Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Từ thiện > Ấm lòng những sẻ chia

Ấm lòng những sẻ chia

Ấm lòng những sẻ chia

Trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; Bệnh viện HNĐK Nghệ An luôn nỗ lực làm cầu nối yêu thương cho những bệnh nhân nghèo và các nhà hảo tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng các hoạt động từ thiện và vận động, tiếp nhận tài trợ về kinh phí, vật chất để hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân (BN) nguy kịch có cơ hội hồi sinh, tiếp tục chắp cánh cho những ước mơ còn dang dở…

Với vị thế của bệnh viện hạng 1, là Trung tâm y tế lớn nhất tỉnh Nghệ An, hàng ngày, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đảm nhận công tác chữa bệnh cho khoảng 1400-1600 bệnh nhân nội trú, trong đó, số lượng bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh viện khá lớn. Mắc bệnh hiểm nghèo, thời gian điều trị kéo dài khiến cuộc sống của nhiều bệnh nhân bị đẩy vào cảnh cùng cực. Khoa Nội thận nhân tạo, Hồi sức Tích cực chống độc, Ngoại tổng hợp, Hồi sức Ngoại khoa là nơi những con người khốn khổ, mang trọng bệnh cố gắng sống lay lắt qua ngày. Bất cứ ai trong số họ cũng mang trong mình một căn bệnh quái ác, kinh niên, tốn kém: người chạy thận nhân tạo, người u não, thở máy, người tai nạn giao thông, rồi cả người vô gia cư, không ai chăm sóc. Những bệnh nhân này đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật, vật lộn với tử thần, phải chịu đựng những cơn đau buốt hành hạ thân xác từng phút, từng giây để duy trì sự sống. Những con người xơ xác, những ánh mắt mệt mỏi, những tiếng than đau đớn trong phòng bệnh có thể làm chạnh lòng cả những con người cứng rắn nhất.

Ở nơi đây, chỉ bữa cơm ngon lành cũng là một điều xa xỉ: bên cạnh những ai may mắn có đủ tiền ăn ngày hai bữa cơm hộp với chút thức ăn chẳng đáng là bao nhiêu, có rất nhiều hoàn cảnh nghèo khó đến nỗi chỉ dám ăn một bữa một ngày, thậm chí có hoàn cảnh người đi chăm nhường người bệnh mãi chẳng ai động đũa… Chính những xót xa ấy đã thúc giục Bệnh viện thành lập Ban “Trợ giúp xã hội”, làm cầu nối cho những nhà hảo tâm, trợ sức thắp lên nhiều ánh sáng hơn nữa cho những mảnh đời u ám này. Từ năm 2015 đến nay, gần 3000 “Suất cơm tình thương” của những cá nhân hảo tâm, từ những thùng từ thiện ủng hộ bệnh nhân đang điều trị tại viện chính là một ánh lửa nhỏ trong số đó.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn bệnh lý cho bệnh nhân, mọi chế độ, khẩu phần ăn đều do Trung tâm Dịch vụ của Bệnh viện đảm trách về những tiêu chuẩn dinh dưỡng mà bác sỹ yêu cầu. Vậy mới biết, ngay cả khi có tấm lòng, làm việc tốt đâu dễ bao giờ!

Một ngày của các suất ăn từ thiện bắt đầu từ mờ sương, khi những cán bộ Trung tâm dinh dưỡng lựa chọn thực phẩm phù hợp cho các suất ăn bệnh lý. Đúng 10 giờ sáng, bộ phận phát cơm, Trung tâm Dịch vụ và nhận cơm, suất ăn bệnh lý từ bộ phận dinh dưỡng. Những “cô nuôi” giàu lòng nhân ái và nhiệt tình, cẩn thận đẩy từng xe thức ăn và cơm tới tận giường bệnh.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ và Dinh dưỡng, Bệnh viện HNĐK Nghệ An phát những suất cơm từ thiện cho 2 bệnh nhân Trần Vũ Duy và Trần Thị Ngà – 2 anh em ruột cùng bị liệt 2 chân đang điều trị tại khoa Thần kinh

Niềm vui của chúng tôi còn được nhân lên rất nhiều lần khi đến từng phòng thăm hỏi các bệnh nhân. Một nỗi xúc động nghẹn ngào lan tỏa, bởi những nụ cười giản dị và chân thành của bệnh nhân và người nhà. Mọi người ngồi hoặc nằm trên giường bệnh, hoặc quây quần cùng ăn với nhau, vừa ăn vừa cười nói, vừa tấm tắc khen ngon, chỉ bởi bữa cơm hôm nay có nhiều cơm hơn mọi ngày, chỉ bởi bữa cơm hôm nay có cả thịt và tôm.

