Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Kiên trì giảm quá tải bệnh viện

Kiên trì giảm quá tải bệnh viện

Kiên trì giảm quá tải bệnh viện

Giảm tải bệnh viện là vấn đề nan giải nhất của ngành y tế và ngày càng trở nên trầm trọng nếu không có những giải pháp phù hợp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quá tải, do vậy để khắc phục được tình trạng này cũng cần có nhiều yếu tố, từ nguồn lực đầu tư, trang thiết bị, con người… đến thời gian.

Người bệnh chờ tới lượt khám bệnh tại phòng khám, bệnh viện HNĐK Nghệ An.

Tình trạng quá tải, nhất là ở các bệnh viện tuyến cuối đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Thống kê cho thấy công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, Nhi… ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn ở mức hơn 130%. Tại các bệnh viện, người bệnh ngồi vạ vật ở bất kỳ chỗ nào trong khuôn viên bệnh viện, trong khu vực nội trú, thường phải nằm ghép hai, ba người/giường bệnh, hầu hết khu vực hành lang, thậm chí dưới gầm giường.

Giảm quá tải bệnh viện được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành y tế. Hàng loạt các giải pháp đang được triển khai. Một loạt cơ sở khám, chữa bệnh đã được cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng, nhờ đó tăng thêm 6% số giường bệnh so với năm trước. Ngành cũng đang tập trung các vốn đầu tư để ưu tiên hoàn thành một số bệnh viện đang quá tải như: K, Khoa Ung bướu – Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), Nội tiết T.Ư, Răng-Hàm-Mặt TP Hồ Chí Minh, Tai-Mũi-Họng T.Ư… Đặc biệt, ngành cũng đang đẩy nhanh tiến độ để chuẩn bị xây thêm năm bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối hiện đại ngang tầm khu vực tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Dự kiến sau ba đến năm năm nữa, hình ảnh các bệnh viện T.Ư tuyến cuối tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ được cải thiện đáng kể. Ngành y tế cũng đang huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng một số trung tâm khám, chữa bệnh theo yêu cầu bằng kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020, 14 bệnh viện hạt nhân (thuộc các chuyên ngành: ung bướu, tim mạch, hồi sức cấp cứu, nhi – sản, chấn thương chỉnh hình) được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển cho 45 bệnh viện vệ tinh ở 32 tỉnh, thành phố… Dự kiến, sau hai đến ba năm, 45 bệnh viện vệ tinh này sẽ tự triển khai kỹ thuật và bệnh nhân sẽ không phải chuyển lên tuyến trên. Đề án Xây dựng và Phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2012-2020 nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân. Tiếp tục thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Duy trì việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế (Đề án 1816). Từng bước đổi mới việc hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới theo hướng các bệnh viện tuyến trên tập trung chuyển giao cho tuyến dưới các gói kỹ thuật theo nhu cầu của bệnh viện tuyến dưới, phù hợp với khả năng đáp ứng của bệnh viện tuyến trên cũng như năng lực tiếp nhận của tuyến dưới. Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo).

Cùng với việc giảm tải bệnh viện, để giúp người bệnh giảm bớt phiền hà do phải chờ lâu khi đi khám, chữa bệnh, các bệnh viện cũng đang tập trung cải thiện và mở rộng phòng khám, mở thêm khoa, phòng khám bệnh, tăng thêm bác sĩ, khám sớm hơn và kết thúc muộn hơn; người bệnh có thể lấy số thứ tự, thậm chí được hẹn giờ khám qua điện thoại.

Tại khoa khám bệnh ở một số bệnh viện đã được kê thêm ghế cho người bệnh ngồi chờ; có cửa riêng cho trẻ dưới sáu tuổi và người già. Ngành y tế đã giảm bớt thủ tục từ 9 đến 12 chữ ký để thanh toán bảo hiểm xuống còn sáu chữ ký. Các xét nghiệm đều cố gắng lấy mẫu bệnh phẩm ngay tại nơi khám bệnh để người bệnh không phải đi lại nhiều… Nhờ đó, thời gian khám bệnh trung bình đã giảm 40 phút, có những nơi giảm một tiếng đồng hồ…

Một giải pháp khác là phối hợp bệnh viện công và bệnh viện tư. Hiện nay, các bệnh viện tư cũng được đầu tư khá đầy đủ về trang thiết bị, đội ngũ con người, nhưng công suất sử dụng giường bệnh mới đạt từ 40 đến 60%.

Theo các chuyên gia, nếu hợp tác giữa bệnh viện công – tư được đẩy mạnh, có thể tận dụng được cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của bệnh viện tư và phát huy nguồn nhân lực, thương hiệu của bệnh viện công.

Tuy nhiên, để làm tốt được sự kết hợp đó cần cơ chế hợp tác cụ thể, vì với cơ chế như hiện nay, sự hợp tác dễ phát sinh có nhiều vướng mắc, nhất là về bố trí nhân lực khi giờ làm việc của bác sĩ bệnh viện công (trong giờ hành chính) không thể đi làm việc ở bệnh viện tư, trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh viện tư cũng tập trung trong giờ làm việc…

Một băn khoăn khác là liệu bệnh viện công có muốn chuyển người bệnh sang bệnh viện tư không vì hiện nay hầu hết các bệnh viện công đều phải tự chủ tài chính. Hoặc nhiều người bệnh cũng không muốn chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư do sự chênh lệch giá dịch vụ hoặc chưa tin tưởng chất lượng khám, chữa bệnh tại đây…

Nhiều ý kiến cho rằng, các bệnh viện tư cần xem xét một vài lĩnh vực hoặc một vài khoa để hợp tác với bệnh viện công, đồng thời bệnh viện công cần xem bệnh viện tư như một cơ sở vệ tinh, có như vậy, các bác sĩ ở bệnh viện công có thể dịch chuyển sang bệnh viện tư làm việc trong giờ hành chính. Bên cạnh đó, cũng cần phải làm rõ vấn đề kinh tế y tế, cơ chế thu – chi tài chính, giá viện phí…

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lưu ý, bên cạnh việc đầu tư xây dựng thêm các bệnh viện mới, ngành y tế cũng cần sử dụng hiệu quả hơn nữa số giường bệnh, trang thiết bị hiện có, tránh tình trạng có những bệnh viện được đầu tư hiện đại nhưng ít người đến trong khi có bệnh viện lại quá tải nặng nề. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần xem lại cơ chế, chính sách, chấn chỉnh tình trạng quá tải “ảo”, sử dụng hiệu quả số giường bệnh ở cấp xã, huyện từ đó giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

(Theo Nhân dân)