Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TÀI LIỆU > Nghiên cứu khoa học > Điều dưỡng với kết quả nghiên cứu khoa học trong chăm sóc người bệnh trước phẫu thuật thay van tim nhân tạo

Điều dưỡng với kết quả nghiên cứu khoa học trong chăm sóc người bệnh trước phẫu thuật thay van tim nhân tạo

Trong những năm gần đây tỷ lệ cũng như số lượng bệnh nhân mắc bệnh tim mạch ở nước ta đang có xu hướng tăng nhanh. Trong đó các bệnh van tim do thấp vẫn được coi là bệnh tim hay gặp của các nước đang phát triển. Hơn 40 triệu người đang sống chung với bệnh van hai lá hoặc van động mạch chủ trên toàn thế giới và hơn 180.000 ca phẫu thuật thay van tim được thực hiện mỗi năm ở Mỹ. Điều trị ngoại khoa các bệnh lý van tim tại nước ta chủ yếu là thay van tim nhân tạo và chỉ có rất ít sửa van. Cùng với những tiến bộ mới trong phẫu thuật tim mạch giúp cho các phương pháp sửa van được phong phú và đạt được những kết quả thuyết phục, góp phần làm giảm biến chứng cũng như tỷ lệ tử vong sau mổ. Tuy nhiên, thay van tim nhân tạo vẫn chiếm tỷ lệ cao do bệnh nhân thường đến muộn, tổn thương đa van và điều kiện cũng như trình độ phẫu thuật ở các trung tâm phẫu thuật không giống nhau.

Các van tim nhân tạo đã có rất nhiều cải tiến trong thời gian gần đây giúp người bệnh có được kết quả lâu dài tốt hơn sau khi được thay van tim. Các nghiên cứu gần đây cho thấy van tim sinh học đã có những cải thiện về tuổi thọ. Vì vậy tại Việt Nam đa số các trung tâm tim mạch dựa vào tình trạng của bệnh nhân để đưa ra lựa chọn việc sửa van, thay van sinh học hay van cơ học.

Tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An phẫu thuật tim hở được triển khai từ năm 2017, thành công của một ca phẫu thuật không chỉ phụ thuộc vào nhân viên  y tế mà còn phụ thuộc vào bệnh nhân và gia đình. Nếu bệnh nhân và gia đình không hợp tác thì cũng không làm được hoặc kết quả không như mong muốn. Vì thế cần chuẩn bị cho bệnh nhân kiến thức và tâm lý thật tốt. Một bệnh  nhân có kiến thức, thái độ và hành vi tốt sẽ góp phần giúp cho ca mổ diễn ra thành công, rút ngắn thời gian điều trị. Chính việc này đòi hỏi phải cung cấp cho bệnh nhân những kiến thức cần có để người bệnh có thái độ, hành vi đúng đắn phù hợp với kiến thức mà bản thân đã có và cùng với việc chăm sóc của nhân viên y tế tạo ra thành công cho ca mổ. Do đó, vấn đề kiến thức- thái độ- hành vi của bệnh nhân trước phẫu thuật thay van tim là rất quan trọng.

Nghiên cứu dựa trên KAP (kiến thức- thái độ- hành vi) là một mô hình nghiên cứu nhấn mạnh đến sự thay đổi về kiến thức, thái độ và hành vi của con người về một vấn đề cụ thể nào đó trong đời sống xã hội. Mô hình này được sử dụng rộng rãi trên thế giới gần nửa thế kỷ qua chủ yếu ở các lĩnh vực y tế công cộng, kế hoạch hóa gia đình, giáo dục, tâm lý học, xã hội học, công tác xã hội…

KAP cho chúng ta biết nhận thức của con người, cảm nhận của con người và hành vi của con người về một vấn đề nghiên cứu.

KAP tập trung vào kiến thức nhằm vào xem xét cách hiểu của người tham gia nghiên cứu về chính vấn đề nghiên cứu.

KAP tập trung vào thái độ để xem xét những cảm xúc của người tham gia nghiên cứu cũng như những ý kiến của họ liên quan đến vấn đề nghiên cứu.

KAP tập trung đến hành vi như là cách đề cập đến cách thức mà chính người tham gia nghiên cứu thể hiện hành vi của mình trong mối quan hệ với nhận thức và thái độ của họ về vấn đề nghiên cứu.

Quá trình nhập viện và chuẩn bị cho phẫu thuật là một chuỗi các hoạt động đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa bác sỹ, điều dưỡng, gia đình người bệnh và bản thân bệnh nhân nhằm tạo những tiền đề thuận lợi nhất để bệnh nhân tiến hành phẫu thuật. Một nghiên cứu của Hus, Berven tại khoa chấn thương chỉnh hình của đại học California cho thấy một quy trình chuẩn bị phẫu thuật tốt trước phẫu thuật đã cho thấy tỷ lệ bệnh nhân gặp biến chứng sau mổ đã giảm đáng kể, đồng thời với nó là thời gian điều trị tại viện và những chi phí bệnh nhân phải trả cũng giảm đi . Chính vì vậy cần đánh giá kiến thức, thái độ, hành vi của bệnh nhân trước mổ để cung cấp cho họ những thông tin còn thiếu, đảm bảo cho công tác chuẩn bị trước mổ đảm bảo thành công.

Qua thời gian nghiên cứu chúng tôi có kết quả như sau và mang lại kiến thức và sự hài lòng cho người bệnh mang lại hiệu quả trong công tác điều trị và chăm sóc

  • Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 53. Độ tuổi trẻ nhất là 16, cao tuổi nhất là 75. Nhóm tuổi từ 31-60 chiếm ưu thế với 62,9% trường hợp.
  • Tần số nữ giới/nam giới trong nghiên cứu lần lượt là 55,7/44,3%.
  • Tỷ lệ bệnh nhân thành phố ~2/1 so với nông thôn. Trình độ học vấn từ tiểu học –THPT chiếm tỷ lệ cao nhất (52,8%), nghề nghiệp tri thức ở 44,3% trường hợp.
  • 21,4% bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật, thời gian phát hiện bệnh chủ yếu trong khoảng từ 1-5 năm, chỉ có 5 trường hợp phát hiện <1 năm. Có 22,8% bệnh nhân có người thân từng có tiền sử can thiệp-PT tim mạch, đa số là đặt stent mạch vành.
  • Câu hỏi kiến thức số 11,12,13,14 có tỷ lệ bệnh nhân trả lời đúng rất cao (>90%). Trong khi đó các 7,8 có tỷ lệ trả lời đúng ở mức thấp nhất (<50%). Các câu hỏi về bệnh tật và van tim có tỷ lệ trả lời đúng khá tốt (1,2,5; tỷ lệ trả lời đúng >80%).
  • Bệnh nhân có cảm xúc lo lắng, căng thẳng, sợ hãi chiếm tỷ lệ khá cao trong nhóm nghiên cứu. Tuy vậy, mức độ yên tâm, hài lòng về sự thành công cuộc phẫu thuật cũng như tư vấn, hướng dẫn của NVYT trước phẫu thuật vẫn đạt mức cao.
  • Đa số bệnh nhân có điểm thực hành ở mức tích cực, biết quan tâm chuẩn bị trước phẫu thuật, cai chất kích thích. Tuy vậy điểm về hoạt động ăn ngủ vẫn ở mức trung bình.
  • Điểm KAP trung bình của nhóm nghiên cứu là 59,8. Mức KAP trung bình (26-51) chiếm tỷ lệ cao nhất (64,3%).