Tai biến mạch máu não xảy ra khi động mạch cung cấp Oxy và các chất dinh dưỡng cho một vùng não bị vỡ hoặc tắc đột ngột bởi cục máu đông. Hậu quả của hiện tượng này là phần não được cấp máu bởi động mạch rơi vào tình trạng thiếu oxy và tế bào não sẽ chết chỉ sau vài phút. Hãy cùng tìm hiểu các cách chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não để giúp phòng ngừa và làm giảm thiểu biến chứng cho người bệnh nhé
1.Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Khi chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng
Người bị tai biến thường do nhiều nguyên nhân, trong đó ăn uống vô độ cũng là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất. Đặc biệt ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, mỡ, nhiều protein hoặc nhiều muối. Tuy nhiên cũng có trường hợp do ăn quá ít thức ăn làm lượng mỡ, đạm, vitamin và khoáng chất trong cơ thể bị thiếu hụt cũng dẫn đến tai biến. Vì vậy để phòng và chữa bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học.
Nhu cầu dinh dưỡng các nhóm chất cơ bản cho người bệnh tai biến mạch máu não:
– Nhu cầu về đạm (protein): Cần giữ ở mức 0,8g/kg cân nặng/ngày. Nên chọn những thực phẩm chứa ít cholesterol và nhiều đạm thực vật (đậu đỗ, đậu tương, đậu phụ) và đạm động vật (cá biển, cá đồng, sữa, thịt nạc…).
– Nhu cầu về chất béo: nên giữ ở mức 25 – 30g chất béo/ngày, trong đó 1/3 là chất béo động vật và 2/3 là chất béo thực vật như vừng, lạc. Ngoài ra, các loại axit béo trong dầu thực vật còn có khả năng làm giảm nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là do cục máu đông trong lòng mạch máu não.
– Nhu cầu về vitamin và chất khoáng: Trong các loại hoa quả chín, rau củ, sữa có chứa một lượng lớn các vitamin và chất khoáng. Chúng chứa nhiều kali, có tác dụng lợi tiểu, giảm huyết áp và chống lại tình trạng toan của cơ thể. Nghiên cứu cũng cho thấy, bổ sung ít nhất 300mcg axit folic mỗi ngày sẽ làm giảm 20% nguy cơ đột quỵ và 13% nguy cơ bệnh tim so với người dùng dưới 136mcg/ngày. Axit folic có trong rau xanh, các loại đậu, gạo, mỳ và các loại quả có vị chua, …
– Nhu cầu về năng lượng: Nên giảm bớt năng lượng trong khẩu phần ăn để tránh tăng cân, giảm nhẹ hoạt động cho bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn. Mức năng lượng đưa vào cơ thể nên dừng ở 30 – 35 Kcal/ kg cân nặng/ngày. Nên ăn rau củ, khoai, đậu đỗ, cơm, mỳ, bún, miến để bổ sung đầy đủ năng lượng cho bệnh nhân bị tai biến.
Nên cho bệnh nhân ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, hấp thu và ở dạng mềm, lỏng như súp, cháo, sữa. Người chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não cần chú ý chia nhỏ bữa ăn thành 3 – 4 bữa/ngày, không nên ăn quá no. Hạn chế mức tối đa các đồ lên men, các chất gây kích thích như gia vị cay, nóng, rượu, chè, cà phê…
Do bệnh nhân không bài tiết được nhiều muối và nước vì bị tụ máu ở tĩnh mạch gây phù, chức năng thận kém nên khẩu phần ăn cần giảm muối và nước. Ngoài ra, tránh các loại thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như dưa, cà, hành muối, bánh mỳ, thịt hun khói, ba tê, xúc xích…
2.Chế độ tập luyện cho người tai biến
Khi ở viện, việc chăm sóc người bệnh tai biến là rất quan trọng. Nếu điều kiện sức khỏe cho phép, bệnh nhân nên tập luyện ngay từ những ngày đầu bị tai biến mạch máu não. Nguyên tắc tập luyện từ đơn giản đến phức tạp tùy theo mức độ hồi phục của bệnh nhân.
Chú ý đổi tư thế nằm của bệnh nhân mỗi giờ để chống loét, giúp họ làm vệ sinh răng miệng mỗi ngày 2-3 lần. Xoa bóp bắp cơ, vận động các khớp tay và chân cho bệnh nhân để máu lưu thông và giúp tránh cứng khớp, teo cơ. Tập vận động nhẹ nhưng thường xuyên để giúp hồi phục nhanh.
Sau khi xuất viện, cho bệnh nhân tai biến tập vận động tại nhà hoặc tại phòng tập vật lý trị liệu. Cố gắng cho bệnh nhân tự làm các hoạt động sinh hoạt hằng ngày với sự trợ giúp của thân nhân để có thể hồi phục sớm và sống độc lập. Có thể sửa đổi một số vật dụng trong nhà cho phù hợp với bệnh nhân, không nên làm thay hoàn toàn cho người bệnh.
Nếu bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ, ý thức, người thân cần trò chuyện, cho bệnh nhân nghe và đọc các câu chuyện trên báo chí, truyền hình…Lặp lại trong vòng 20 tuần với mức độ khó tăng dần. Khoảng 20% bệnh nhân tai biến mạch máu não bị mất tiếng nói. Trong 3 tháng đầu tiên, bệnh nhân cần được điều trị và tập luyện để khôi phục. Người nhà bệnh nhân hãy khuyến khích họ tập nói những câu từ đơn giản như đếm số, bảng chữ cái, đọc ngày tháng, sau đó tăng độ khó lên bằng cách mô tả đồ vật xung quanh hoặc tập đọc đoạn văn từ ngắn đến dài dần. Để tăng khả năng hồi phục, bệnh nhân cần luyện nói khoảng 40 – 100 giờ trong vòng 3 tháng đầu. 3. Chế độ chăm sóc sinh hoạt
Tất cả bệnh nhân tai biến cần từ bỏ các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu, ăn mặn…, cần uống thuốc đầy đủ theo toa và tái khám đúng hẹn của bác sĩ. Cần phải kiểm soát chặt chẽ các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, … để tránh tái phát bệnh và để lại hậu quả nặng nề.
Bệnh nhân cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi khoa học, tránh căng thẳng đầu óc, làm việc quá sức không tốt cho não.
Đối với người cao tuổi, cần chú ý chế độ sinh hoạt khi thời tiết thay đổi, nhất là khi trời lạnh đột ngột, phải luôn giữ ấm cơ thể, hạn chế tai biến tái phát.
Chăm sóc người bệnh tai biến là một quá trình kéo dài, kiên trì và phải có kiến thức cơ bản. Chăm sóc hiệu quả và khống chế tốt các yếu tố nguy cơ trên bệnh nhân đột quỵ vẫn là chiến lược tối ưu hiện nay, nhằm tránh đột quỵ tái phát và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân đột quỵ.
Thông báo về việc: Thời gian, địa điểm triệu tập ứng viên và thi tuyển vòng 1 Kỳ tuyển dụng viên chức năm 2024
Thông báo về việc: Chỉ tiêu tuyển dụng bác sỹ hạng I, II, III sau khi tổ chức xét tuyển
Đảng bộ Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
“Hồi sinh” cánh tay đứt rời cho nữ công nhân
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN