Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Viêm gan tự miễn

Viêm gan tự miễn

Bệnh viêm gan tự miễn (Auto Immune Hepatitis – AIH) là một thuật ngữ để chỉ bệnh viêm gan mà bệnh căn không do nhiễm trùng, đặc trưng bởi tình trạng thâm nhiễm tế bào viêm mạn tính và các đặc điểm tự miễn dịch ( sự xuất hiện của các kháng thể tự miễn). Bệnh viêm gan tự miễn có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có xu hướng ảnh hưởng tới phụ nữ nhiều hơn nam giới – tỷ lệ phổ biến ở nữ gấp 4 lần so với nam. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh viêm gan tự miễn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Viêm gan tự miễn có thể kết hợp với một hoặc nhiều các bệnh tự miễn khác như viêm tuyến giáp tự miễn, viêm khớp dạng thấp, viêm loét đại tràng chảy máu,xơ cứng bì, viêm mạch, hồng ban nút, tiểu đường tuýp 1 hoặc hội chứng Sjogren (còn gọi là bệnh tự miễn Sjogren – một rối loạn tự miễn dịch liên quan tới các tuyến ngoại tiết của cơ thể). Những người có tiền sử mắc bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus như sởi, herpes simplex, epstein- barr virus hoặc liên quan tới virus viêm gan A,B,C có nguy cơ khởi phát viêm gan tự miễn cao hơn bình thường.

1. Triệu chứng viêm gan tự miễn

Các triệu chứng viêm gan tự miễn diễn biến từ nhẹ tới nặng. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể không cảm thấy bất cứ thay đổi sức khỏe nào. Khi gan bắt đầu tổn thương nặng hơn, các triệu chứng sẽ dần xuất hiện:

  • Mệt mỏi, uể oải, chán ăn
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Vàng da vàng mắt
  • Đầy ách, khó chịu vùng bụng, đau vị trí gan
  • Bị viêm hoặc kích ứng da, ngứa da
  • Đau nhức xương khớp
  • Nước tiểu vàng sẫm
  • Tiêu chảy
  • Chướng bụng, tụ dịch trong bụng
  • Các vấn đề về não gan: kém tập trung, lơ mơ, giảm ý thức..

2. Chẩn đoán bệnh viêm gan tự miễn

Việc chẩn đoán viêm gan tự miễn cần được xem xét trên nhiều yếu tố từ tiền sử bệnh gia đình, các triệu chứng lâm sàng cũng như thực hiện các xét nghiệm máu hoặc sinh thiết gan.

  • Xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan: AST, ALT, GGT, ALP, Bilirubin toàn phần, Bilirubin trực tiếp, gamaglobulin IgG
  • Xét nghiệm miễn dịch định lượng tự kháng thể: anti ANA, anti ds DNA, SMA, LC1, LKM1, SLA
  • Xét nghiệm loại trừ viêm gan virus: HbsAg, HCV Ab, HEV IgM, HAV IgM
  • Siêu âm ổ bụng đánh giá nhu mô gan
  • Chụp cộng hưởng từ dựng hình đường mật để phân biệt với viêm đường mật nguyên phát và viêm xơ đường mật nguyên phát
  • Sinh thiết gan để chẩn đoán mức độ viêm và hoại tử gan

3. Viêm gan tự miễn có nguy hiểm không ?

Nếu không điều trị viêm gan tự miễn có thể gây ra một số vấn đề nguy hiểm; trong đó phổ biến hàng đầu là xơ gan. Các biến chứng xơ gan kéo theo có thể bao gồm:

  • Giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày: có nguy cơ gây chảy máu trong thực quản hoặc dạ dày gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh
  • Cổ chướng: dịch tích tụ trong ổ bụng gây khó chịu và cản trở hô hấp, thường là dấu hiệu xơ gan giai đoạn cuối
  • Suy gan: tế bào gan bị tổn thương nặng không thể phục hồi
  • Ung thư gan: các khối u ác tính phá hủy và cản trở khả năng hoạt động của gan

4. Chỉ định điều trị viêm gan tự miễn

5. Phương pháp điều trị viêm gan tự miễn

  • Là một bệnh lý tự miễn, viêm gan tự miễn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Nguyên tắc điều trị là sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển và hủy hoại tế bào gan, với mục tiêu là sự thuyên giảm các triệu chứng lâm sàng và sự bình thường hóa các xét nghiệm nồng độ AST, ALT, Bilirubin, IgG huyết thanh cùng sự bình thường hoặc viêm tối thiểu trên mô gan sinh thiết.
  • Các thuốc ức chế miễn dịch được lựa chọn đầu tiên bao gồm corticoid và azathioprin với liều lượng giảm dần tùy đáp ứng điều trị của bệnh nhân. Nếu người bệnh không dung nạp Azathioprine, một số loại thuốc khác có thể được dùng thay thế như Cyclosporine, mycophenolat mofetil ,sirolimus và tacrolimus. Các thuốc này hầu hết đều có tác dụng phụ. Với corticoid là: loãng xương, rụng tóc, tăng cân, hội chứng cushing, đái tháo đường, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, bất ổn cảm xúc. Với azathioprin là giảm các dòng tế bào máu, buồn nôn, nôn ói, nổi ban da.
  • Bệnh nhân viêm gan tự miễn nên duy trì thuốc ức chế miễn dịch ít nhất 2 năm sau khi bình thường hóa các xét nghiệm men gan huyết thanh. Tiêu chuẩn ngừng điều trị cần được cân nhắc chặt chẽ vì nguy cơ tái phát bệnh cao ( tỉ lệ tái phát khoảng 50% sau 6 tháng sau ngừng điều trị). Những bệnh nhân đã có tái phát sau thời gian ngừng thuốc thì nên được duy trì điều trị ức chế miễn dịch lâu dài.

Ghép gan là phương án điều trị viêm gan tự miễn được chỉ định trong trường hợp người bệnh bị xơ gan hoặc suy gan. Việc ghép gan có thể thực hiện nhờ vào sự hiến tặng từ người còn sống – lúc này người bệnh chỉ nhận một phần gan khỏe mạnh để gan có thể tiếp tục tái tạo tế bào mới. Tuy ghép gan là cách điều trị tối ưu nhưng viêm gan tự miễn vẫn có nguy cơ tái phát ngay cả khi ghép tạng thành công.

Ghép gan được cân nhắc trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân có triệu chứng cổ chướng hoặc hội chứng não gan
  • Ung thư biểu mô tế bào gan
  • Điểm MELD > 15
  • Hoại tử đa tiểu thùy và có ít nhất một thông số xét nghiệm không bình thường trong vòng 2 tuần điều trị
  • Thất bại khi điều trị bằng liệu pháp glucocorticoid

6. Phòng ngừa viêm gan tự miễn ra sao

Cho tới nay vẫn chưa có cách nào phòng ngừa viêm gan tự miễn. Việc tốt nhất chúng ta có thể làm là tăng cường sức khỏe thông qua chế độ sinh hoạt, ăn uống nghỉ ngơi lành mạnh. Ngoài ra cần khám sức khỏe định kỳ cũng như không bỏ qua bất cứ biểu hiện bất thường nào để có thể phát hiện và điều trị sớm nếu mắc bệnh.