“Lễ hội Xuân Hồng” tại Vinh sáng 12/1/2014 sẽ thu hút khoảng 3.000 người tham gia
Nửa đêm gió mưa tầm tã, nhận được điện thoại báo tin có người đang thập tử nhất sinh cần “cứu máu”, lập tức hàng chục thanh niên đội mưa gió vượt hàng chục cây số phóng về Vinh tiếp ứng.
Nhóm sinh viên hiến máu tình nguyện Trường Đại học Y cũng ùa đến. Những cánh tay hối hả chìa ra. Một sinh mệnh đã vượt qua cửa tử…
“Cứu máu”
Về khuya, Khoa Bệnh nhiệt đới nằm cuối Bệnh viện Đa khoa Nghệ An im lìm trong dầm dề mưa lạnh. Trang thoi thóp nằm trên giường bệnh. Sau hai ngày điều trị tại trạm y tế xã, nhưng bệnh càng nặng thêm.
Cô bé sốt li bì trên 40 độ. Sang ngày thứ ba, Trần Thị Trang có biểu hiện nôn mửa, xuất huyết chân răng, chảy máu mũi, nên gia đình quyết định đưa Trang chuyển viện đến đây.
Sau khi xét nghiệm máu, Trưởng khoa BS Quế Anh Trâm cho biết, tiểu cầu đã tụt xuống dưới 15.000. Nếu không có máu tươi để lọc tiểu cầu truyền cho bệnh nhân, sẽ xảy ra tai biến xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, đe dọa tính mạng. Cần phải có người hiến máu để cấp cứu ngay.
Ba ngày vật lộn cùng bệnh tình của con, Tâm- em gái tôi gầy rộc đi, căn bệnh rối loạn tuần hoàn não thừa cơ tái phát. Dù kiệt sức, Tâm vẫn không chịu rời con nửa bước. Chồng đi làm ăn xa, mình Tâm nuôi ba con nhỏ. Giữa đêm hôm khuya khoắt, biết lấy đâu ra máu? “Bệnh viện có máu dự trữ không anh?”, tôi hỏi BS Trâm.
“Máu trong kho không dùng được, trường hợp của cháu phải lấy máu tươi và lọc ngay mới kịp!”, anh Trâm bảo. Tôi điện thoại gọi GĐ Cty Văn Minh, bên đó nhiều thanh niên trẻ, biết đâu lại có máu. Nghe tôi trình bày xong, Nguyễn Đàm Văn “ok” ngay và lúc sau, chiếc ô tô trung chuyển chở người trờ tới. Chúng tôi lao lên phòng lấy máu.
Trang thuộc nhóm máu A, nhóm máu hiếm, mười người may ra chỉ có vài người cùng nhóm. “Quân” của Cty Văn Minh đưa đến, chỉ có một người có nhóm A, cần thêm một đơn vị máu nữa mới đủ để lọc tiểu cầu. Đồng hồ nhích sang 0 giờ. Chậm một khắc, bé Trang có thể nguy kịch. Tôi nói với em gái: “Anh phải về quê, gọi thêm các o, các chú!”.
Hai mươi phút sau tôi đã có mặt tại vùng bãi ngang Nghi Xuân, Hà Tĩnh và cũng chỉ mất nửa số thời gian đó, chúng tôi đã tập hợp được hơn chục người. “Cho tau đi với, tau cũng có máu!”, một ông hàng xóm của Tâm năn nỉ. Tôi giải thích với ông là ngoài 60 tuổi không cho máu được nữa. Nghe xong, ông già lắc đầu: “Máu mô nỏ là máu, phức tạp!”. Chúng tôi phóng về Vinh giữa đêm mưa tầm tã.
Đoàn người rầm rập chạy đến Trung tâm Huyết học- Truyền máu, những cánh tay hối hả chìa ra, ai cũng hy vọng mình cùng nhóm máu A để cứu Trang.
Ân tình
Trang đã qua cơn nguy kịch. Gặp tôi, BS Trâm nói: “Giờ thì tạm ổn, tiểu cầu đã trên 20.000 nhưng hôm nay và ngày mai sẽ còn diễn biến phức tạp. Chú gọi thêm người túc trực sẵn đó, lúc cần là hiến máu ngay!”.