Một trường hợp khiến những cán bộ Ban “Trợ giúp xã hội” của Bệnh viện nhớ mãi là bệnh nhân Cụt Thị Đanh (Kỳ Sơn). Nhập viện trong tình trạng bỏng nặng toàn cơ thể do lao vào đám cháy cứu con, bản thân bệnh nhân không thể ăn uống gì ngoài dùng thuốc. Nhưng 4 ngày chị nằm viện, ấy cũng là từng đấy thời gian anh Cụt Văn Thưởng (chồng chị Đanh) phải nhịn đói. Nhờ vào từng bát cơm, vắt xôi của người nhà bệnh nhân khác chia sẻ. anh lay lắt sống và chăm sóc vợ. Qua nhiều kênh thông tin, hơn 70 triệu đồng đã được bệnh viện kêu gọi để kịp thời giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của bênh nhân.

Gần đây nhất, tháng 2/2016, bệnh nhân Lò Thị Nhung, dân tộc Thái, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, nhập viện với chẩn đoán Viêm đa rễ dây thần kinh, khiến cơ thể chị bị liệt ngày càng nặng, rơi vào trạng thái nguy kịch tính mạng. Qua những ngày được điều trị tại bệnh viện HNĐK Nghệ An, bệnh tình của chị Nhung đã có những tiến triển nhất định. Tuy nhiên, khi bệnh tình của chị đã khả quan hơn, thì đột ngột, gia đình xin đem chị về, dù đã được các bác sỹ giải thích bệnh viện sẽ chăm sóc, chữa trị cho chị Nhung khỏi bệnh. Tìm hiểu mới biết, gia đình đã cạn kiệt kinh tế, không còn điều kiện cho chị Nhung tiếp tục điều trị. Bằng tình thương và trách nhiệm, Bệnh viện đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay giúp sức. Ngày cầm trong tay 60 triệu đồng kinh phí do các nhà hảo tâm hỗ trợ, anh Lò Văn Bông, chồng chị Nhung rưng rưng nước mắt: “Những ngày nằm viện, cả tôi và vợ được cho suất ăn miễn phí, được bệnh viện hỗ trợ 3 triệu viện phí, nay lại được bệnh viện kêu gọi kinh phí từ các nhà hảo tâm để vợ tôi tiếp tục được điều trị. Đối với chúng tôi, biết khi nào đi nương,làm rẫy cho đủ. Vậy là vợ tôi đã có cơ hội sống, không phải đem vợ về nữa rồi”.

Những bệnh nhân phải ghép thận, phẫu thuật tim hở điều trị tại Bệnh viện đa số đều có chung hoàn cảnh: gia cảnh khó khăn nhưng lại mang trong mình căn bệnh nhà giàu.4 trường hợp bệnh nhân ghép thận từ năm 2013 tới nay tại Bệnh viện, với kinh phí lên tới con số trăm triệu đồng mỗi ca; gần 800 triệu cho hàng chục ca phẫu thuật tim hở đã được Bệnh viện HNĐK Nghệ An tài trợ, chia sẻ cùng gia đình bệnh nhân những năm qua.

Thế mới biết, giá trị của cuộc sống và niềm vui chỉ thực sự được cảm nhận mãnh liệt nhất ở những nơi con người giằng co giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Chính những người bệnh hiểm nghèo kia đã mang tới bài học thấm thía hơn hết về sự trân quý cuộc sống dù chỉ một bữa cơm nhỏ, cho tới chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Nụ cười và lời tri ân của họ mãi là động lực để bệnh viện HNĐK Nghệ An cố gắng hơn nữa, miệt mài hơn nữa trong sự nghiệp giữ gin sức khỏe nhân dân.

Hoàng Yến