Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Ý nghĩa xét nghiệm Thời gian Prothrombin (PT) trong chẩn đoán và điều trị bệnh

Ý nghĩa xét nghiệm Thời gian Prothrombin (PT) trong chẩn đoán và điều trị bệnh

Xét nghiệm Thời gian Prothrombin là xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện ra những bất thường đông máu ở giai đoạn huyết tương. Vậy khi nào thì bệnh nhân cần làm xét nghiệm máu này? Ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm này ra sao?

1. Xét nghiệm thời gian prothrombin là gì?

 

          Quá  trình đông máu

Xét nghiệm thời gian prothrombin hay còn gọi là xét nghiệm thời gian PT được dùng trong y học nhằm đánh giá quá trình đông máu. Đông máu là sự thay đổi trạng thái vật lý của máu chuyển từ dạng lỏng sang dạng gen rắn, sợi huyết để bảo vệ vùng tổn thương thành mạch, hạn chế chảy máu ra ngoài mạch. Đồng thời duy trì được trạng thái lỏng của  máu lưu thông. Quá trình đông máu là sự tác động và kết hợp của 3 yếu tố đó là:

– Tế bào máu

– Protein huyết tương

– Thành mạch

Trong cơ thể con người luôn tồn tại sự cân bằng giữa hệ thống chống đông máu và đông máu. Đông máu giúp bảo vệ cơ thể tránh khỏi chảy máu, đồng thời hệ thống đông máu giúp lưu thông lòng mạch đảm bảo duy trì sự sống. Bất cứ sự mất cân bằng nào trong quá trình đông máu – chống đông , cũng sẽ xảy ra tắc mạch hoặc chảy máu.Rối loạn đông máu  là hội chứng thiếu hụt yếu tố đông máu và có thể gây tử vong do mất quá nhiều máu, hay thiếu hụt của chất ức chế đông máu gây hiện tượng tắc mạch, cản trở lưu thông. Do đó, xét nghiệm Prothrombin là rất cần thiết giúp đánh giá khả năng đông máu đối với những người có biểu hiện của rối loạn đông máu.

2. Xét nghiệm PT tiến hành thế nào?

Bệnh nhân được lấy máu tĩnh mạch, cho vào ống bảo quản có chứa chất chống đông thích hợp và được tiến hành phân tích. Xét nghiệm PT có thể thực hiện bằng phương pháp thủ công, bằng thiết bị bán tự động hoặc tự động. Hiện nay, các thế hệ thiết bị tự động được sử dụng khá phổ biến. Tại trung tâm xét nghiệm – bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An có hệ thống thiết bị tự động để thực hiện xét nghiệm PT  bằng máy Sysmex CN-6000. Máy với nguyên lý đo quang, có khả năng xét nghiệm nhanh, công suất lớn lên đến 450 mẫu/giờ, kết quả chính xác với cả mẫu máu tăng độ đục huyết tương do bệnh lý như tăng mỡ máu, tăng bilirubin máu; huyết tương đục do lấy máu sau ăn.

3. Khi nào cần làm xét nghiệm PT

– Dự phòng: Xét nghiệm PT được thực hiện trước khi phẫu thuật, thủ thuật để sàng lọc bất thường về đông máu nhằm đảm bảo an toàn phẫu thuật, thủ thuật.

– Theo dõi điều trị: Xét nghiệm PT (INR) được thực hiện định kỳ ở người dùng thuốc chống đông máu kháng vitamin K để điều chỉnh liều thuốc nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị mong muốn; đồng thời đảm bảo không xảy ra chảy máu do dùng thuốc.

– Chẩn đoán bệnh: Xét nghiệm PT được chỉ định khi có nguy cơ, báo hiệu chỉ điểm rối loạn giảm đông máu (Bầm tím, chảy máu dưới da, chảy máu niêm mạc, chảy máu cam, bệnh gan, …) hoặc có nguy, biểu hiện tăng đông, tắc mạch.

4. Ý nghĩa lâm sàng xét nghiệm PT

– Kết quả xét nghiệm PT có 03 cách biểu thị: PTs (đơn vị giây); PT% (tỷ lệ prothrombin tính theo % so với mẫu chứng) và PT INR (International Normalized Ratio). Về nguyên tắc, kết quả PTs và PT% có thể khác nhau giữa các phòng xét nghiệm, nhưng với PT INR, nếu các phòng xét nghiệm tuân thủ nghiêm túc quy trình quản lý chất lượng thì không khác biệt.

– Đối chiếu với khoảng tham chiếu sinh học, có thể biết kết quả xét nghiệm PT bình thường hay bất thường. Tuy nhiên, để biện luận chẩn đoán hay đánh giá mức độ nguy cơ do PT bất thường thì cần bác sĩ, căn cứ vào kết quả PT hoặc kết hợp với các thông tin trong báo cáo y tế của người bệnh để phiên giải kết quả xét nghiệm.

– PTs kéo dài (tương ứng với PT% giảm, PT INR tăng) là báo động giảm hoạt tính của một hoặc nhiều yếu tố đông máu ( I, II, V, VII, X). Nguyên nhân thường do thiếu vitamin K, bệnh gan, bệnh lý rối loạn đông máu mắc phải,…hoặc do dùng một số thuốc, đặc biệt là thuốc chống đông kháng vitamin K.

– PTs giảm (tương ứng với PT% tăng, PTINR giảm) là báo động tăng đông.

– Riêng PT INR được sử dụng theo dõi, điều chỉnh thuốc chống đông kháng vitamin K.

Xét nghiệm PT là thủ tục xét nghiệm khá đơn giản, được thực hiện tại nhiều phòng xét nghiệm, bệnh viện trên cả nước. Tuy nhiên bạn nên đến các trung tâm xét nghiệm lớn, hiện đại để thực hiện bởi sẽ tiện lợi, nhanh chóng nếu kết quả bất thường cần các xét nghiệm chuyên sâu bổ sung. Vì thế Trung tâm xét nghiệm – bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là một trong những địa chỉ uy tín để thực hiện xét nghiệm đông máu. Nếu cần tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến xét nghiệm PT vui lòng liên hệ qua Fanpage Trung tâm xét nghiệm – Bệnh viện HNĐK Nghệ An https://www.facebook.com/ TrungTamXetNghiem?mibextid=2JQ9oc, để đăng ký lịch hẹn thăm khám vui lòng liên hệ, Đơn vị chăm sóc khách hàng của bệnh viện qua tổng đài 19008082 hoặc 0866.234.222