Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Phương pháp đánh cảm

Phương pháp đánh cảm

Đánh cảm là một phương pháp chữa bệnh đã được thực hiện trong dân gian từ rất lâu đời, là một phương pháp rẻ tiền và dễ thực hiện.

Đánh cảm thường được áp dụng đối với các trường hợp cảm mạo. Theo Đông y, nguyên nhân gây nên cảm mạo thường do hai yếu tố: Một là, chính khí (sức đề kháng) của cơ thể bị giảm sút; Hai là, các tà khí (mầm bệnh) như phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa xâm nhập cơ thể, trong đó vai trò của chính khí là hết sức quan trọng. Tùy vào từng loại tà khí xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra các loại cảm khác nhau như cảm lạnh, cảm gió, cảm nắng,…

Đánh cảm có tác dụng hành khí hoạt huyết, đánh đuổi tà khí, từ đó giúp giảm các triệu chứng khó chịu do cảm mạo gây ra, xua tan mệt mỏi trong cơ thể. Tuy nhiên, đánh cảm chỉ có thể áp dụng đối với các trường hợp cảm lạnh mà thôi, vì đánh cảm sử dụng nhiệt nóng, nếu áp dụng đối với các trường hợp cảm nắng, cảm phong nhiệt khi nhiệt độ cơ thể đang cao sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng lên, dễ gây nguy hiểm tính mạng.

Không khó để phân biệt cảm phong hàn và cảm phong nhiệt. Người bị cảm phong hàn thông thường có triệu chứng đau đầu, chảy nước mũi trong, ớn rét. Người bị cảm phong nhiệt thường có biểu hiện đau họng, miệng khô, sốt nóng, ra mồ hôi, ho có đờm, miệng khô, khát, nước tiểu vàng,… Ngoài ra, đánh cảm cũng không được thực hiện đối với các trường hợp người có bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, máu khó đông, phụ nữ mang thai, trẻ em, cơ thể suy kiệt hay mắc các bệnh da liễu.

Hai phương pháp đánh cảm thường áp dụng:

  1. Đánh cảm bằng trứng gà và đồng bạc:

Thành phần:

  • Trứng gà 4-5 quả.
  • Dây chuyền bạc hoặc đồng tiền bạc nguyên chất.

Cách làm:

Luộc chín trứng gà rồi bóc vỏ, bổ đôi, bỏ lòng đỏ, nhét đồng bạc nguyên chất vào giữa rồi bọc bằng khăn xô dày (để không bị xước da).

Thao tác đánh gió:

  • Vuốt từ đỉnh đầu xuống cả người phía trước, gồm: mặt mũi, ngực, bả vai, cánh tay bên trong bên ngoài, lòng và mu bàn tay, các ngón tay, bụng, bắp vế, lòng và mu bàn chân, các ngón chân.
  • Cuối cùng, vuốt các vùng cơ thể phía sau, gồm: đầu, gáy, lưng, mông, lòng bàn chân và các ngón chân.
  • Vuốt tới khi nào trứng nguội hẳn mới thay quả trứng và đồng bạc khác.
  1. Đánh cảm bằng cám rang lá cúc tần hoặc ngải cứu:

Thành phần:

  • Cám gạo.
  • Lá cúc tần hoặc ngải cứu.

Cách đánh gió bằng lá cúc tần/ ngải cứu

  • Bỏ cám vào chảo, rang nóng.
  • Cho lá cúc tần hoặc ngải cứu vào rang cùng cám.
  • Khi lá bắt đầu săn và bốc mùi thơm dùng vải màn hoặc khăn mùi xoa sạch túm chỗ lá vừa rang lại để đánh cảm.

Thao tác đánh gió:

Đánh nhanh tay từ đỉnh đầu xuống, sau đó đánh ở mặt, ngực, bụng, mông, chân, tay, ….sau đó kết thúc đánh ở lòng bàn tay, bàn chân.

Nếu thấy gói cám và lá ngải cứu nguội thì đổ ra rang tiếp cho ấm lên rồi tiếp tục đánh.

  1. Những lưu ý khi đánh cảm
  • Đánh cảm từ trên xuống dưới
  • Không đánh vào giữa sống lưng
  • Duy trì nhiệt độ vừa đủ làm nóng các loại lá, trứng…  trong khi đánh cảm.
  • Khi đánh cảm chọn nơi kín gió,  để người bệnh nằm ngay ngắn, tĩnh tâm, toàn thân thư giãn.
  • Sau khi đánh cảm: người bệnh cần mặc đồ kín, ấm, nghỉ ngơi, tránh ra gió, uống nước ấm, có thể đắp một tấm chăn mỏng để cơ thể toát mồ hôi.