Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > Đứt dây chằng cổ chân: Tổn thương nặng nhưng thường bị bỏ qua

Đứt dây chằng cổ chân: Tổn thương nặng nhưng thường bị bỏ qua

Trong các chấn thương ở cổ chân, nếu không gãy xương thì đa số trường hợp sẽ có tổn thương dây chằng. Khi bị giãn hoặc đứt dây chằng cổ chân, người bệnh cần cố định tư thế cổ chân trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nhiều người thường xem nhẹ vấn đề này, hậu quả dẫn đến tình trạng mất vững khớp cổ chân, yếu khớp kéo dài. Nếu xử trí và điều trị đúng cách sẽ tránh được các biến chứng trên.

 

Tổn thương dây chằng cổ chân khá phổ biến

Tổn thương dây chằng cổ chân có thể gặp ở các trường hợp chấn thương gây “lật trong” hoặc “lật ngoài” cổ chân. Các chấn thương này sẽ có nguy cơ gây tổn thương các dây chằng vùng cổ chân như: dây chằng sên-mác, dây chằng Delta,… Ngoài ra, có thể gây ra tình trạng vỡ xương sên, mắt cá trong,… trong các trường hợp chấn thương mạnh. Nếu để đứt dây chằng cổ chân tái diễn có thể dẫn đến mất vững khớp cổ chân, ảnh hưởng và gây ra thêm những tổn thương khác như thoái hóa khớp, áp xe…

Các triệu chứng thường gặp khi chấn thương dây chằng cổ chân?

Để chẩn đoán được tổn thương dây chằng cổ chân, bệnh nhân tốt nhất nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được thăm khám và đưa ra hướng điều trị tốt nhất. Tuy nhiên, các triệu chứng của chấn thương dây chằng cổ chân có thể gặp bao gồm:

  • Đau nhói ở vị trí cổ chân, đau mắt cá chân hoặc đau cả gót chân. Một số người cảm thấy đau ít, chỉ có cảm giác đau thốn nhẹ nên họ thường ít chú ý đến tổn thương. Những trường hợp khác có thể đau nhức khó chịu nên đã uống thuốc kháng viêm, giảm đau dài ngày nhưng vẫn không hết hẳn.
  • Sưng phù nề, bầm tím do vùng cổ chân có rất nhiều tĩnh mạch bị ứ trệ máu trở về tim. Sưng có thể kéo dài nhiều tuần sau chấn thương.
  • Cảm giác lỏng cổ chân, cổ chân yếu, không vững, có khi đang đi cổ chân lật hẳn về một phía, khi di chuyển sẽ thấy không chân thật, đi khập khiễng, khó thực hiện các thao tác mạnh và nhanh.

Đừng chủ quan tự chườm hoặc đắp lá

Không ít người có thói quen đắp thuốc nam tự chế, bó lá để trị bong gân cổ chân. Đáng lo ngại là những loại lá cây không rõ nguồn gốc, mang tính chất dân gian, truyền miệng, chưa có cơ sở khoa học kiểm chứng. Hậu quả là bệnh không hết mà còn phát sinh thêm nhiều biến chứng: viêm mô bào, nhiễm trùng lan rộng vào trong khớp hoặc các mô lành xung quanh, nhiễm khuẩn huyết,…

Cách xử trí ban đầu

  • Nghỉ ngơi ngay sau khi bị chấn thương, hạn chế cử động chân tối đa.
  • Chườm lạnh, chườm đá tại vị trí sưng nề. Thời gian chườm khoảng 15 – 20 phút, chườm 3 – 4 lần/ngày. Không được chườm trực tiếp nước đá lên da trần vì nó có thể gây bỏng lạnh.
  • Hướng dẫn cách chườm lạnh bằng khăn: Làm ướt khăn với nước lạnh, vắt nước thừa, đặt khăn trong một túi nilon kín miệng và cho vào tủ lạnh khoảng 15 phút, sau đó lấy ra chườm lên cổ chân.
  • Hướng dẫn cách chườm lạnh bằng đá: Đặt các viên nước đá vào một cái túi nhựa kín miệng, quấn khăn sạch quanh túi nước đá, chườm lên vùng bị tổn thương. Ngoài ra, người bệnh có thể mua dụng cụ chườm lạnh tại các hiệu thuốc.
  • Nằm kê cao chân để quá trình lưu thông máu diễn ra dễ dàng, giảm sưng nề sau chấn thương

Trong trường hợp khớp cổ chân sưng nề nhiều, ảnh hưởng đến vận động, người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay để chẩn đoán chính xác mức độ tổn thương và có phương pháp điều trị kịp thời.

Điều trị bằng can thiệp phẫu thuật

  • Chỉ định điều trị phẫu thuật sẽ được bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình đưa ra sau khi thăm khám và đánh giá các chỉ số Chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân.
  • Phương pháp: Hiện nay, tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, bệnh nhân mất vững khớp cổ chân có chỉ định điều trị phẫu thuật đã và đang được điều trị thường quy bằng kỹ thuật tái tạo dây chằng tự thân.
  • Bệnh nhân sẽ được gây tê để không đau trong quá trình phẫu thuật.
  • Bác sĩ sẽ sử dụng một hoặc một vài gân của chính bệnh nhân (các gân này thường là các gân “phụ”, ít ảnh hưởng đến chức năng của người bệnh trong trường hợp lấy bỏ). Sau đó, sẽ tiến hành khoan đường hầm và tái tạo dây chằng tổn thương của bệnh nhân. Từ đó, các dây chằng “mới” này sẽ thay thế chức năng, nhiệm vụ của dây chằng tổn thương, giúp bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống, công việc.

Tuy nhiên, kỹ thuật thực hiện cần phải có các trợ cụ và phẫu thuật viên cần có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình nên hiện chưa được áp dụng quá rộng rãi ở nhiều nơi trong nước. Chính vì vậy, khi người bệnh có các triệu chứng chấn thương vùng cổ chân, hãy liên hệ đặt lịch khám tại website chính thức của bệnh viện: http://bvnghean.vn hoặc liên hệ tổng đài đặt khám: 1900 8082 hoặc 0866.234.222 để được khám và điều trị với hiệu quả và chất lượng tối đa.