Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Mật ong và lợi ích với sức khỏe

Mật ong và lợi ích với sức khỏe

Mật ong là chất ngọt được tạo thành từ những tinh chất tự nhiên mà ong mật thu thập được từ phấn hoa. Theo quy định của Hội đồng Ong mật Quốc gia Mỹ và nhiều quy định về thực phẩm quốc tế khác quy định rằng “mật ong là một sản phẩm thuần khiết không cho phép thêm bất kỳ chất gì vào… bao gồm nhưng không giới hạn trong, nước và các chất ngọt khác”.

Quy trình lấy mật ong

Mật ong phân bố khá rộng rãi ở một số địa phương như Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh…. Ngoài việc khai thác mật hay sáp ong tự nhiên, nhiều công ty được thành lập nuôi ong để lấy mật theo quy mô công nghiệp. 

Mật ong được tạo ra quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa xuân, hạ. Sang thu đông mật vừa ít lại vừa ảnh hưởng tới đời sống của con ong vì phải để ong có thức ăn qua mùa rét lạnh không có hoa. Hàng năm Việt Nam thường lấy mật vào tháng 3, 6 đôi khi vào cả tháng 9.

Ong thợ sử dụng vòi để hút mật hoa từ các loại hoa. Mật hoa được đưa vào dạ dày mật để các enzyme thực hiện chuyển hóa từ mật hoa sang mật ong (loài ong có hai loại dạ dày: dạ dày mật sử dụng khi làm mật và dạ dày thường để chuyển hóa thức ăn). Sau khi về đến tổ ong thợ sẽ chuyển lượng mật hoa đang ở trong dạ dày mật sang cho ong thợ khác để tiếp tục thực hiện quá trình chuyển hóa thành mật ong. Mỗi ong thợ thực hiện việc chuyển hóa này trong khoảng 30 phút.

Sau khi mật hoa được chuyển hóa hoàn toàn thành mật ong, ong thợ sẽ nhả mật ong vào tổ rồi dùng cánh để quạt bay hơi nước có trong mật cho đến khi mật ong đạt đến độ bão hòa (tỷ lệ nước ~17%) thì sẽ thực hiện niêm phong tổ lại, hoàn tất quá trình làm mật. Mật trong sáp ong sau đó được người nông dân thu hoạch bằng cách quay ly tâm.

Ong mật là loài ong làm mật nhiều hơn lượng mật mà nó cần dùng đến trong mùa đông. Khi nguồn thực phẩm cho ong bị thiếu, người nuôi ong có thể bổ sung dinh dưỡng cho ong bằng cách cho ong ăn lại phấn hoa hoặc đường.

Đặc điểm của mật ong:

Mật ong là một chất lỏng sền sệt, có màu sắc thay đổi từ trong và không màu (như nước) đến màu hổ phách sẫm hoặc màu đen. Mật ong tự nhiên có màu sắc đậm dần theo thời gian, hiện tượng này gọi là “caramel hóa” và không ảnh hưởng đến chất lượng, màu sắc thường bị ảnh hưởng bởi nguồn gốc, độ tuổi của loài cây ong hút mật và điều kiện bảo quản.

Mật ong thường dễ kết tinh ở nhiệt độ từ 6-20 độ C. Điều này không ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe.

Dù mật ong có đặc tính kháng khuẩn, vẫn có khả năng hỏng trong trường hợp bị nhiễm bẩn, nhiễm độc nếu ong thu mật từ những loài cây độc hại hay bảo quản không đúng cách. Trong trường hợp được bảo quản tốt, mật ong có thể sử dụng vô hạn. Tuy vậy, nên ăn sản phẩm trong một năm (hoặc cùng lắm hai năm) để hưởng trọn tinh túy.

Thành phần của mật ong:

Mật ong có chứa thành phần chủ yếu là đường, cũng như là các hỗn hợp các axit amin, vitamin, các khoáng chất thiết yếu, sắt, kẽm và đặc biệt là rất giàu chất chống oxy hóa.

  • Đường: Đường trong mật ong chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 95–99% chất khô của mật ong nguyên chất. Thành phần Carbohydrate chính của mật ong là đường Fructose (32,56-38,2%) và đường Glucose (28,54-31,3%), ngoài ra còn một số loại đường khác.
  • Nước: Nước chiếm tỷ lệ phần trăm lớn thứ 2 trong mật ong.
  • Axit hữu cơ: Thông thường trong mật ong nguyên chất thì các axit hữu cơ sẽ chiếm khoảng 0,57%. Các axit hữu cơ là nguyên nhân chủ yếu tạo nên độ chua của mật ong và góp phần quan trọng vào hương vị đặc trưng của mật ong.
  • Hợp chất khoáng: Hàm lượng của các các hợp chất khoáng trong mật ong nguyên chất thường dao động ở mức từ 0,1% đến 1,0%. Kali là kim loại chính và tiếp theo là đến Canxi, Natri, Magiê, Lưu Huỳnh và Phốt pho.
  • Chất chống oxy hóa: Trong mật ong có nhiều chất chống oxy hóa, là những hợp chất giúp chống lại các gốc tự do gây bệnh, do đó làm giảm các nguy cơ tổn thương tế bào oxy hóa.

Cách bảo quản: bảo quản mật ong trong nhiệt độ phòng từ 21 đến 30 độ C, không có ánh sáng trực tiếp, không đựng mật ong trong lọ kim loại. Sau khi dùng cần đậy kín và lau sạch mật vương vãi quanh nắp và thân chai.

Mật ong trong y học cổ truyền:

Mật ong còn được gọi là bách hoa tinh, bách hoa cao hay phong mật. Có vị ngọt, tính bình, quy kinh tâm, phế, vị, đại trường. Mật ong có tác dụng nhuận trường, giải độc, chỉ thống, chỉ khái. Mật ong thường được sử dụng để chữa các chứng táo bón, ho khan do phế âm hư, đau dạ dày, dùng ngoài để chữa mụn nhọt, lở loét, bỏng, bôi chữa tưa lưỡi trẻ em…

Một số cách dùng mật ong để chữa các chứng bệnh thường gặp trong đời sống hàng ngày:

  • Chữa ho khan, ho có đờm lâu ngày: mật ong không giúp cơn ho biến mất hoàn toàn, nhưng có thể làm dịu và giảm ho hiệu quả. Để làm dịu bớt cơn ho với mật ong bạn chỉ cần pha 1 cốc nước ấm cùng với 1 thìa mật ong nguyên chất và thêm vào 1 lát chanh để uống sẽ giúp tiêu đờm nhanh chóng. Bạn cũng có thể thái 1 quả chanh thành lát mỏng cho vào trong cốc, đổ mật ong cho ngập rồi thêm 1 thìa cà phê rượu trắng, uống rải rác nhiều lần trong ngày, mỗi lần uống một thìa nhỏ.
  • Chữa đau dạ dày: pha 2 thìa cà phê mật ong nguyên chất vào ly nước ấm, dùng thìa khuấy đều rồi uống hết. Uống nước mật ong ấm sẽ giúp bạn làm giảm nhanh chóng các cơn đau dạ dày mà hoàn toàn không gây các tác dụng phụ như các loại thuốc giảm đau theo tây y. Để đạt được hiệu quả tốt nhất thì bạn nên uống vào buổi sáng sớm khi mới thức dậy và trước khi chuẩn bị đi ngủ. Ngoài ra, mật ong uống theo cách này còn có tác dụng chữa táo bón.
  • Cảm lạnh: pha một cốc nước chanh bằng nước ấm, không cho đường, cho thêm 2 thìa mật ong rồi uống. Có thể cho thêm bột gừng hoặc gừng tươi đập dập để tăng tác dụng.
  • Chữa nhiệt miệng bằng mật ong nguyên chất: Đầu tiên, bạn hãy trộn mật ong với bột nghệ theo tỉ lệ 1:2 và dùng muỗng khuấy đều. Chấm hỗn hợp này lên vùng da có vết loét và để nguyên trong vòng khoảng 2-3 phút. Cuối cùng, bạn hãy súc miệng lại bằng nước sạch. Thực hiện 3 lần trong ngày.
  • Trị mụn bằng mật ong: rửa mặt thật sạch, sau đó xoa đều mật ong lên vùng da mặt rồi massage nhẹ nhàng. Thư giãn 30 phút rồi rửa lại bằng nước sạch. Ngoài ra, để gia tăng tác dụng trị mụn, bạn cũng có thể phối hợp mật ong với nghệ, trà xanh hay cà chua, làm thành mặt nạ để đắp lên mặt.

Những lưu ý khi dùng mật ong: dù an toàn, nhưng mật ong không được dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi do hệ tiêu hóa còn non nớt, không xử lí được các bào tử vi khuẩn trong mật ong, dễ gây ngộ độc. Lạm dụng mật ong quá mức cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo nam giới nên tiêu thụ 36 gram trong một ngày. Còn phụ nữ và trẻ trên một tuổi dùng khoảng 24 gram.