Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Bệnh liên cầu khuẩn lợn: đường lây truyền, cách điều trị và phòng ngừa

Bệnh liên cầu khuẩn lợn: đường lây truyền, cách điều trị và phòng ngừa

Bệnh do liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn, lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với lợn hay các loại chế phẩm từ lợn. Bệnh liên cầu khuẩn lợn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Trung tâm Bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện HNĐK Nghệ An vẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh do liên cầu lợn.

1. Căn nguyên:

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn là Streptococcus suis (S. suis), là vi khuẩn bắt màu gram dương, thường cư trú ở đường hô hấp trên, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn.

2. Đường lây truyền:

– Người bị nhiễm Liên cầu lợn thường do tiếp xúc trực tiếp (chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển) hoặc sử dụng các sản phẩm từ lợn như tiết canh, thịt, phủ tạng của lợn ốm, chết, lợn mang vi khuẩn chưa được nấu chín. Vi khuẩn xâm nhập qua các vùng tổn thương hở trên da hoặc niêm mạc, khu trú và phát triển tại chỗ, qua hạch bạch huyết vào máu và gây bệnh cho nhiều cơ quan, phủ tạng. Cho tới nay chưa ghi nhận sự lây truyền từ người sang người.

3. Các bệnh cảnh lâm sàng do S. suis gây ra thường rất đa dạng, bao gồm

–  Viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc, viêm khớp hoặc viêm nội nhãn…

– Người bệnh thường gặp các triệu chứng rất nặng có thể gây tử vong như sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp, suy đa tạng, hoặc trong trường hợp chữa khỏi nhưng vẫn sẽ để lại các di chứng rất nặng nề.

4. Biểu hiện của bệnh Liên cầu lợn:

– Bệnh Liên cầu lợn có thời gian ủ bệnh ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày.

– Người mắc bệnh có các biểu hiện lâm sàng như: Sốt cao, nôn, đau mỏi khắp người, trên da có xuất huyết nhiều mảng mầu thâm đen (tử ban).

– Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa: Sốt, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run… trước khi có biểu hiện của viêm màng não.

-Nếu không được phát hiện chữa trị kịp thời người bệnh sẽ nặng hơn kèm các biểu hiện: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong.

– Đối với những bệnh nhân hồi phục, bệnh vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề như bị ù tai, giảm thính lực, điếc hoàn toàn…

5. Điều trị:

– Nguyên tắc điều trị: Kết hợp chặt chẽ giữa điều trị bằng kháng sinh và điều trị hỗ trợ. Phát hiện sớm các biểu hiện nặng như sốc, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng để xử trí kịp thời. Đã có rất nhiều ca bệnh phải hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu.. vì vậy khi có triệu chứng bất thường ở người có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ, cần đến ngay cơ sở y tế để đc chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng, giảm nguy cơ tử vong. Đã có rất nhiều ca bệnh phải hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu…

– Kháng sinh: Vi khuẩn còn nhạy cảm với nhiều kháng sinh nhóm β-lactam như Penicillin G, Ampicillin, các Cephalosporin thế hệ III, … .Kháng sinh có thể dùng ban đầu là:

+ Ampicillin 2g/lần x 6 lần, tiêm tĩnh mạch, cách 4 giờ một lần (trẻ em: 200mg/kg/24 giờ), hoặc/và

+ Ceftriaxon 2g/lần x 2 lần, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch, cách 12 giờ một lần (trẻ em: 100mg/kg/24 giờ). Điều chỉnh kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ và đáp ứng lâm sàng.

– Điều trị hỗ trợ: Chống viêm: Có thể dùng Methylprednisolone 0,5-1 mg/kg/24giờ hoặc một corticosteroid tương tự và nên dùng ngay trước khi dùng kháng sinh. Điều chỉnh điện giải và thăng bằng kiềm toan.

6. Các biện pháp phòng bệnh:

– Người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh liên cầu lợn, tập trung vào nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ lợn, bán thịt lợn tươi, sống và những người nội trợ trực tiếp chế biến sản phẩm tươi, sống từ lợn …

– Không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết. Thực hiện vệ sinh ăn uống, không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa nấu kỹ; không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch.

– Sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, kính bảo vệ mắt; rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn, đặc biệt khi phải xử lý lợn mắc bệnh hoặc lợn chết.

– Khi có vết thương hở, hoặc có các vùng da bị tổn thương không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn tươi sống; hoặc nếu có thì cần băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và dùng chất khử trùng sau khi làm việc.

– Dùng xà phòng sạch rửa sạch sẽ các đồ dùng chăm sóc, giết mổ hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng.

– Thực hiện tốt vệ sinh thú y, đảm bảo môi trường khu vực chăn nuôi lợn và các loại gia súc sạch sẽ, thoáng khí, ủ phân để diệt mầm bệnh; không mua bán, vận chuyển lợn nhiễm bệnh từ các khu vực có lưu hành bệnh tới khu vực khác.

– Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.

– Vi khuẩn S. suis có thể phát triển và gây bệnh cho lợn tại các ổ dịch lợn tai xanh, do đó người dân cần báo cho cơ quan thú y ngay khi phát hiện tình trạng lợn ốm, chết, lợn sẩy thai bất thường để xác định nguồn bệnh và có biện pháp xử lý tiêu hủy đúng quy định của ngành thú y.

– Thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi lợn và gia súc, đảm bảo vệ sinh khu vực giết, mổ, buôn bán lợn đặc biệt là các chợ đầu mối, chợ khu vực, các cơ sở giết mổ lợn tập trung. Tổ chức việc phun định kỳ dung dịch cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử trùng tiêu độc khác.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do liên cầu lợn (2007).
  2. Feng Y., Zhang H., Wu Z., et al. (2014). Streptococcus suis infection. Virulence, 5(4), 477–497.