Em gái tôi hớt ha hớt hải chạy đến, lo lắng: “Nó lại chảy máu chân răng rồi, anh ạ!”. Chảy máu chân răng là một dạng xuất huyết nhẹ, nặng tý nữa, là xuất huyết nội tạng, máu chảy lung tung trong người, phá vỡ các tế bào, sẽ cực kỳ nghiêm trọng. Cứ hai giờ một lần, nhân viên y tế lại cầm ống tiêm đi chích máu xét nghiệm và mỗi lần nghe kết quả tim tôi nhói buốt.
“Khi cần máu để cấp cứu, tôi a lô một phát là có máu ngay cho nó, không được chậm trễ đâu nhé!”, bác sỹ căn dặn. Tìm đâu ra người có nhóm máu A? Tôi điện cho Dương Hoàng Vũ, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An.
Nghe tôi trình bày xong, Vũ liên lạc với CLB Hiến máu tình nguyện Trường ĐH Y khoa Vinh đề nghị được giúp đỡ. Một lát sau, nhóm sinh viên Đại học Y xuất hiện. Các tình nguyện viên vào kiểm tra ven, nhưng chỉ có một người đủ tiêu chuẩn để lấy máu.
Nguyễn Thị Cẩm Thơ, Trưởng ban vận động hiến tiểu cầu ĐH Y khoa Vinh nói: “Chọn được một người để hiến tiểu cầu, rất khó anh ạ. Ngoài việc cùng nhóm máu, người hiến tiểu cầu còn phải đảm bảo sức khỏe, ven phải nổi rõ. Có hôm cấp cứu bệnh nhân, bọn em xúm đến hiến máu, nhưng chỉ tìm được một vài người”.
Tôi gọi điện sang Trần Đức Sỹ bạn tôi ở Hà Tĩnh nhờ huy động người chi viện. “Mi ở mô?”. “Hương Sơn!”. “Tìm cho tao mấy người có nhóm máu A, về Vinh gấp!”. “Được!”.
Sỹ đáp gọn lỏn, liên lạc với khắp nơi tìm người hiến máu. Lát sau nó gọi lại, bảo: “Có thằng bạn đang làm công trình ở đây, nhóm A, nó đồng ý hiến máu nhưng không thể ra Vinh được, tao sẽ đưa nó xuống bệnh viện Hương Sơn rút máu, xong sẽ phóng xe mang túi máu về Vinh cho mày!”.
Cúp máy cái rụp, nói là làm, Sỹ chở bạn đến BV Hương Sơn lấy máu. Sực nhớ ra là phải dùng máu trực tiếp để lọc tiểu cầu, từ nơi khác mang đến không sử dụng được, tôi gọi lại cho nó. Sỹ hổn hển: “Nó lấy máu gần xong rồi! Thế à! Tao bảo nó thôi nhé! Mày gọi thằng Phi-e đi!”.
Phi-e là biệt danh của Trần Phi Hiền, bạn học của Sỹ và tôi hồi cấp một, cấp hai trường làng. Tôi gọi Phi-e, nhờ nó “cứu máu”. Nó bảo: “Mi yên tâm!”. Ba mươi phút sau Phi-e chở ba xe ô tô người, toàn thanh niên trai tráng khỏe mạnh, từ Hà Tĩnh sang. Mấy chục thanh niên huy động đến may mắn có ba người nhóm máu A. Hầu hết những người đến hiến máu cứu Trang tôi chưa hề gặp không hề quen.
Trang vẫn thoi thóp trên giường bệnh, tiểu cầu lên xuống thất thường. “Lo nhất là đêm hôm mưa gió, bệnh nó trở chứng, không gọi được người hiến tiểu cầu thì rất nguy hiểm. Chú bảo mấy người túc trực sẵn đó, lúc nào cần, anh gọi!”, BS Trâm bảo. Tôi đem chuyện này nói với Phi-e.
Một cuộc hội ý chớp nhoáng mấy anh em đến từ Hà Tĩnh đồng thanh nói: “Nếu về nhà, nửa đêm gọi lên sợ không kịp, tất cả chúng tao ở lại Vinh, cần lấy máu lúc nào thì a lô, anh em sẽ có mặt ngay lập tức. Trời mưa to mấy cũng đến ngay!”.
Tôi đặt phòng cho các đồng hương nghỉ qua đêm, thấp thỏm lo nghĩ về bệnh tình của đứa cháu gái nhưng lòng chợt ấm vì quanh tôi có những người tốt.
BS Nguyễn Hồng Hà- PGĐ Bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương trong chuyến công tác Nghệ An, Quảng Bình, nghe tin có cháu bé bị sốt xuất huyết nặng, nửa đêm ông đội mưa gió xuống BV Đa khoa Nghệ An thăm bệnh nhân.
Sau khi xem xét kỹ hồ sơ và trực tiếp khám cho Trần Thị Trang, BS Hà động viên: “Vài hôm nữa cháu sẽ khá lên!”. Quả nhiên hai ngày sau Trần Thị Trang đã có thể tự đi lại được.
Bệnh viện “thiếu máu kinh niên”
GĐ Trung tâm Huyết học và Truyền máu, PGĐ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An Nguyễn Văn Hương nói, BV luôn trong tình trạng thiếu máu để cấp cứu cho bệnh nhân, nhất là ngày hè, dịp tết Nguyên đán.
“Năm 2013, Trung ương giao chỉ tiêu phải có 14.000 đơn vị máu, chúng tôi thực hiện được gần 16.000 đơn vị, nhưng cuối năm vẫn thiếu máu trầm trọng. Đến thời điểm này kho dự trữ chỉ còn 100 đơn vị máu, trong khi từ nay đến cuối tháng 1 cần khoảng 2.500 đơn vị máu để điều trị cho người bệnh”.
Tại cuộc họp triển khai Chủ Nhật Đỏ với Tỉnh Đoàn Nghệ An cùng Hội Chữ thập đỏ do báo Tiền Phong phát động, ông Nguyễn Văn Hương nói: “Tình hình rất cấp bách, lượng máu dự trữ đã cạn, trung tâm đề nghị ban tổ chức bố trí một địa điểm hiến máu khẩn cấp nhằm cứu máu cho bệnh nhân!”.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An Dương Hoàng Vũ cho biết, trong hai năm qua, Tỉnh Đoàn đã kêu gọi được hàng vạn sinh viên hiến máu tình nguyện, cung cấp hơn 12.000 đơn vị máu cho Trung tâm Huyết học- Truyền máu Nghệ An.
Phó Chủ nhiệm CLB hiến máu tình nguyện ĐH Y khoa Vinh Nguyễn Viết Tuấn cho hay, CLB đã nhiều lần tham gia Chủ Nhật Đỏ, đóng góp trên 1.000 đơn vị máu.
“Hiện nay, bọn em đã tập hợp được 50 tuyên truyền viên, mỗi năm CLB tổ chức bốn lần tuyên truyền, vận động hiến máu. Cứ 10 sinh viên được vận động thì có khoảng 6, 7 người tham gia”.
“Với những ca bệnh nguy kịch cần cấp cứu nhóm máu hiếm hoặc tiểu cầu, không phải bệnh nhân nào cũng huy động ngay được người nhà đến để tiếp ứng. Thế nên ban vận động hiến tiểu cầu của CLB hiến máu tình nguyện ĐH Y khoa Vinh đã tập hợp, lên danh sách các tình nguyện viên, nhóm máu của từng thành viên.
Do đó, chỉ cần Trung tâm Huyết học- Truyền máu tỉnh “ới” một tiếng, lập tức sinh viên hiến máu sẽ có mặt, bất kể trong điều kiện thời tiết nào”-Trưởng ban vận động hiến tiểu cầu Nguyễn Thị Cẩm Thơ nói.
* Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An Dương Hoàng Vũ cho biết, hưởng ứng Chủ Nhật Đỏ, tại Vinh sẽ có khoảng 3.000 người tham gia hiến máu, dự kiến sẽ đóng góp 800 đơn vị máu. Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại sẽ tham dự “Lễ Hội Xuân Hồng”- Chủ Nhật Đỏ.
* Hưởng ứng chương trình Chủ Nhật Đỏ do báo Tiền Phong và Trung tâm Huyết học- Truyền máu TƯ, Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức vào ngày 12/1, Tỉnh Đoàn, Hội Chữ thập đỏ và Trung tâm Huyết học- Truyền máu Nghệ An phối hợp tổ chức “Lễ hội Xuân Hồng” hiến máu tình nguyện vào lúc 7h 30 ngày 12/1 tại Trung tâm VH-TT Nghệ An, số 45, đường Hồ Tùng Mậu, TP Vinh. UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ 91 triệu đồng triển khai Chủ Nhật Đỏ.
(Theo Tiền Phong)
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho nhân viên y tế
Thông báo số 3292/TB-BV về việc Tuyển dụng viên chức năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN