Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị ” Viêm gân nhị đầu vai”

Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị ” Viêm gân nhị đầu vai”

 ThS.BS. Nguyễn Thị Hằng Nga

Khoa Cơ Xương Khớp – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Viêm gân cơ nhị đầu nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời sẽ để lại biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến vận động của người bệnh, thậm chí có thể dẫn đến teo cơ và cứng khớp.

  1. Cấu tạo của cơ nhị đầu

Cơ nhị đầu cánh tay là một trong ba cơ ở khoang cánh tay trước, cùng với cơ cánh tay và cơ quạ – cánh tay. Cả hai đầu của cơ có nguyên ủy nằm trên xương vai, hòa vào nhau để tạo thành một bụng cơ duy nhất tận cùng ở cẳng tay. Cơ nhị đầu đi qua vai và khớp khuỷu, giúp vận động khuỷu tay: co cẳng tay và xoay trong cẳng tay.

Cơ nhị đầu cánh tay hoạt động dựa trên ba khớp. Chức năng quan trọng nhất là xoay ngoài cẳng tay và gập khuỷu tay. Bên cạnh đó, đầu dài cơ nhị đầu cánh tay ngăn cản xương cánh tay dịch chuyển lên trên. Gân nhị đầu đóng vai trò quan trọng giúp giữ vững khớp vai, ngăn cản sự trật lên trên của chỏm xương cánh tay.

  1. Viêm gân cơ nhị đầu là gì?

Viêm gân cơ nhị đầu (biceps tendinitis) là tình trạng viêm ở đầu dài của gân cơ nhị đầu và là nguyên nhân phổ biến gây đau vai.

Gân của đầu dài của cơ nhị đầu đi qua một rãnh ở mặt trước của vai. Nếu gân chịu lực vượt quá giới hạn cho phép, có thể bị chấn thương dẫn đến viêm, làm giãn rộng gân. Vì nó ở trong một không gian nhỏ, sau đó nó có thể bị viêm thêm khi cọ xát vào các đường viền của rãnh hai mắt, khiến nó lớn hơn và viêm nhiều hơn tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Gân của cơ nhị đầu (bao gồm cả đầu dài và đầu ngắn) rất dễ bị viêm. Đầu ngắn gân cơ nhị đầu bị viêm do sự cọ xát phần thấp nhất của gân cơ nhị đầu với cung cùng quạ. Sự khởi phát của viêm gân nhị đầu vai nói chung là cấp tính, xảy ra khi gặp các vi chấn thương hoặc sau trật khớp vai, chẳng hạn như cố gắng để khởi động một cái máy cắt cỏ, cố luyện tập giao bóng qua đầu trong môn quần vợt, hoặc thực hiện một cú phát bóng quá mạnh trong môn golf hay động tác tập tạ để cải thiên bắp tay trước…

Đau vai là tình trạng thường gặp nhất của các chấn thương hoặc vấn đề về cơ xương ở vai

  1. Nguyên nhân gây viêm gân nhị đầu vai

Khi tuổi càng lớn, gân trong cơ thể chúng ta dần yếu đi do hao mòn theo thời gian. Tình trạng thoái hóa này có thể trở nên tồi tệ hơn khi các chuyển động vai lặp đi lặp lại hàng ngày. Trong y học gọi là các vi chấn thương lạp đi lặp lại…

Viêm gân nhị đầu thường gặp ở những người chơi thể thao, đặc biệt là những môn thể thao cử động quay tay qua đầu nhiều như: bơi lội, tennis, cầu lông, bóng ném, bóng rổ…; những người lao động, thường xuyên khuân vác nặng… Bạn có thể xem thêm các bài viết chấn thương trong tập luyện thể thao để hiểu rõ hơn.

  1. Dấu hiệu và triệu chứng viêm cơ nhị đầu vai

Các triệu chứng viêm cơ nhị đầu thường gặp gồm:

  • Triệu chứng thường gặp là đau liên tục, dữ dội, khu trú ở vùng phía trước vai bên trên rãnh nhị đầu, cảm giác mắc kẹt, cứng khớp vai và có thể đi kèm với cơn đau.
  • Có thể xuất hiện rối loạn giấc ngủ.
  • Giảm biên độ vận động vai, khó khăn khi làm các động tác đơn giản hằng ngày như chải tóc, cài áo ngực, với tay qua đầu…

Bệnh lý này nếu không điều trị đúng phương pháp có thể làm giảm dần hoặc mất chức năng vận động của vai. Nghiêm trọng hơn, viêm gân nhị đầu có thể gây biến chứng nguy hiểm như: teo cơ, biến dạng khớp, dính khớp, thậm chí bại liệt nếu ở giai đoạn cuối của bệnh mà người bệnh vẫn không được điều trị phù hợp. Hoặc một số trường hợp có thể đứt gân nhị đầu gây giảm vận động gấp khuỷu hoặc mất gấp khuỷu.

Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng kể trên, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán chính xác tình trạng và có phương án điều trị phù hợp.

  1. Chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm gân nhị đầu vai cần dựa vào khám lâm sàng và cả những kiểm tra cận lâm sàng cần thiết.

