Hình ảnh khuyết sẹo mổ lấy thai
Các mẹ bầu mang một em bé được làm từ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm trong tử cung là niềm vui, niềm hy vọng, động lực hàng ngày để chiến đấu với những trận nghén ăn không ngon, ngủ không yên, mẹ mang thai IVF còn phải nhớ và uống rất nhiều loại thuốc, khám thai với tần suất dày hơn, nhiều nguy cơ hơn trong thai kỳ. Và rồi, ngày dự sinh cũng sắp đến gần. Con yêu chờ đợi bao năm cũng sắp chào đời! Cả nhà hồi hộp quá! Nhưng làm sao bây giờ? Nên chờ chuyến dạ sinh thường hay sinh mổ đây? Đến đây rồi thật bất ngờ là các thai phụ thường không theo thầy thuốc nữa. Tự nghĩ: thôi thì mẹ chịu đau đớn thêm một tí nữa để mổ đưa con ra cho nhanh, cho an toàn cho con. Kính thưa các mẹ bầu IVF nói riêng và các thai phụ nói chung. Xin cho phép bác sĩ sản khoa được chia sẻ một vài thông tin cần thiết ạ:
- Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới , tỉ lệ sinh mổ chỉ nên giới hạn trong khoảng 10 – 15 %. Nghĩa là 100 thai phụ thì chỉ khoảng 10-15 thai phụ cần phải sinh mổ vì nhiều lí do không thể sinh thường được.
- Nghĩa là, sinh thường vẫn là tốt nhất cho mẹ và em bé cả hiện tại và tương lai lâu dài.
- Mẹ sinh mổ đau do bị rạch da thịt là chuyện không cần bàn cãi, mẹ sẽ phải mang một vết mổ đẻ đầu tiên và có thể là khởi nguồn của các vấn đề khó khăn , thậm chí ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe và sinh sản của người phụ nữ như: Thai làm tổ tại vết sẹo mổ cũ không thể giữ thai được, rau bám tại vết sẹo mổ cũ hình thành rau tiền đạo, rau cài răng lược nguy hiểm khi sinh, nguy cơ vỡ tử cung khi mang thai và chuyển dạ…
- Và đây, nếu vết sẹo mổ liền không tốt thì mẹ sẽ có một vết sẹo bị khuyết. Y học gọi là khuyết sẹo mổ đẻ. Khuyết sẹo mổ đẻ theo nghiên cứu cũng không ít đâu nha các mẹ. Tỉ lệ xoay quanh 50 % vết mổ đẻ đấy ạ. Rồi vừa mang một vết mổ lại là vết mổ bị khuyết 😔. Tất nhiên là sẽ có những nguy cơ như một người mang vết mổ đẻ. Ngoài ra còn có thể phải thêm nữa những vấn đề về phụ khoa như kinh ra kéo dài, ra dịch nâu bẩn sau khi đã sạch kinh, đau vùng chậu 2 mãn tính, và khuyết sẹo vêt mổ đẻ cũ có thể gây vô sinh thứ phát nhé.
- Đối với các mẹ đang có nhu cầu chuyển phôi lần tiếp theo thì Khuyết sẹo mổ lấy thai có thể gây khó khăn cho việc chuyển phôi và gây thất bại làm tổ. Vì vậy, các mẹ bầu mang thai khó khăn xin hãy chú ý nhé. Chúng ta đã có nhiều nguyên nhân khó có thai rồi, đừng làm tăng thêm nguyên nhân khó mang thai lần tiếp theo nữa.
- Hiện nay tại Trung tâm HTSS – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã và đang tiếp nhận các trường hợp khuyết sẹo mổ lấy thai phải can thiệp mổ sửa lại vết sẹo. Đây là phương pháp cuối cùng để hỗ trợ cho các bệnh nhân chuyển phôi lần tiếp theo và mang thai.
- Lời khuyên cho các mẹ bầu IVF của Trung tâm HTSS nói riêng và các thai phụ nói chung : Sinh thường hay sinh mổ cần theo đúng chỉ định sản khoa. Các mẹ bầu hãy để bác sĩ sản khoa hỗ trợ, giúp đỡ, làm đúng chuyên môn nhằm giúp cuộc vượt cạn an toàn cho cả mẹ và bé. Hạn chế mổ đẻ để dự phòng các nguy cơ lâu dài của vết mổ đẻ.
- Nếu có mổ đẻ thì cần thăm khám khi có các dấu hiệu bất thường như rong kinh, ra máu giữa kỳ kinh, đau vùng chậu, vô sinh thứ phát để được kiểm tra kỹ càng về vết mổ và tình trạng khuyết sẹo vết mổ để được điều trị kịp thời.
Hình ảnh khuyết sẹo mổ lấy thai