpage: www.facebook.com/TrungTamXetNghiem để được giải đáp.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S014795632100011X#tbl0001
  2. Bộ y tế. Quyết định 3416/QĐ – BYT ngày 14/7/2021 ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID – 19)
  3. Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. KHUYẾN CÁO VỀ CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG THUYÊN TẮC HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH 2016. Hội Tim Mạch Việt Nam.
  4. Nguyễn Đạt Anh, D-dimer, “Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong lâm sàng”, 2013 Nhà xuất bản y học, 148-153

 

Khoa Huyết học – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An