Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Xuất huyết tiêu hóa do nguyên nhân từ ruột non

Xuất huyết tiêu hóa do nguyên nhân từ ruột non

Xuất huyết tiêu hóa (XHTH) là tình trạng chảy máu ở bất kì vị trí nào của đường tiêu hóa. Trong các trường hợp XHTH, khoảng 50% là do XHTH trên (tổn thương từ thực quản, dạ dày tới góc tá hỗng tràng), 40% là do XHTH dưới (tổn thương ở đại trực tràng và ống hậu môn) và khoảng 5% đến 10% là do các tổn thương ở ruột non (hỗng tràng và hồi tràng). Ruột non là một phần của đường tiêu hóa nằm giữa dây chằng Treitz ( góc tá hỗng tràng) và van hồi manh tràng. Nguyên nhân chảy máu ruột non rất nhiều, bên cạnh đó ruột non là đoạn ruột dài, rất khó tiếp cận  và đánh giá bằng các phương pháp thông thường, do đó chảy máu ruột non đặt ra một thách thức chẩn đoán quan trọng cho các bác sĩ. Để tránh tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao liên quan đến tình trạng này, nó phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời

  1. Triệu chứng lâm sàng của chảy máu ruột non

Chảy máu ruột non được chia làm 2 nhóm:

– Chảy máu đại thể: khi bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng rõ ràng: đại tiện phân đen hoặc  phân máu đỏ. Chảy máu đại thể có thể tiến triển nặng, liên tục, gây ảnh hưởng huyết động, tụt huyết áp, cũng có thể chảy máu nặng từng đợt hoặc chảy máu nhẹ, ngắt quãng, có thể tự cầm

– Chảy máu vi thể: bệnh nhân không đại tiện phân máu nhưng có triệu chứng thiếu máu, xét nghiệm phân có hồng cầu ẩn trong phân.

  1. Nguyên nhân của chảy máu ruột non

Nguyên nhân của chảy máu ruột non rất đa dạng, được xếp vào 5 nhóm sau

– Bất thường mạch máu: tổn thương loạn sản mạch, tổn thương Dieulafoy, thông động tĩnh mạch. Đây là nhóm nguyên nhân phổ biến nhất của chảy máu ruột non, chiếm từ 30 tới 40 % các trường hợp.

Tổn thương loét: Loét ruột non đơn thuần hoặc loét đặc hiệu do lao, crohn…, hoặc loét ruột non do sử dụng thuốc NSAID, Aspirin..

Khối u/ polyp ruột non.

Túi thừa ruột non

Nguyên nhân khác: nhiễm ký sinh trùng

  1. Chẩn đoán chảy máu ruột non

Ruột non là đoạn ruột khó tiếp cận và đánh giá. Thông thường các trường hợp chảy máu tiêu hóa có thăm dò nội soi dạ dày và nội soi đại tràng trong điều kiện đã khảo sát kỹ mà không phát hiện được tổn thương có thể hướng tới nguyên nhân từ ruột non.

Nội soi ruột non bóng kép bằng cả đường miệng và hậu môn là phương pháp quan trọng có ý nghĩa để chẩn đoán và can thiệp cầm máu nếu có. Tỉ lệ phát hiện tổn thương cao nhất  là soi khi bệnh nhân còn đi phân đen. Thời gian soi càng muộn thì tỉ lệ phát hiện chẩn đoán càng thấp.

Trong trường hợp bệnh nhân chảy máu nặng, ồ ạt, cần ưu tiên hồi sức huyết động, chụp phim cắt lớp vi tính mạch máu( MSCT mạch máu ổ bụng) để cân nhắc can thiệp mạch nếu phát hiện thấy tổn thương.

Viên nang nội soi cũng là một phương pháp lựa chọn khi nội soi ruột non không tìm thấy bất kỳ nguồn chảy máu nào. Máy ảnh được gắn vào một thiết bị có kích thước bằng một viên thuốc. Viên nang giúp chụp ảnh toàn bộ đường tiêu hóa cho đến khi cuối cùng được loại bỏ trong phân. Nghiên cứu viên nang nói chung là an toàn. Nó có ưu điểm là hiển thị toàn bộ đường tiêu hóa và xác định vị trí nguồn chảy máu. Những nhược điểm bao gồm không thể lấy sinh thiết và thực hiện bất kỳ can thiệp nào. Ở những bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật vùng bụng, viên nang hiếm khi bị kẹt bên trong đường tiêu hóa. Có thể phẫu thuật nếu viên nang bị kẹt. Bất chấp những hạn chế này, nội soi viên nang là lựa chọn thứ hai nếu nội soi tiêu chuẩn không chẩn đoán được bất kỳ nguồn chảy máu nào.

  1. Phương pháp điều trị

Điều trị chảy máu ruột non trước tiên vẫn phải đảm bảo hồi sức huyết động. Tiếp đó các điều trị đặc hiệu phụ thuộc vào nguyên nhân chảy máu. Các phương pháp can thiệp qua nội soi được sử dụng để điều trị các tổn thương mạch máu bao gồm đốt điện, quang đông bằng laser, đông plasma argon (APC), liệu pháp tiêm xơ cứng, đặt kẹp clip cầm máu, thắt vòng bằng nội soi và/hoặc kết hợp các phương pháp này. Kỹ thuật Xquang can thiệp nút tắc mạch được thực hiện khi chụp mạch máu ổ bụng phát hiện thấy tổn thương. Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng và được thực hiện ở những bệnh nhân bị chảy máu tái phát và điều trị nội soi thất bại. Ngoài ra một số nguyên nhân chảy máu ruột non do khối u hoặc chảy máu túi thừa meckel cũng có chỉ định phẫu thuật.