Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > AI CẦN ĐO MẬT ĐỘ LOÃNG XƯƠNG

AI CẦN ĐO MẬT ĐỘ LOÃNG XƯƠNG

Ai cần đo mật độ xương (ĐO loãng xương)?

ThS.BSCKII. Thái Văn Chương

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           BS.Hồ Thị Phương Thanh

Khoa Cơ xương khớp – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Loãng xương là gì?

Loãng xương hiện nay là một vấn đề y tế và xã hội của mọi quốc gia do tần suất loãng xương trong cộng đồng tương đương với tần suất mắc bệnh tim mạch và ung thư. Loãng xương diễn biến thầm lặng, nhưng có thể gây nên hậu quả nặng nề như gãy xương, từ đó người bệnh sẽ bị tàn phế, mất khả năng lao động, giảm tuổi thọ…

Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hoá của xương dẫn đến tổn thương độ chắc của xương đưa đến tăng nguy cơ gẫy xương. Độ chắc của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng và chất lượng của xương.

– Khối lượng xương được biểu hiện bằng:

+ Mật độ khoáng chất của xương (Bone Mineral Density – BMD).

+ Khối lượng xương (Bone Mass Content – BMC).

– Chất lượng xương phụ thuộc vào:

+ Thể tích xương.

+ Vi cấu trúc của xương (thành phần chất nền và chất khoáng của xương).

+ Chu chuyển xương (Tình trạng tổn thương vi cấu trúc xương, tình hình sửa chữa cấu trúc của xương).

Để chẩn đoán tình trạng xương bị loãng, các bác sĩ thường chỉ định áp dụng kỹ thuật đo mật độ xương BMD, còn gọi là kiểm tra mật độ khoáng xương hay đo loãng xương.

Đo mật độ xương (đo loãng xương) là gì?

Đo đo mật độ xương hay đo loãng xương (Bone Mineral Density – BMD) là kỹ thuật sử dụng tia X hoặc hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA hay DXA), hay chụp CT để xác định hàm lượng canxi và các khoáng chất có trong xương. Những khu vực thường được thực hiện đo mật độ xương là cột sống, hông hoặc xương cẳng tay.

Phương pháp đo hấp phụ tia X năng lượng kép (DXA) được chứng minh có tính chính xác để đánh giá mật độ xương tại các vị trí: Cột sống thắt lưng, cổ xương đùi, cổ tay và toàn thân. Đây là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán và quản lý cũng như theo dõi đáp ứng của các biện pháp điều trị loãng xương và các tình trạng bất thường mật độ xương khác.

Ngoài ra, DXA còn sử dụng để đo khối lượng nạc, khối lượng mỡ của cơ thể.

Tại sao cần đo mật độ xương (BMD)?

Mục đích thực hiện xét nghiệm mật độ xương là sớm phát hiện loãng xương và mất xương (giảm khối lượng xương) để có hướng tư vấn dự phòng và điều trị càng sớm càng tốt, giúp ngăn ngừa giảm nguy cơ biến chứng gãy xương do loãng xương. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ tử vong.

Những trường hợp nào cần đo mật độ xương?

* Đối với người trưởng thành:

– Phụ nữ ≥ 65 tuổi hoặc Nam giới ≥ 70 tuổi.

– Tất cả phụ nữ sau mãn kinh < 65 tuổi hoặc nam giới < 70 tuổi có yếu tố nguy cơ loãng xương sau đây:

+ Tiền sử gãy xương

+ Tiền sử gia đình có gãy xương do loãng xương.

+ Trọng lượng thấp (BMI < 18,5 kg/m2).

+ Hiện tại đang hút thuốc lá.

+ Sử dụng quá nhiều rượu.

+ Giảm chiều cao, gù cột sống.

– Bệnh nhân có dấu hiệu mất chất khoáng của xương hoặc gãy xương trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như: Xquang, CT Scanner hoặc MRI.

– Bệnh nhân đã sử dụng hoặc sẽ phải sử dụng Corticosteroit trên 3 tháng.

– Bệnh nhân bắt đầu hoặc đã sử dụng kéo dài các thuốc có ảnh hưởng đến mật độ xương như: Thuốc chống đông, liệu pháp thay thế hormon.

– Bệnh nhân mắc các bệnh rối loạn nội tiêt ảnh hưởng đến mật độ xương: Cường cận giáp, cường giáp, hội chứng Cushing.

– Thiểu năng sinh dục ở nam do phẫu thuật hoặc do sử dụng hormon.

– Mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến mật độ xương:

+ Suy thận mãn tính.

+ Viêm khớp dạng thấp hoặc các tình trạng viêm khớp khác.

+ Rối loạn ăn uống bao gồm: Biếng ăn tâm lý hoặc chứng ăn ói.

+ Hội chứng kém hấp thu hoặc tiêu chảy kéo dài.

+ Bệnh to đầu chi, nghiện rượu, Xơ gan.

+ Đa u tủy xương.

+ Phẫu thuật nối tắt dạ dày điều trị béo phì.

+ Ghép tạng.

+ Bất động kéo dài.

+ Chế độ ăn nghèo dinh dưỡng kéo dài.

– Đánh giá kết quả của các phương pháp điều trị loãng xương.

– Đo khối lượng nạc, khối lượng mỡ của cơ thể.

* Đối với trẻ em:

  • Bệnh nhân đã sử dụng hoặc sẽ phải sử dụng Corticosteroit trên 3 tháng.
  • Bệnh nhân mắc bệnh lý ác tính được điều trị xạ trị hoặc hóa trị liệu.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý nội tiết ảnh hưởng đến mật độ xương: Cường cận giáp, cường giáp, Thiếu các hormon tăng trưởng, Hội chứng Cushing.
  • Bệnh nhân mắc các rối loạn xương có nguy cơ gãy xương cao: Xương thủy tinh, Xương “Hóa đá” hoặc mật độ xương cao như Phơi nhiễm Fluor kéo dài.
  • Mắc các bệnh lý có ảnh hưởng đến mật độ xương:

+ Suy thận mãn tính.

+ Viêm khớp dạng thấp hoặc các tình trạng viêm khớp khác.

+ Rối loạn ăn uống bao gồm: Biếng ăn tâm lý hoặc chứng ăn ói.

+ Ghép tạng.

+ Bất động kéo dài.

+ Hội chứng kém hấp thu bao gồm cả tình trạng U xơ nang.

+ Tiêu chảy kéo dài.

+ Viêm ruột.

+ Suy dinh dưỡng.

+ Bệnh nhuyễn xương.

+ Thiếu Vitamin D.

+ Bệnh to đầu chi.

+ Xơ gan.

+ Nhiễm HIV.

+ Phơi nhiễm Fluor kéo dài.

Quy trình đo mật độ xương:

Khi bước vào thực hiện việc đo mật xương, ngoài những lưu ý trên, bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể trình tự các bước như sau:

  • Nhân viên y tế sẽ chỉ định bạn nằm trên giường đệm của máy đo.
  • Máy đo sẽ di chuyển tới, lui để thực hiện việc đo lường.
  • Thời gian đo diễn ra trong khoảng 20 – 30 phút.
  • Bạn chờ nhận thông báo kết quả.

Phaan tích kết quả đo mật độ xương như thế nào?

Thông qua kỹ thuật đo mật độ xương sẽ xác định mật độ khoáng xương của cơ thể có đang trong tình trạng suy yếu. Kết quả đo mật độ xương được so sánh với 2 chỉ số: chỉ số T-score và Z-score.

 

Thông qua chỉ số T-scroe và Z- score bác sĩ sẽ đánh giá được mức độ loãng xương

Đầu tiên, kết quả BMD của bạn được so sánh với kết quả BMD của người trưởng thành khỏe mạnh cùng giới tính và dân tộc. Độ lệch chuẩn (SD) chính là sự khác biệt giữa mật độ xương của bạn với người 25-35 tuổi khỏe mạnh.

Tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1994, đo mật độ xương tại cột sống thắt lưng và cổ xương đùi theo phương pháp DXA:

+ Xương bình thường: T-score từ – 1SD trở lên.

+ Thiếu xương (Osteopenia): T-score dưới – 1SD đến – 2,5SD.

+ Loãng xương (Osteoporosis): T score ≤ – 2,5SD.

+ Loãng xương nặng: T-score ≤ – 2,5 SD kèm tiền sử/ hiện tại có gẫy xương.

