Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > Bệnh viêm gan virus trong giai đoạn thai kỳ và những điều cần biết

Bệnh viêm gan virus trong giai đoạn thai kỳ và những điều cần biết

Virus viêm gan có nhiều loại, tuy nhiên hiện nay chỉ mới có vaccine tiêm phòng dành cho viêm gan A và B. Do đó, việc chủ động phòng ngừa và tầm soát các loại bệnh viêm gan virus là rất quan trọng, đặc biệt trong thai kỳ, tránh những tác động nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.

I. Các dạng viêm gan virus có thể gặp trong thai kỳ

1. Bệnh viêm gan A (HAV)

Virus viêm gan A chủ yếu lây truyền qua đường phân – miệng và rất phổ biến ở các nước đang phát triển, nơi có điều kiện vệ sinh kém, ô nhiễm thực phẩm và nước. Virus viêm gan A có thể lây truyền qua đường tình dục nhưng hiếm khi lây qua đường máu.

Phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan A hiếm khi lây truyền cho thai nhi. Tuy nhiên, người mẹ có thể gặp các biến chứng trong thai kỳ như ối vỡ non, nhau bong non, hoặc sinh non trong tam cá nguyệt thứ hai.

2. Bệnh viêm gan B (HBV)

Việc nhiễm virus viêm gan B cấp hoặc mãn tính không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Phụ nữ mang thai bị viêm gan B không được điều trị, khả năng lây truyền từ mẹ sang con trên 90%. Đặc biệt nếu mẹ dương tính với kháng nguyên HbeAg và định lượng virus viêm gan B (HBV DNA) ở mức cao thì nguy cơ lây truyền sang con sẽ cao hơn. HBV DNA cao cũng là nguyên nhân chính khiến cho việc phòng ngừa chủ động ở trẻ sơ sinh thất bại. Vì vậy, người mẹ có định lượng virus viêm gan B cao được khuyến cáo sử dụng thuốc kháng virus trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.

Ngoài ra, có 90% trẻ bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ trong giai đoạn chu sinh (giai đoạn từ tuần thứ 28 đến hết tuần đầu sau sinh) sẽ tiến triển thành viêm gan mãn tính. Do đó, tất cả phụ nữ mang thai đều được khuyến cáo nên tầm soát viêm gan B.

3. Bệnh viêm gan C (HCV)

Đối với người mẹ mang thai dương tính với HCV thì khả năng lây truyền cho con trong giai đoạn chu sinh là 5%.

Với tỉ lệ 60% – 80% số trẻ bị nhiễm viêm gan C lây truyền từ mẹ sẽ phát triển thành mãn tính khi trưởng thành. Vì vậy, phụ nữ trước khi mang thai được khuyến cáo nên tầm soát viêm gan C nếu có kế hoạch mang thai.

4. Bệnh viêm gan E (HEV)

Đường lây truyền chính của virus viêm gan E là đường phân-miệng, rất hiếm khi lây qua đường quan hệ tình dục. Bệnh này khá phổ biến ở các nước đang phát triển với điều kiện vệ sinh kém. Mặc dù viêm gan E là một bệnh lý lành tính và thường có khả năng tự khỏi, nhưng khi xảy ra ở phụ nữ mang thai lại gây ra những biến chứng nguy hiểm. Trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, thai phụ nếu bị nhiễm virus viêm gan E có thể chịu tổn thương gan nghiêm trọng hoặc suy gan cấp đặc biệt, thậm chí là tiền sản giật, xuất huyết và tử vong (16% – 20%).​​

5. Viêm gan do virus Herpes simplex (HSV)

Viêm gan do virus Herpes simplex (HSV) ở phụ nữ mang thai là một tình trạng hiếm gặp. HSV lây truyền thông qua việc tiếp xúc với các vết loét của người bị nhiễm HSV hoặc qua đường tình dục. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HSV có nguy cơ cao lây truyền cho thai nhi. Hầu hết các trường hợp viêm gan do HSV nhanh chóng tiến triển thành suy gan tối cấp.

II. Các triệu chứng của viêm gan virus trong thai kỳ

Viêm gan siêu vi cấp tính trong thai kỳ có thể không có triệu chứng hoặc dấu hiệu lâm sàng nhẹ như vàng da, buồn nôn, chán ăn, đau bụng hoặc khó chịu, mệt mỏi, khó chịu, đau cơ và nước tiểu sẫm màu. Các triệu chứng lâm sàng này không thể chỉ rõ được là do loại virus viêm gan nào gây ra.

III. Các phương pháp chẩn đoán viêm gan virus trong thai kỳ

Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan là một trong những xét nghiệm đầu tiên được đề nghị để kiểm tra chức năng của gan, có thể kể đến như AST, ALT, ALP, GGT và một vài xét nghiệm khác phụ thuộc vào các triệu chứng của thai phụ.

IV. Các phương pháp phòng chống viêm gan virus trong thai kỳ

– Phụ nữ nên tiêm vắc xin viêm gan A để phòng virus viêm gan A, tiêm vắc xin viêm gan B để phòng virus viêm gan B và D trong thai kỳ.

– Đối với virus viêm gan C và E không có vắc xin, phụ nữ mang thai nên tránh đi du lịch đến các vùng lưu hành virus viêm gan E; Đồng thời nên tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện các dấu hiệu phát triển bệnh để có phương pháp điều chỉnh sớm.

– Nên ăn uống vệ sinh, quan hệ tình dục lành mạnh, tránh việc tiếp xúc với máu, vết thương của người khác hoặc các yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus.