Khoa Dị ứng – Hô hấp vừa tiến hành nội soi can thiệp gắp dị vật cho bệnh nhân N.H.L, 79 tuổi (ở Quang Phong, Thái Hòa). Bệnh nhân có tiền sử đột quỵ não, di chứng yếu 1/2 người phải, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Theo lời kể của người nhà và bệnh nhân, khoảng 20h ngày 30/12, bệnh nhân ăn canh xương hầm với ngô, khi đang ăn bị sặc, sau sặc xuất hiện khó thở, đau tức ngực, thở rít, không thể nằm ngửa. Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện tuyến dưới, sau khi chụp chiếu phát hiện có dị vật là hạt ngô, kích thước 1×1 cm nằm ở phế quản gốc phải. Bệnh nhân nhanh chóng chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.
Bệnh nhân được nhập khoa Hồi sức tích cực kiểm soát hô hấp, các dấu hiệu sinh tồn. Bệnh nhân này vừa có di chứng đột quỵ não, nhiều bệnh nền phức tạp, kèm theo có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên nguy cơ biến chứng trong quá trình thực hiện thủ thuật rất cao, đòi hỏi cần phải tiến hành thủ thuật nhanh, nếu không bệnh nhân rất dễ suy hô hấp. Ngay lập tức các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã hội chuẩn với ekip nội soi can thiệp của khoa Dị ứng – Hô hấp. Bệnh nhân nhanh chóng được tiến hành nội soi gặp dị vật.
Nhờ vào sự phối hợp, hội chẩn bệnh nhân kịp thời từ bệnh viện tuyến dưới và thực hiện can thiệp kịp thời của các bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị nội soi hiện đại, sau hơn 30 phút can thiệp đã thành công gắp dị vật ra ngoài. Bệnh nhân hết khó thở, không còn thở rít, nằm được đầu bằng. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sau thủ thuật, dự kiến ra viện trong 1- 2 ngày tới.
ThS. BS. Lê Xuân Vựng, Khoa Dị ứng – Hô hấp khuyến cáo: Dị vật đường thở là hiện tượng khi một vật thể lạ lọt vào đường hô hấp, gây tắc nghẽn luồng không khí vào phổi. Dị vật có thể là thức ăn, đồ chơi nhỏ, hoặc các vật dụng khác, đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Các biện pháp để dự phòng dị vật đường thở đó là: tránh nói chuyện, cười đùa khi ăn uống. Thức ăn cần được cắt nhỏ, đặc biệt với trẻ em và người già. Kiểm soát đồ chơi trẻ em: Tránh để trẻ chơi với các vật nhỏ dễ nuốt, như viên bi, pin cúc áo. Chọn đồ chơi phù hợp độ tuổi, không có chi tiết nhỏ rời. Giám sát khi ăn uống hoặc sử dụng vật nhỏ: Đặc biệt với những người có nguy cơ cao (trẻ em, người già, bệnh nhân thần kinh). Gia đình nên học cách sơ cứu khi có dị vật đường thở.
Dị vật đường thở là tình huống nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Qua trường hợp bệnh nhân trên chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và can thiệp đúng cách. Hãy luôn đề cao cảnh giác, thực hiện các biện pháp dự phòng và trang bị kỹ năng sơ cứu cơ bản để bảo vệ bản thân và gia đình trước nguy cơ này.
🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN
🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới
🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An
🌎Website: www.bvnghean.vn
🌍Facebook: bvhndknghean
☎️☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222, Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6
QUYẾT ĐỊNH XẾP CẤP CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH – BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN
Danh mục 62 bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An mà không cần giấy chuyển tuyến
Gắp thành công dị vật cho bệnh nhân 79 tuổi, mắc nhiều bệnh nền phức tạp
Kiểm tra tiến độ xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thành bệnh viện hạng đặc biệt
Copyright © 2025 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN