Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Bất đồng nhóm máu mẹ con

Bất đồng nhóm máu mẹ con

Bất đồng nhóm máu mẹ con là hiện tượng máu của thai nhi không tương thích với nhóm máu người mẹ, là vấn đề rất nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe thai nhi. Có thể gây sảy thai liên tiếp đối với người mẹ hoặc làm cho trẻ sau khi sinh bị bệnh tán huyết.

Bất đồng nhóm máu mẹ con là gì?

Mỗi người sinh ra có một nhóm máu hoàn toàn khác nhau, được quy định bởi nhiều hệ kháng nguyên nhóm máu trong cơ thể. Đến nay hội truyền máu quốc tế đã công nhân 35 hệ nhóm máu với hơn 280 kháng nguyên khác nhau, trong đó hệ nhóm máu ABO và Rh (Rhesus) là phổ biến và quan trọng nhất. Trong khi bất đồng nhóm máu mẹ con ABO chỉ gây tan máu sau sinh, bất đồng nhóm máu mẹ con hệ Rh có thể gây tan máu ngay trong thời kỳ bào thai, đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ.

Hệ ABO được quy định bởi sự hiện diện của các kháng nguyên A, B trên bề mặt hồng cầu và kháng thể kháng A, kháng B trong huyết thanh. Kháng thể của hệ này được gọi là kháng thể tự nhiên, do nó đã có sẵn trong cơ thể. Người có nhóm máu A sẽ có kháng thể kháng B và ngược lại, người có nhóm máu AB không có kháng thể, nhóm máu O có cả 2 loại kháng thể.

Năm 1940, hệ nhóm máu Rhesus lần đầu tiên được Landsteiner tìm thấy ở hồng cầu khỉ Macacus Rhesus, ông đặt tên kháng nguyên nhóm máu của hệ này là yếu tố Rh. Có 6 gen chính quy định nhóm máu rhesus tạo thành 3 cặp alen nằm trên mỗi nhánh của một cặp nhiễm sắc thể. 3 gen C, D, E là 3 gen trội và c, d, và e là các gen lặn. Tuy nhiên, chỉ có 1 gen quan trọng nhất quyết định sự bất tương hợp nhóm máu rhesus là gen trội D và nó chịu trách nhiệm đến 95% các trường hợp bất tương hợp nhóm máu. Nếu có yếu tố D (hay còn được gọi là yếu tố rhesus, theo tên đặt của Landsteiner) thì nhóm máu là rhesus dương, nếu không có yếu tố D thì nhóm máu tương ứng là rhesus âm. Kháng thể kháng rhesus là loại kháng thể miễn dịch, nghĩa là cơ thể của người rhesus âm chỉ sản xuất kháng thể khi tiếp xúc với hồng cầu của người khác có rhesus dương. Do vậy, trong lần tiếp xúc đầu tiên với nhóm máu bất tương hợp hệ rhesus, phản ứng này sẽ chưa xảy ra do nồng độ kháng thể mới được sản xuất còn thấp, chưa đủ mạnh để tạo phản ứng miễn dịch. Phải đến lần tiếp xúc thứ 2, lượng kháng thể được tạo ra mới đủ để gây phản ứng miễn dịch, dẫn đến hiện tượng tán huyết. 

Khi nhóm máu mẹ là rhesus âm, trong khi máu thai nhi trong bụng mẹ lại là rhesus dương thì bất đồng nhóm máu Rhesus xảy ra. Vào một thời điểm nhất định, các tế bào máu con có thể vượt qua hàng rào nhau thai để vào hệ tuần hoàn của mẹ và kích thích máu mẹ sản xuất kháng thể kháng rhesus. Điều này được phát hiện sớm nhất là vào tuần thứ 8 của thai kỳ, nhưng điều kiện nào chính xác gây ra hiện tượng đi qua máu mẹ vẫn chưa được biết rõ. Kháng thể do mẹ sản xuất có thể đi vào lại bánh nhau, đến máu thai nhi, gắn lên hồng cầu của thai gây ra hiện tượng kết tụ làm cho hồng cầu của bào thai bị tán huyết, dẫn đến thiếu máu từ mức độ từ nhẹ đến nặng. Mức độ này tùy thuộc vào lượng kháng thể cơ thể mẹ sản xuất, mà lượng kháng thể này lại phụ thuộc vào số lần tiếp xúc với kháng nguyên rhesus của mẹ. 

Đối với thai kỳ đầu tiên, đa số trẻ sinh ra bình thường, vì 2 lý do sau:

  • Hồng cầu của thai đa phần đi qua máu mẹ vào thời điểm lúc sinh. Khi đó, trẻ đã tách biệt khỏi sự liên kết tuần hoàn với mẹ. Cơ thể mẹ dù có sản xuất kháng thể cũng không ảnh hưởng đến trẻ nữa.
  • Mặt khác, dù hồng cầu con có đi vào máu mẹ trước khi sinh đi nữa, thì lượng kháng thể mẹ sản xuất ra trong lần tiếp xúc đầu tiên cũng không đủ để gây ra hiện tượng tán huyết nặng nề ở thai.