5.1. Triệu chứng lâm sàng

  • Triệu chứng thường gặp là đau ê ẩm thường xuyên nếu kèm theo tình trạng viêm của gân.
  • Cơn đau lan xuống vùng cánh tay hoặc cẳng tay, đôi khi cảm giác đau khá mơ hồ, không rõ rang.
  • Hạn chế vận động, bệnh nhân không thể thực hiện được những động tác mong muốn do đau hoặc lực yếu không thể thực hiện động tác.
  • Ngoài ra có phương pháp kiểm tra để khám đánh giá tổn thương gân nhị đầu rất đặc hiệu đó là speed test: Bệnh nhân đứng với cánh tay đưa ra trước 90 độ, khuỷu gấp nhẹ. Người khám tác động 1 lực đẩy xuống dưới ở giữa cẳng tay, nếu bệnh nhân không kháng lại được lực đẩy này chứng tỏ có tổn thương gân nhị đầu cánh tay.

5.2. Cận lâm sàng

  • Siêu âm cơ: siêu âm khớp vai là biện pháp hữu hiệu nhất để chẩn đoán và đánh giá tình trạng tổn thương của gân và túi hoạt dịch gân. Đây còn là cách theo dõi tiến triển của tổn thương và hiệu quả điều trị. Lượng dịch trong bao gân nhiều chứng tỏ có tình trạng viêm gân.

        Siêu âm chẩn đoán viêm gân nhị đầu vai

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): cho phép đánh giá tình trạng gân và bao hoạt dịch gân một cách chính xác. Đánh giá cụ thể lượng dịch viêm, từ đó đánh giá được mức độ viêm nặng hay nhẹ. 
  1. Điều trị viêm gân nhị đầu vai

Hiện nay, có nhiều hướng điều trị viêm cơ nhị đầu, tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, sau khi thăm khám, tùy theo tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp khác nhau.

    6.1. Điều trị không phẫu thuật bao gồm:

  • Sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm:

+ Giảm đau: thuốc giảm đau thông thường acetaminophen (paracetamol)

+ Chống viêm: thuốc chống viêm không steroid, corticoid

+ Tiêm corticoid tại chỗ (vào bao gân): áp dụng cho thể viêm quanh khớp vai thể thông thường, thể đau vai cấp tính. Thuốc tiêm tại chỗ thường tiêm 1 lần duy nhất; sau 3-6 tháng có thể tiêm nhắc lại nếu bệnh nhân đau trở lại.

  • Kết hợp với các biện pháp như:

+ Nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động gây ra các cơn đau ở vai;

+ Chườm lạnh khoảng 20 phút/lần, vài lần mỗi ngày để giảm sưng (Lưu ý: Không chườm đá trực tiếp lên da để tránh tình trạng bỏng lạnh. Tốt nhất nên bọc đá trong một lớp vải hoặc khăn sạch)

+Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu nhằm kéo căng và tăng cường sức mạnh cho vai.

– Riêng với trường hợp rách hoặc đứt cơ nhị đầu, chỉ định điều trị bao gồm nghỉ ngơi hoàn toàn và mang đai treo tay khoảng 1 tuần, sau đó tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ

  6.2. Điều trị phẫu thuật:

Phẫu thuật đặt ra khi điều trị bảo tồn thất bại, người bệnh còn đau vai, hạn chế vận động. Hoặc trong nhiều trường hợp viêm gân nặng đến muộn có thể đứt gân nhị đầu thì chỉ định phẫu thuật được đặt ra sớm hơn.

Các phương pháp phẫu thuật có thể phẫu thuật mở hoặc nội soi. Với sự phát triển của kỹ thuật nội soi thì các trường hợp viêm gân nhị đầu nặng hoàn toàn có thể can thiệp bằng phẫu thuật nội soi, trong nội soi có thể xử trí kèm theo các tổn thương phối hợp khác. Mổ mở được đặt ra khi gân nhị đầu bị đứt hoàn toàn, mổ mở để tạo hình điểm bám gân nhị đầu nhằm phục hồi 1 phần của động tác gấp khuỷu.

   6.3. Phục hồi chức năng:

Liệu trình phục hồi chức năng với các bài tập chuyên biệt cho vùng vai giúp rút ngắn thời gian hồi phục. Bạn có thể đeo đai trong vài tuần để cố định vai, hạn chế cử động để chấn thương mau lành.

Bên cạnh đó, bệnh nhân hạn chế một số hoạt động nhất định để gân tổn thương lành lại. Điều quan trọng là phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ sau khi phẫu thuật để tránh xảy ra những thương tổn khác.

  1. Dự phòng viêm gân nhị đầu vai

Bên cạnh việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm triệu chứng viêm gân nhị đàu vai, mọi người cần vận động và tập luyện đúng cách, phòng chấn thương như:  

  • Giãn cơ, khởi động trước khi vận động, tập thể dục.
  • Nghỉ giải lao khi thực hiện hoạt động hoặc vận động liên tục.
  • Tăng cường sức dẻo dai của cơ vai.
  • Duy trì phạm vi chuyển động thích hợp của vai.
  • Tránh hút thuốc lá.
  • Không mang vác nặng quá sức, để hạn chế tình trạng gây áp lực quá lớn lên đôi vai.

Để đặt lịch khám và tìm hiều thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Địa chỉ: Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.

Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082

(Thời gian đặt hẹn: 7h – 19h thứ 2 đến thứ 6; và 7h – 12h thứ 7 hàng tuần, áp dụng cho bệnh nhân khám viện phí và theo yêu cầu)

Số điện thoại khoa Cơ Xương Khớp: 0385384657

Website: https://bvnghean.vn