Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > Rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình

Bs. Nguyễn Thị Hằng

Khoa Nội A Lão khoa – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

1. Dấu hiệu nhận biết

– Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai hai bên. Tiền đình có vai trò cân bằng cơ thể, duy trì trạng thái thăng bằng ở các tư thế, trong hoạt động, phối hợp các bộ phận cử động như mắt, tay, chân, thân mình…Rối loạn tiền đình là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do dây thần kinh số VII hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương hay các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não. Điều này khiến cho tiền đình mất khả năng giữ thăng bằng, cơ thể loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, quay cuồng, ù tai, buồn nôn… Những triệu chứng này lặp đi lặp lại nhiều lần, xuất hiện đột ngột khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và khả năng lao động của người bệnh.

– Có 2 loại rối loạn tiền đình:

+ Rối loạn  tiền đình ngoại vi: Do tổn thương hệ tiền đình ngay tại vùng tai trong. Triệu chứng thường rầm rộ bệnh nhân chóng mặt và mất thăng bằng nhiều kèm theo ù tai giảm thính lực, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Đa số mọi người hay mắc nhóm bệnh này.

+ Rối loạn  tiền đình trung ương: Do các tổn thương nhân tiền đình ở thân não, tiểu não. Nhóm bệnh này ít gặp, triệu chứng tiền đình không rầm rộ, không  giảm thính lực và có thể có kèm theo các triệu chứng thần kinh khu trú.

2. Nguyên nhân, điều kiện thuận lợi 

Rối loạn cơ quan tiền đình ngoại biên do các nguyên nhân: 

– Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm thần kinh tiền đình, viêm tiền đình, bệnh Ménière (rối loạn tai trong), viêm mê nhĩ, rò ngoại dịch, u dây thần kinh 8, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp; Rối loạn chuyển hóa bao gồm: suy giáp, tiểu đường, tăng ure huyết…

– Nguyên nhân gây ra hội chứng tiền đình trung ương thường gặp nhất là migraine, nhiễm trùng não, xuất huyết não, nhồi máu não, chấn thương, u não, xơ cứng rải rác.

– Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây rối loạn tiền đình bao gồm: 

+ Tuổi tác: Như chúng ta thường biết, người cao tuổi bị rối loạn tiền đình chiếm tỷ lệ khá cao, do con người đến độ tuổi bắt đầu bị lão hóa cơ thể, một số cơ quan bị suy giảm chức năng. Một nghiên cứu gần đây về dịch tễ học ở Mỹ ước tính 35% người từ 40 tuổi trở lên đã trải qua một số cơn rối loạn tiền đình. Những người từ 65 tuổi trở lên thường bị chóng mặt, trong đó chóng mặt do rối loạn ở hệ thống tiền đình chiếm khoảng 50%.+ Mất máu quá nhiều: những người bị mất máu do chấn thương, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, phụ nữ sau sinh… là đối tượng có nguy cơ rối loạn tiền đình cao.

+ Căng thẳng.

+ Dùng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia…

3. Hướng điều trị 

– Điều trị bao gồm: điều trị nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình, điều trị triệu chứng chóng mặt và nôn, điều trị phục hồi chức năng tiền đình.

– Phục hồi chức năng: Các bài tập rèn luyện não bộ, kích thích sự vận động, nhạy bén của hệ thống tiền đình có hiệu quả rất lớn trong phục hồi chức năng cho bộ phần đầu, cơ thể, thị giác.

– Tập luyện thể thao: Tập luyện ở mức độ phù hợp với tình trạng sức khỏe sẽ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe, và hỗ trợ phục hồi hệ thống tiền đình một cách nhanh chóng.

– Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Đây được coi là “chìa khóa vàng” trong việc cải thiện sức khỏe đáng kể cho người bệnh và hạn chế các triệu chứng.

4. Dự phòng tái khám

 Rối loạn chức năng tiền đình là căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng tránh bằng những cách đơn giản sau:

– Luyện tập thể dục đều đặn hợp lý.

– Giảm lo âu căng thẳng.

– Tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô.

– Uống đủ nước mỗi ngày.

– Hạn chế sử dụng chất kích thích.

– Cần thận trọng khi hoạt động vùng đầu cổ: không nên quay cổ đột ngột, thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống quá nhanh.

– Khi có dấu hiệu bệnh nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán điều trị kịp thời.

🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN

🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới

🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An

🌎Website: www.bvnghean.vn

🌍Facebook: /bvhndknghean

☎️☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222,

☎️Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6