Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Rắn độc cắn – Nhận biết, sơ cấp cứu và cách phòng tránh

Rắn độc cắn – Nhận biết, sơ cấp cứu và cách phòng tránh

Ngày bé, vì là con trai hiếm muộn trong gia đình nên được họ hàng và làng xóm rất quý. Một lần nghịch chơi, bị một con rắn cắn vào chân, vậy là biết bao người quây quanh xử lý, bàn tán, …đắp lá này, lá kia, cho uống nước lá đủ loại mà tôi chỉ nhớ nhất là bát nước lá duối rất to của bà nội mang đến. Tôi chỉ thấy hơi ngứa ở vết cắn, sau đó mọi người lùng sục bắt được con rắn dưới hố thì đó chỉ là con rắn nước (dân Bắc gọi là con nùng nục), thế là mọi người giải tán.

Cách đây vài ngày, một người bạn facebook đăng tin tìm cách chữa người nhà bị rắn độc cắn, chỉ vài giờ thôi mà có mấy trăm hướng dẫn, có cái đúng, có cái sai nguy hiểm. Nếu không may bị rắn cắn thì sơ cứu vết thương là vô cùng quan trọng, vì vậy hãy tìm hiểu cách sơ cứu vết rắn cắn để bảo vệ bản thân tốt. Trong tự nhiên có nhiều loại rắn, có những loại rắn mang nọc độc rất nguy hiểm. Nếu sơ ý bị rắn cắn, bạn không nên chủ quan vì nếu là loài rắn độc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, mỗi người hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết!

I. Rắn cắn

– Trong số khoảng 3000 loài rắn trên khắp thế giới, chỉ có khoảng 15% là rắn độc.

– Nọc độc của rắn là một phức hợp phức tạp, chủ yếu là các protein, có hoạt tính enzym. Chúng được phân loại gồm: độc tố thần kinh (neurotoxin); độc tố tan máu (hemotoxin); độc tố tim mạch (cardiotoxin); độc tố trên cơ (myotoxin).

– Tại Mỹ, hàng năm có khoảng 45.000 bn rắn cắn, trong đó 7000 đến 8000 là do rắn độc, do hỗ trợ y tế đúng nên chỉ chết khoảng 5 người. Nhưng trên thế giới, Tổ chức y tế ước tính rắn cắn chết người phổ biến hơn, từ 100 nghìn đến 130 nghìn mỗi năm.

Vậy làm thế nào để nhận biết khi bị rắn độc cắn? Đó là phải quan sát vết rắn cắn. Khi bị rắn cắn, bạn hãy thử quan sát vết cắn để nhận biết mình có bị rắn độc cắn hay không.

 

  Quan sát vết rắn cắn để nhận biết (Nguồn Intenet)

Rắn độc: Rắn độc là một loại rắn rất nguy hiểm, thường có hai răng độc lớn. Khi rắn cắn, răng sẽ đồng thời truyền độc vào vùng da của nạn nhân và để lại vết răng đặc trưng. Người bị rắn độc cắn thường để lại ít dấu răng ở vết cắn nhưng sẽ có 2 vết răng nanh. Khi quan sát sẽ thấy mỗi vết cắn của răng nanh cách nhau khoảng 5mm và một số vết răng nhỏ.

Rắn không độc: Khi quan sát vết cắn sẽ thấy dấu vết để lại của cả 2 hàm răng với những chấm nhỏ hình vòng cung và không có vết răng nanh.

1. Triệu chứng chung khi bị rắn độc cắn

Hầu hết các nạn nhân sau khi bị rắn độc tấn công sẽ có một số biểu hiện chung sau:

– Tại vùng bị cắn: Có cảm giác đau rát nghiêm trọng, sau đó có thể sưng, tấy đỏ, chảy máu và bầm tím. Đôi khi sẽ lan rộng ra các vùng xung quanh và gây nhiễm trùng, hoại tử da.

– Biểu hiện toàn thân: Buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, sưng môi, lưỡi và nướu, cảm giác cơ thể yếu dần, tinh thần lú lẫn, nhịp tim không đều. Trong một số trường hợp nạn nhân sẽ cảm thấy có mùi vị kỳ lạ trong miệng.

2. Triệu chứng khi bị rắn hổ cắn

Một nhóm rắn có độc tố mạnh như họ rắn hổ sẽ gây ra các triệu chứng về thần kinh. Vết rắn cắn không quá đau nhưng sẽ có cảm giác da ngứa, mệt mỏi, buồn ngủ, mạch yếu, hạ huyết áp, liệt toàn thân hay suy hô hấp và ngừng thở.

3. Triệu chứng khi bị rắn lục cắn: Rắn lục là loại rắn có chứa độc tố gây xuất huyết. Toàn chi bị cắn đau nhiều, da đỏ bầm, xuất huyết, chỗ bị rắn cắn phù, dễ bị hoại tử. Sau khi bị cắn khoảng 30 phút tới 1 giờ, nạn nhân có hiện tượng nôn, ngất xỉu.

II. Xử trí và điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn

Do tính chất nguy hiểm của rắn độc cắn, người ta chia các bước xử lý theo thời gian như sau: Xử lý sơ cứu; Cấp cứu chống độc; Điều trị vết thương; Phục hồi chức năng; Điều trị di chứng.

1. Sơ cứu tại hiện trường

Bất cứ vết rắn cắn nào cũng nên được giả định là rắn độc cắn cho đến khi xác định được chính xác loài rắn. Do đó, cố gắng nhớ rõ đặc điểm rắn hoặc chụp ảnh rắn để cung cấp cho nhân viên y tế. Nhanh chóng liên hệ dịch vụ cấp cứu khẩn cấp tại cơ sở y tế gần nhất. Trong thời gian chờ sự giúp đỡ từ y tế, người thực hiện sơ cứu nên làm theo các bước sau đây:

– Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn. Sau khi đã ra khỏi tầm hoạt động của rắn, bạn nên hạn chế di chuyển nạn nhân và cố gắng điều chỉnh tư thế để nơi bị rắn cắn thấp hơn vị trí tim để làm giảm tốc độ di chuyển của nọc độc về tim.

– Cởi bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo nhằm tránh gây chèn ép, vì vết thương có thể bị sưng lên.

– Làm sạch vết thương bằng nước sạch (nếu có muối sinh lý thì tốt nhất). Sau đó, dùng vải sach (hoặc miếng gạc khô và sạch nếu có) để băng vùng bị cắn. Khi thực hiện thao tác này, người sơ cứu nên lau rửa tay sạch sẽ.

– Nếu có thể, hãy kiểm tra thân nhiệt, nhịp thở, nhịp tim và huyết áp của nạn nhân.

Lưu ý, khi chưa xác định được loài rắn đã cắn nạn nhân, bạn không nên rạch vết thương để hút nọc độc vì sẽ gây nguy hiểm cho cả hai.

2. Cấp cứu và chống độc

– Khám phù nề vết thương mỗi 15 đến 30 phút để đánh giá sự tiến triển của nhiễm độc tại chỗ.

– Tất cả những vết cắn nhỏ đều cần xét nghiệm: Công thức máu cơ bản, Dữ liệu về đông máu, Định lượng các sản phẩm thoái hóa fibrin, Xét nghiệm nước tiểu, Xét nghiệm Điện giải đồ, BUN và creatinine.

 

Hình ảnh tổn thương hoại tử nhìn từ bên ngoài Hình ảnh tổn thương sau khi được cắt lọc sạch hoại tử

– Tùy mức độ nhiễm độc mà làm thêm các xét nghiệm như: điện tim, Xquang phổi, độ bão hòa oxy …

– Thời gian theo dõi đối với tất cả các bệnh nhân bị rắn cắn kéo dài ít nhất là 8 giờ.

– Chống độc là yếu tố chính để điều trị cho bệnh nhân. Dùng kháng nọc rắn cho các bệnh nhân bị rắn độc cắn. Dùng thuốc kháng nọc độc sớm với liều hợp lí, trẻ em được dùng liều đủ như người lớn.

– Hồi sức khi liệt cơ hô hấp, suy tim, sốc…

3. Điều trị vết thương

Tùy tình trạng vết thương mà có thể phải xử lý theo trình tự thời gian sau:

– chi thể sưng to cần được rạch lỗ để dịch viêm , hoại tử thoát ra.

– Cắt lọc hoại tử, giải thoát các ổ viêm mủ…

– Ghép da cho vết thương lớn.

– Sau khi liền vết thương thì tập phục hồi chức năng vì hay bị tổn thương gân hoặc khớp.

– Sau 6 tháng đến 1 năm thì khám di chứng để có thể phải phẫu thuật điều trị sẹo co kéo hoặc dính gân, lệch khớp…

4. Cách phòng tránh bị rắn độc cắn

Để tránh bị rắn cắn, bạn nên lưu ý một số điều sau:

– Tránh xa môi trường có rắn sinh sống, ẩn nấp như tảng đá, gỗ.

– Khi di chuyển ở những vùng bụi rậm, bạn nên mặc quần áo bảo hộ an toàn, đi ủng hoặc giày cao cổ, mặc quần dài. Mang theo gậy để dò đường phía trước khi đi vào những khu vực tối.

– Nếu gặp rắn, bạn nên di chuyển nhẹ nhàng, tránh kích động rắn.

– Rắn dù đã chết vẫn có thể còn chứa nọc nguy hiểm gây chết người, do vậy không nên cố bắt hay giết chết rắn.

Mỗi năm, Khoa Bỏng – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An điều trị cho 100 – 120 bệnh nhân có vết thương rắn độc cắn sau khi đã được hồi sức chống độc tại khoa Chống độc. Rắn độc cắn đã được khoa học làm rõ nên mong bà con đừng áp dụng theo cách tự nghĩ hay kinh nghiệm truyền miệng nhé.

🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN
🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới
🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An
🌎Website: www.bvnghean.vn
🌍Facebook: bvhndknghean
☎️☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222, Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6