Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Điều trị bệnh Nhồi máu cơ tim

Điều trị bệnh Nhồi máu cơ tim

Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An 

Nhồi máu cơ tim là nguyên nhân tử vong trong bệnh lý tim mạch. Việc phát hiện sớm tình trạng này có thể giúp người bệnh được can thiệp điều trị sớm, từ đó giảm nguy cơ tử vong và những biến chứng nghiêm trọng.

 Tim cũng như các mô trong cơ thể của chúng ta, cần được cung cấp máu và dinh dưỡng liên tục. Tim được cung cấp oxy nhờ hệ thống động mạch vành, động mạch vành được chia thành hai nhánh lớn cung cấp oxy cho cơ tim bên phải và trái. Nếu như một trong các động mạch lớn hay các nhánh mạch vành nhỏ bị tắc đột ngột thì một phần cơ tim do mạch máu đó nuôi dưỡng sẽ bị thiếu máu nuôi và kéo dài lâu thì sẽ dẫn tới hoại tử cơ tim và tình trạng này gọi là nhồi máu cơ tim. Hiện tượng nhồi máu cơ tim là một tình huống cấp cứu nội khoa cần can thiệp điều trị, vì thời gian càng để lâu thì cơ tim bị hoại tử càng nhiều và không có khả năng phục hồi, người bệnh có thể tử vong hoặc có những biến chứng nặng.

1. Nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp:

   Nhồi máu cơ tim cấp có khả năng xuất hiện cao hơn ở các đối tượng sau:

  – Người cao tuổi, nam trên 50 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh.

  – Người có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn.

  – Rối loạn mỡ máu di truyền.

  – Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.

  – Trong gia đình có người thân trực hệ (cha, mẹ, anh chị em ruột) bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ não sớm trước 55 tuổi (đối với nam) và trước 65 tuổi (đối với nữ).

  – Có bệnh lý miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hệ thống, vẩy nến, xơ cứng bì…

  – Sử dụng chất kích thích: cocaine, amphetamine làm co thắt động mạch vành.

2. Các triệu chứng của bệnh lý bệnh nhân nhận biết được.

     Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng các dấu hiệu như:

    – Cơn đau thắt ngực thường gặp trong hội chứng động mạch vành cấp. Người bệnh có cảm giác đau tức, đè nặng, xoắn vặn trong lồng ngực, sau xương ức hoặc ngực trái, mức độ nặng, xảy ra khi ngồi nghỉ, kéo dài trên 15 phút, đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Trong cơn đau có kèm mệt, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, hốt hoảng hoặc ngất xỉu, đau không giảm khi ngậm hay xịt thuốc nitrate. 

   –  Một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường có thể không có triệu chứng đau ngực, nhưng có triệu chứng tương đương là khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc tụt huyết áp < 90/60 mmHg.

      Không phải ai cũng có các triệu chứng giống nhau. Một số người đau nhẹ, một số người đau nặng, một số khác xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột.

3. Chẩn đoán Nhồi máu cơ tim:

     Nhồi máu cơ tim thường được chẩn đoán trong trường hợp khẩn cấp. Trước hết, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử của người bệnh. Tiếp đó sẽ đo huyết áp, mạch và nhiệt độ; đồng thời thực hiện các kiểm tra sức khỏe tim tổng thể.

      Các xét nghiệm để chẩn đoán nhồi máu cơ tim bao gồm:

  –  Điện tâm đồ (ECG): cận lâm sàng đầu tiên được thực hiện để chẩn đoán nhồi máu cơ tim, bằng cách ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Các điện cực được gắn vào ngực cánh tay và chân. Tín hiệu có dạng sóng được in lại trên giấy hoặc hiển thị trên màn hình. Điện tâm đồ nhồi máu cơ tim có thể cho biết người bệnh đang bị hoặc có tiền sử mắc bệnh trong quá khứ.

  –  Xét nghiệm máu: Một số protein tim tăng cao trong máu sau khi tim bị tổn thương do nhồi máu cơ tim, gọi là men tim (troponin). Xét nghiệm máu có thể kiểm tra các protein này (chất chỉ điểm tổn thương hoại tử cơ tim).

 –  Chụp X-quang lồng ngực: Cho biết tình trạng, kích thước của tim và phổi, các nguyên nhân khác gây đau ngực.

 –  Siêu âm tim: đánh giá sự di chuyển của dòng máu và van tim, chức năng co bóp của cơ tim. Siêu âm tim có thể giúp xác định xem một vùng tim có bị tổn thương hay không.

  – Chụp mạch vành: Một ống dài, mỏng (ống thông) được đưa vào động mạch, thường là ở tay và dẫn đến tim. Thuốc cản quang được bơm qua ống thông để giúp hình ảnh các động mạch hiển thị rõ ràng hơn trong quá trình kiểm tra.

4. Điều trị tái lưu thông động mạch vành bị tắc nghẽn cấp cứu

      Các phương pháp điều trị tái lưu thông mạch vành bị tắc nghẽn trong nhồi máu cơ tim cấp gồm:

   – Thuốc tiêu sợi huyết (streptokinase, rt-PA): Sử dụng khi bệnh nhân đến bệnh viện sớm và bệnh viện không có phòng can thiệp mạch vành.

   – Chụp mạch vành, nong đặt stent.

   – Mổ bắc cầu động mạch vành.

5. Điều trị lâu dài sau nhồi máu cơ tim cấp

     Bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim cần được điều trị và chăm sóc lâu dài để tránh tái phát và biến chứng về sau.

Thay đổi lối sống là điều cần làm xuyên suốt quá trình điều trị:

 – Tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu dư cân hoặc béo phì;

 – Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, nước ngọt;

 – Không nên ăn mặn, giảm ăn thịt mỡ, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào.

 – Nên ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt.

 –  Ăn cá hoặc thịt gà thay cho thịt heo, thịt bò.

 – Tránh căng thẳng, luyện tập thư giãn.

Người bệnh cần uống thuốc và tái khám thường xuyên:

  – Các thuốc điều trị thiết yếu: Thuốc ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể angiotensin 2, chẹn bêta, chống kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel, ticagrelor, prasugrel) và statin. 

  – Bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim cần uống 2 loại thuốc chống kết tập tiểu cầu tối thiểu trong vòng 1 năm. Sau đó, duy trì ít nhất 1 loại thuốc chống kết tập tiểu cầu lâu dài.

  – Bệnh nhân sau phẫu thuật bắc cầu hoặc đặt stent mạch vành cần uống thuốc chống kết tập tiểu cầu lâu dài để phòng ngừa huyết khối trong stent hoặc tái hẹp mạch vành.

  – Điều trị tích cực các bệnh đi kèm như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…

6. Tình hình điều trị tại bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An

   – Đối với các trường hợp Nhồi máu cơ tim khi được tiếp nhận tại bệnh viện thì luôn được ưu tiên xử lý sớm nhất có thể, các bác sỹ luôn cố gắng tiếp cận và điều trị với các phương pháp tối ưu nhất.

   – Đội ngũ bác sĩ tại bệnh viện đã được đào tạo chuyên sâu về chuyên Tim mạch và Hồi sức cấp cứu có đầy đủ kiến thức, tay nghề và kinh nghiệm để xử lý bệnh lý.

Để đặt lịch khám và tìm hiều thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An – Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.

Số điện thoại đặt lịch khám :1900.8082 hoặc 0866.234.222 , Thời gian đặt lịch hẹn từ 7h – 19h từ thứ 2 đến thứ 6 

Website: https://bvnghean.vn