Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Chụp cắt lớp vi tính mạch máu chi dưới

Chụp cắt lớp vi tính mạch máu chi dưới

Khoa X quang, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

Chụp cắt lớp vi tính mạch máu chi dưới hay chụp CT mạch máu chi dưới là phương pháp chẩn đoán hình ảnh khảo sát hệ mạch máu sử dụng tia X. Chụp cắt lớp vi tính mạch máu chi dưới bao gồm các lớp cắt ngang có tiêm thuốc đối quang i-ốt tĩnh mạch từ mức ngã ba chủ chậu đến hết ngón chân, sau đó dùng các phần mềm chuyên dụng xử lý dữ liệu, tái tạo ảnh hệ động mạch chi dưới theo các hướng.

I. Chỉ định và chống chỉ định

1.1. Chỉ định

– Hẹp tắc động mạch cấp và mạn tính.

– Phình mạch, dị dạng mạch.

– Kiểm tra sau đặt Stent động mạch.

– Đánh giá giải phẫu bình thường và bất thường hệ ĐM chi dưới

1.2. Chống chỉ định

 – Không có chống chỉ định tuyệt đối.

 – Các chống chỉ định tương đối chủ yếu đối với thuốc đối quang i-ốt tiêm tĩnh mạch, người bệnh có tiền sử bị bệnh dị ứng: hen phế quản, người bệnh suy gan, suy thận, đặc biệt ở những người bệnh có tiền sử dị ứng với thuốc đối quang i-ốt iod ở những lần chụp trước.

II. Quy trình chụp CLVT mạch máu chi dưới

2.1 Chuẩn bị cho bệnh nhân

  • Giải thích cho bệnh nhân về quá trình chụp CT mạch máu
  • Hướng dẫn bệnh nhân tháo bỏ trang sức, các vật dụng kim loại trên cơ thể để tránh gây ảnh hưởng đến hình ảnh chụp CT mạch máu
  • Bệnh nhân có thai nên báo cho bác sĩ vì những ảnh hưởng nhất định của tia X đối với thai nhi
  • Bệnh nhân dị ứng với thuốc cản quang, bị bệnh tiểu đườngsuy thận, suy gan, hen suyễnphải thông báo với bác sĩ
  • Trẻ em có thể để trẻ ngủ trong quá trình chụp, nếu trẻ quá hiếu động thì có thể sử dụng thuốc an thần cho trẻ.
  • Các trường hợp tiêm thuốc cản quang để chụp CT, bệnh nhân phải nhịn ăn khoảng 4 tiếng trước khi tiêm. Hạn chế uống nhiều nước, nên uống khoảng 50ml trước khi tiêm trong vòng 2 tiếng đầu.

2.2 Các bước tiến hành chụp CT mạch máu

Điều chỉnh tư thế người bệnh:

  • Người bệnh nằm ngửa, chân hướng về phía khung máy, tay đưa lên phía đầu, 2 chân duỗi thẳng tự nhiên, buộc hai ngón chân cái để cố định.
  • Đặt kim luồn tĩnh mạch: Đặt tại các tĩnh mạch chi trên, trong một số trường hợp có thể đặt tại tĩnh mạch cảnh, tĩnh mạch dưới đòn

Tiến hành chụp CT mạch máu

  • Bước 1: Cắt định hướng theo hai mặt phẳng đứng dọc và đứng ngang
  • Bước 2: Cắt độ dày 5mm trước thuốc xác định vị trí đoạn cuối động mạch chủ bụng để đặt điểm đo tỷ trọng cho chương trình Bolus timing.
  • Bước 3: Cắt sau tiêm bắt đầu từ ngã ba chủ chậu đến hết ngón chân.

Thời gian chụp CT mạch máu chi dưới diễn ra từ 3-5 phút, tuy nhiên tùy từng trường hợp có thể kéo dài hơn từ 15-45 phút, bác sĩ sẽ giải thích kỹ lưỡng quá trình chụp cho bệnh nhân.

III. Đánh giá kết quả chụp CT

Thông thường, bệnh nhân sẽ nhận được kết quả chụp CT mạch máu sau 30-60 phút. Tuy nhiên, đối với những trường hợp bác sĩ cần hội chẩn thì sẽ nhận kết quả chậm hơn, bệnh nhân nếu có thắc mắc gì có thể hỏi lại bác sĩ ngay lập tức. Hình ảnh chụp CT mạch máu chi dưới đạt chuẩn nếu đạt được những yêu cầu cụ thể như sau:

  • Hình ảnh thấy được các cấu trúc giải phẫu mạch máu chi dưới là hệ thống động tĩnh mạch chi dưới
  • Phát hiện được tổn thương tại động mạch hoặc tĩnh mạch chi dưới.

Dựa vào hình ảnh chụp CT mạch máu chi dưới, bác sĩ sẽ đánh giá được kết quả hoặc phát hiện các tổn thương.

 

 

                    Hệ thống xử lý hình ảnh

                       Hình ảnh tắc động mạch đùi nông bên phải

IV. Biến chứng và sự cố có thể xảy ra khi chụp CT

Trong quá trình chụp CT mạch máu, một số sự cố có thể xảy ra như người bệnh cử động trong quá trình chụp làm hình ảnh chụp không sắc nét, các nguyên nhân khác khiến hình ảnh không rõ ràng phải tiến hành chụp lại.

Một số biến chứng liên quan đến thuốc cản quang, bệnh nhân được yêu cầu ở lại theo dõi sau khi chụp CT 30 phút, nếu có các triệu chứng bất thường nào nên báo ngay với bác sĩ.

Bệnh nhân nên uống nhiều nước để loại trừ thuốc cản quang ra khỏi cơ thể sau khi chụp CT.