Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Trung tâm tim mạch: Cấy máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân có dị dạng tĩnh mạch chủ trên trái

Trung tâm tim mạch: Cấy máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân có dị dạng tĩnh mạch chủ trên trái

Ngày 20/04/2023, Trung tâm tim mạch – bệnh viện HNĐK Nghệ An đã tiếp nhận bệnh nhân nữ, 73 tuổi cư trú tại thị xã Thái Hoà, tỉnh Nghệ An, nhập viện vì đau đầu, chóng mặt, có 2 cơn ngất xỉu.

Ekip tham gia thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân

 

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, khoảng 2 tháng, bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt, choáng, ngất xỉu, nhịp tim khoảng 50 chu kỳ/phút; đi khám được chẩn đoán rối loạn nhịp chậm. Bệnh nhân được nhập viện điều trị tại Trung tâm tim mạch với chẩn đoán hội chứng suy nút xoang.

Sau khi thống nhất ý kiến điều trị và giải thích tình trạng bệnh cho gia đình bệnh nhân, êkíp can thiệp nhịp đã tiến hành cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân. Trong quá trình tạo đường vào điện cực qua đường tĩnh mạch dưới đòn trái, bệnh nhân được phát hiện có dị dạng bẩm sinh tồn tại tĩnh mạch chủ trên trái đổ vào xoang tĩnh mạch vành. Theo quy trình cấy máy tạo nhịp thường quy, điện cực máy tạo nhịp sẽ được đưa qua tĩnh mạch dưới đòn, xuống tĩnh mạch chủ trên phải sau đó xuống nhĩ phải, qua van ba lá và cấy vào bè cơ thất thất phải. Do bất thường giải phẫu của tĩnh mạch chủ trên nên kíp can thiệp đã tiến hành cấy điện cực thất phải qua xoang tĩnh mạch vành từ đường tĩnh mạch chủ trên trái. Sau can thiệp 1 tuần, bệnh nhân không đau ngực, đỡ chóng mặt, vị trí máy tạo nhịp khô, liền vết mổ, lâm sàng ổn định, ra viện uống thuốc theo đơn.

                A: Dị dạng tĩnh mạch chủ trên trái  (dây điện cực đưa qua tĩnh mạch chủ trên trái xuống xoang tĩnh                            mạch vành)            

B: Không có bất thường tĩnh mạch chủ trên trái (dây điện cực đưa qua tĩnh mạch chủ trên phải xuống qua van ba lá)

Tĩnh mạch chủ trên bên trái gặp ở 0,3% – 0,5% dân số và khoảng 4,5 – 6% bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh. Những bệnh nhân trải qua cấy máy trợ tim, máy phá rung gặp 0,47% trường hợp có tĩnh mạch chủ trên bên trái. Theo khuyến cáo của hội tim mạch châu Âu (2021), bệnh nhân có rối loạn nhịp tim chậm do suy nút xoang kèm theo triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, choáng, ngất có liên quan với rối loạn nhịp chậm thì có chỉ định cấy máy tạo nhịp tim. Các nghiên cứu đã cho thấy cấy máy tạo nhịp tim trên bệnh nhân có hội chứng suy nút xoang đã làm giảm đáng kể tỷ lệ cơn ngất xỉu và suy tim trong thời gian theo dõi.

 Nghiên cứu của Dương Tuấn Khôi (2017) cho thấy bất thường tồn tại tĩnh mạch chủ trên trái gặp ở 6% bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh nhập viện. 90% bệnh nhân có tĩnh mạch chủ trên trái dẫn lưu về xoang tĩnh mạch vành, 90% trường hợp 2 tĩnh mạch chủ trên không có tĩnh mạch vô danh trái bắc cầu nối. Những biến thể tĩnh mạch chủ trên bên trái đổ vào nhĩ trái có thể gây ra những thay đổi huyết động lớn, đi kèm các rối loạn nhịp tim, nguy cơ tắc mạch nghịch thường. Bất thường tĩnh mạch chủ trên bên trái, đặc biệt là thể không có tĩnh mạch chủ trên bên phải dù rất hiếm gặp, gây ra nhiều khó khăn, tai biến khi tiến hành các thủ thuật xâm nhập (đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt máy tạo nhịp…).

Theo TS.BS Phạm Hồng Phương – Giám đốc Trung tâm tim mạch cho biết: “Từ năm 2017, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia tim mạch bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Tim Hà Nội, kỹ thuật cấy máy tạo nhịp đã từng bước được chuyển giao và áp dụng điều trị nhiều bệnh nhân có rối loạn nhịp chậm, hội chứng suy nút xoang, block nhĩ thất điều trị tại BV HNĐK Nghệ An. Trung bình, khoảng 120 bệnh nhân được chỉ định cấy máy tạo nhịp tim mỗi năm, bệnh nhân lớn tuổi nhất là 102 tuổi, tỉ lệ gặp biến chứng trong và sau quá trình can thiệp thấp. Ngoài kỹ thuật cấy máy tạo nhịp điều trị các rối loạn nhịp chậm, Trung tâm tim  mạch còn áp dụng các kỹ thuật can thiệp điều trị triệt đốt các rối loạn nhịp tim nhanh, ngoại tâm thu thất và áp dụng kỹ thuật thăm dò điện sinh lý tim phát hiện các rối loạn nhịp di truyền, dự phòng đột tử do tim.”

Một số triệu chứng lâm sàng gợi ý bệnh lý liên quan đến rối loạn nhịp tim bao gồm: cơn choáng, ngất xỉu, cơn hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim không đều, nhịp tim chậm (< 60 chu kỳ/phút) hoặc nhịp tim nhanh (> 100 chu kỳ/phút khi nghỉ ngơi); dấu hiệu suy tim (khó thở, đau ngực), mệt mỏi khi gắng sức, tiền sử có người thân đột tử do nguyên nhân tim mạch. Nếu có những dấu hiệu bất thường trên, bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.