Ngoài chỉ số T-score, mật độ xương của bạn còn được so sánh với mật độ xương bình thường của người khỏe mạnh cùng độ tuổi (chỉ sô Z-score). Chỉ số Z-score thể hiện mật độ xương của bạn cao hay thấp hơn so với người khỏe mạnh ở cùng độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng và chủng tộc. Theo đó, Chỉ số Z-score được Hiệp hội Đo mật độ lâm sàng quốc tế (ISCD) đánh giá như sau:

+ Chỉ số Z-score > -2.0: bình thường

+ Chỉ số Z-score = +0.5, -0.5 hay -1.5: phổ biến đối với phụ nữ tiền mãn kinh.

+ Chỉ số Z-score ≤ -2,0: mật độ xương thấp hơn tiêu chuẩn của nhóm tuổi.

Đo mật độ xương có hại không?

Kỹ thuật đo mật độ xương bằng phương pháp DXA sử dụng liều bức xạ rất thấp nên an toàn với hầu hết mọi người, mọi độ tuổi. Tuy nhiên, kỹ thuật này có một số chống chỉ định cần lưu ý khi thực hiện như:

– Phụ nữ có thai.

– Bệnh nhân vừa sử dụng các thuốc đường uống: Baryt, thuốc cản quang, đồng vị phóng xạ.

– Thoái hóa nặng hoặc biến dạng do gãy xương tại vùng đo.

– Có các vật liệu cấy ghép, kim loại, máy móc ở vùng đo.

– Bệnh nhân không có khả năng hợp tác đảm bảo đúng vị trí và bất động trong khi thực hiện đo lường.

Đo loãng xương là cách phòng bệnh loãng xương hiệu quả:

Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, để bảo vệ sức khỏe bộ xương và đề phòng những mối nguy khác về sức khỏe, bạn nên đi khám sức khỏe tổng quát 6 tháng/lần. Đặc biệt, với những người tuổi > 50, phụ nữ sau mãn kinh khi thấy có những dấu hiệu đau xương, mỏi khớp hoặc dễ bị gãy rạn xương do va chạm nhẹ cần đi khám ngay bởi những dấu hiệu này có thể là biểu hiện của loãng xương hoặc loãng xương nặng. Đo loãng xương là cách phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương đơn giản và hiệu quả.

Chi phí đo mật độ xương và nên đo ở đâu uy tín?

Với chi phí được quy định của BYT theo thông tư 13 & 14/2019/TT-BYT áp dụng cho Bệnh viện tuyến tỉnh: Đo mật độ xương một vị trí giá: 82.300 VNĐ, hai vị trí giá: 141.000 VNĐ.

Hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An với hệ thống máy Đo mật độ xương Hologic Discoery Wi – Hoa Kỳ hiện đại nhất hiện nay và đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên sâu chuyên ngành Cơ xương khớp là địa chỉ đáng tin cậy để bạn có thể yên tâm thực hiện việc đo mật độ xương cũng như tư vấn dự phòng và điều trị những bất thường về mật độ xương.

Hệ thống máy đo mật độ xương Hologic hiện đại tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An.

Để đặt lịch khám và tìm hiều thông tin, xin vui lòng liên hệ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.

Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082 (Thời gian đặt hẹn: 7h – 19h thứ 2 đến thứ 6 và 7h -12h thứ 7 hàng tuần, áp dụng cho bệnh nhân khám viện phí và yêu cầu).

Số điện thoại khoa Cơ xương khớp: 0385384657.

Website: https://bvnghean.vn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. American College of Radiology. ACR–SPR–SSR practice parameter for the performance of dual-energy x-ray absorptiometry (DXA). Available at: http://www.acr.org/w/media/ACR/Documents/PGTS/guidelines/ DXA.pdf 2014.
  2. Schousboe JT, Shepherd JA, Bilezikian JP, Baim S. 2013 Executive Summary of the 2013 ISCD Position Development Conference on Bone Densitometry. JCD;16(4):455-467.
  3. Gordon CM, Leonard MB, Zemel BS. 2013 Pediatric Position Development Conference: executive summary and reflections. J Clin Densitom 2014; 17:219-224.
  4. Cosman, F. et al. “Clinician’s Guide to Prevention and Treatment of Osteoporosis.” Osteoporosis International 25.10 (2014): 2359–2381. PMC. Web. 21 Oct. 2018.
  5. Malabanan, Alan O. et al. 2013 Indications of DXA in Women Younger Than 65 yr and Men Younger Than 70 yr: The 2013 Official Positions. Journal of Clinical Densitometry, Volume 16, Issue 4, 467 – 471.
  6. https://tamanhhospital.vn/do-mat-do-loang-xuong/