Tuy nhiên, nếu mẹ có thai rhesus dương lần thứ 2, sự tiếp xúc lại với kháng nguyên sẽ kích thích tạo một lượng lớn kháng thể đủ để gây ra hiện tượng miễn dịch mạnh hơn, dẫn đến bệnh cảnh bất đồng nhóm máu rhesus cho thai nhi thứ 2.

Trong một số trường hợp trước đó nếu mẹ đã từng nhận máu của người có rhesus dương, hoặc bị sẩy thai, hút nạo thai, thai ngoài tử cung, thực hiện các thủ thuật (như chọc dò ối,…), xuất huyết qua bánh nhau rộng trong tiền sản giật,… có nguy cơ dẫn đến trao đổi máu mẹ-thai mà thai lại có rhesus dương thì thai kỳ thứ nhất cũng sẽ bị bất đồng nhóm máu rhesus nặng.

Tác hại của bất đồng nhóm máu mẹ con

Những em bé sinh ra do bất đồng nhóm máu mẹ con sẽ bị vàng da, thiếu máu, lượng sắt dự trữ trong máu thấp và lượng bilirubin trong máu tăng cao. Bất đồng nhóm máu ABO gây thiếu máu tán huyết có thể xảy ra ngay từ đứa con thứ nhất với biểu hiện vàng da sáng, xuất hiện khoảng 2 – 3 ngày sau sinh, phân vàng, nước tiểu trong. Lượng bilirubin trong máu sẽ nhanh chóng giảm xuống nếu được phát hiện và điều trị sớm, bilirubin gián tiếp sẽ chuyển sang dạng trực tiếp, đào thải ra ngoài mà không gây tác hại gì. Tuy nhiên sau 5 ngày không được phát hiện và điều trị, lượng bilirubin gián tiếp tăng cao vượt qua hàng rào máu não dẫn đến nhiễm độc não. Trẻ sẽ có những bất thường về thần kinh như tăng trương lực cơ, tứ chi duỗi cứng vặn xoắn. Lúc này việc điều trị thường không đem lại kết quả tốt, trẻ có thể mang những di chứng thần kinh suốt đời hoặc có nguy cơ tử vong.

Bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ con gây thiếu máu tán huyết có thể xảy ra từ đứa con đầu lòng nếu lượng kháng thể trong cơ thể mẹ cao. Nhưng ở những lần mang thai sau hiện tượng này thường xảy ra với mức độ ngày càng nặng. Bilirubin gián tiếp trong cơ thể trẻ thường rất cao, dễ dẫn đến các di chứng thần kinh. Ở thể nặng, từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ bị tan máu mạnh; khi sinh ra da trẻ vàng đậm do thiếu máu, suy tim, gan lách to, phù toàn thân, trẻ thường tử vong sớm sau khi đẻ.

Biện pháp phòng ngừa

Để phòng tránh nguy cơ bất đồng nhóm máu mẹ con, trước khi mang thai, việc khám và sàng lọc có vai trò rất quan trọng, giúp chủ động phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Nếu hiện tượng bất đồng nhóm máu hệ ABO đã có trong lần sinh nở đầu tiên, lần sinh thứ hai nên cách xa lần đầu để lượng kháng thể trong cơ thể giảm xuống, sẽ tốt hơn cho sản phụ và thai nhi.

Khi phụ nữ mang thai có nhóm máu Rh âm, bác sĩ sẽ chỉ định dùng hai liều huyết thanh miễn dịch Rh trong thời kỳ mang thai. Liều đầu tiên được chỉ định vào tuần thứ 28 của thai kỳ và liều thứ 2 trong vòng 72 giờ sau sinh. Những kháng thể trong hai liều thuốc trên sẽ chủ động phá hủy và ngăn chặn những tế bào hồng cầu Rh dương từ thai nhi qua máu mẹ, làm giảm sự tiếp xúc của cơ thể mẹ với hồng cầu Rh dương và ngăn ngừa cơ thể mẹ sản xuất kháng thể Rh. Nhờ đó, lần mang thai tiếp theo sẽ không gặp hiện tượng bất đồng nhóm máu mẹ con nữa.

Tóm lại, việc khám tiền hôn nhân là bước chuẩn bị rất quan trọng cho quá trình sinh sản sau này của phụ nữ. Để phòng ngừa được yếu tố tán huyết ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé sau này, mẹ nên xét nghiệm nhóm máu khi chuẩn bị kết hôn hoặc mang thai

Tài liệu tham khảo

  1. Landsteiner K, Wiener AS. An agglutinable factor in human blood recognized by immune sera for rhesus blood.Proc Soc Exp Biol Med 1940;43:223-224.
  2. Mack, Steve, Re: Is the RH negative blood type more prevalent in certain ethnic groups?MadSci Network.
  3. Mark E. Brecher, MD, Genetics of Rhesus Factor, Technical Manual, 2005, 15thEdition, page 322-324
  4. Sinh lý học Y khoa, Bộ môn Sinh lý học, Đại học Y dược TPHCM
  5. Nhi khoa, tập 2, Bộ môn Nhi, Đại học Y dược TPHCM, Nhà xuất bản y học – 2020