Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Hướng dẫn phát hiện, xử trí và ngăn ngừa phản vệ do vắc xin phòng Covid-19

Hướng dẫn phát hiện, xử trí và ngăn ngừa phản vệ do vắc xin phòng Covid-19

Ths.BSCKII Trần Nhật Thành

Khoa dị ứng miễn dịch lâm sàng –

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Vắc xin phòng COVID-19 và các biến thể của nó là một biện pháp can thiệp quan trọng mang tính toàn cầu để kiểm soát tình hình đại dịch hiện nay. Phần lớn tác dụng ngoại ý sau khi tiêm chủng các vắc xin này gây ra do đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin, các phản ứng phản vệ là tương đối hiếm gặp, mặc dù tỷ lệ có thể cao hơn so với các vắc xin khác.

Theo những dữ liệu ban đầu được báo cáo tại Hoa Kỳ, tỷ lệ phản vệ liên quan với 2 loại vắc-xin COVID-19 được sử dụng ở quốc gia này là khoảng 1:200.000 và 1:360.000 liều. Cho đến nay, phản vệ liên quan đến các vắc xin phòng COVID-19 còn chưa được nghiên cứu đầy đủ trong các thử nghiệm lâm sàng do có tỷ lệ mắc rất thấp và hầu hết các thử nghiệm đã loại trừ những người có tiền sử dị ứng.

1. Tác nhân gây phản vệ với vắc xin phòng Covid-19

 Các phản ứng dị ứng với vắc xin nói chung và vắc xin phòng COVID-19 nói riêng thường không phải do thành phần chính có hoạt tính kích thích miễn dịch, mà do các chất phụ gia, tá dược, chất bảo quản hoặc các thành phần kháng sinh và protein tồn dư trong quá trình sản xuất vắc xin. Riêng với vắc xin phòng COVID-19, tác nhân chính gây ra phản ứng phản vệ được cho là các chất phụ gia thuộc nhóm polyethylene glycols (PEG) như PEG2000 hoặc polysorbate 80. Đây đều là những chất phụ gia đã được sử dụng trong nhiều loại thuốc, mỹ phẩm và các đồ gia dụng khác nhau với nguy cơ gây dị ứng khá thấp.

2.Phát hiện sớm phản vệ sau tiêm vắc xin Covid -19

  Phản vệ cần được điều trị sớm nhất có thể, do đó, việc chẩn đoán phải nhanh chóng và chủ yếu nên dựa trên nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của phản vệ như:

 + Hô hấp: Cảm giác bóp chặt họng, khó nuốt, nói khó, khàn giọng, khó thở hoặc thở khò khè, ho, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi + Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng

  + Tim mạch: Chóng mặt, ngất xỉu, nhịp tim nhanh bất thường, tụt huyết áp, mạch nhanh nhỏ khó bắt, tím tái, xanh nhợt.

 + Da, niêm mạc: nổi mày đay, ban đỏ lan tỏa; ngứa; xung huyết kết mạc hoặc sưng nề mắt, môi, lưỡi, thanh quản…

 + Thần kinh: hoảng hốt, lo lắng, kích thích, co giật, tiểu không tự chủ

  – Các triệu chứng phản vệ liên quan đến vắc xin phòng COVID-19 thường xảy ra trong vòng 15-30 phút sau tiêm, đôi khi có thể mất một vài giờ.

– Các dấu hiệu ban đầu không dự báo được mức độ và sự tiến triển sau đó của phản ứng phản vệ.

 – Phản vệ có thể xảy ra với một số ít triệu chứng và có thể không biểu hiện ở da, niêm mạc.

 – Trong các trường hợp tiền sử dị ứng và triệu chứng phản vệ không rõ ràng, nếu điều kiện cho phép cần thực hiện xét nghiệm định lượng men tryptase máu để xác định chẩn đoán phản vệ, đặc biệt là ở người lớn. Mẫu máu xét nghiệm nên được lấy trong khoảng 1/2–2 giờ sau khi xảy ra phản ứng và một mẫu được lấy trong giai đoạn hồi phục (ít nhất 24 giờ sau khi hết triệu chứng).

3.Xử trí phản vệ tại điểm tiêm chủng phòng Covid – 19

  – Xử trí phản vệ liên quan đến vắc xin phòng COVID-19 tương tự như với phản vệ do các nguyên nhân khác, được thực hiện theo Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ của Bộ Y tế được ban hành kèm theo Thông tư 51/2017/TT-BYT (Sơ đồ 1).

  – Adrenalin là thuốc quan trọng hàng đầu trong điều trị cấp cứu phản vệ, giúp cứu tính mạng người bệnh. Không có chống chỉ định tuyệt đối với adrenalin do tính chất cấp tính, đe dọa tính mạng của phản vệ.

   – Adrenalin cần được sử dụng sớm ngay khi có dấu hiệu tiến triển nặng của phản vệ.

   – Thuốc kháng histamine và thuốc giãn phế quản không điều trị được tình trạng tắc nghẽn đường thở hoặc tụt huyết áp nên không thay thế được adrenalin. Tuy nhiên, sử dụng các thuốc này có thể giúp giảm ban đỏ và ngứa (thuốc kháng histamine) hoặc tình trạng khó thở (thuốc giãn phế quản), nhưng phải được dùng sau adrenalin.

 – Khi điều trị phản vệ liên quan đến vắc xin phòng COVID-19 có chứa chất phụ gia PEG, cần lưu ý một số loại thuốc (như các thuốc kháng histamine đường uống) cũng có thể có chứa PEG. Cần kiểm tra thông tin cụ thể trước khi sử dụng.

                                                              Sơ đồ 1: Phác đồ xử trí cấp cứu phản vệ

4.Các biện pháp ngăn ngừa phản vệ do vắc xin phòng Covid – 19

 Phản vệ sau tiêm phòng vắc xin là dạng tai biến không thể dự báo trước nên không thể hoàn toàn dự phòng được. Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện của các tai biến này, cần thực hiện tốt một số biện pháp dưới đây:

 – Tuân thủ chặt chẽ các chỉ định và chống chỉ định đối với vắc xin phòng COVID19.

 – Khai thác kỹ tiền sử dị ứng trước khi chỉ định tiêm. Việc khai thác tiền sử dị ứng cần được thực hiện đầy đủ theo Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ của Bộ Y tế được ban hành kèm theo Thông tư 51/2017/TT-BYT.

 – Thận trọng đặc biệt khi chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở những đối tượng có nguy cơ cao:

 + Những người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào hoặc phản vệ vô căn

  + Tiền sử dị ứng tức thì với nhiều loại dị nguyên, đặc biệt là dị ứng thuốc và dị ứng vắc xin

  + Bệnh lý tế bào mast

 + Hội chứng quá mẫn với aspirin và thuốc chống viêm giảm đau không steroid (tam điểm aspirin)

  – Các trường hợp nghi ngờ có phản ứng dị ứng với một loại vắc xin phòng COVID-19 mà không có vắc xin thay thế thích hợp, cần hội chẩn với chuyên khoa dị ứng để đánh giá nguy cơ phản vệ trước khi chỉ định tiêm.

 – Tránh tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều thứ 2 cho người đã bị phản vệ ở lần tiêm thứ nhất vì phản vệ ở lần tiếp xúc thứ 2 có thể nặng hơn lần đầu. Trong trường hợp bắt buộc phải tiêm, không được dùng lại loại vắc-xin đã gây phản vệ cũng như vắc-xin có chất phụ gia tương tự. Ví dụ, những người bị phản vệ với vắc-xin có chứa chất phụ gia PEG chỉ được xem xét sử dụng các vắc xin trong thành phần không chứa chất này (nếu không có chống chỉ định). Trước khi tiêm cần hội chẩn với chuyên khoa dị ứng để đánh giá nguy cơ phản vệ.

– Đảm bảo tuân thủ thời gian theo dõi sau tiêm: + Tất cả các trường hợp tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần được theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút sau tiêm.

 + Những người có tiền sử ở bất kỳ mức độ nào do mọi nguyên nhân, đặc biệt là với vắc-xin, sinh phẩm hoặc các thuốc tiêm truyền cần được theo dõi tại chỗ ít nhất 60 phút sau tiêm.

 – Không khuyến cáo điều trị dự phòng thuốc kháng histamine H1 trước khi tiêm phòng vắc xin COVID-19 vì các thuốc này không ngăn ngừa phản vệ và việc sử dụng dự phòng có thể che lấp các triệu chứng ở da và niêm mạc, điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong chẩn đoán và xử trí phản vệ.

 Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Địa chỉ: Km5, xã Nghi Phú, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An.

Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082

Thời gian đặt hẹn: 8h – 16h thứ 2 đến thứ 6  hàng tuần

Số điện thoại Khoa dị ứng miễn dịch lâm sàng: 0889.772.939

Website: https://bvnghean.vn