Việc điều trị bệnh đái tháo đường hiệu quả cần kết hợp nhiều yếu tố. Người bệnh cần cải thiện chế độ ăn uống: hạn chế tinh bột – đường và chất béo, tăng cường ăn rau xanh nhiều chất xơ; tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày. Người bệnh cần tuân thủ điều trị, nhất là việc sử dụng thuốc đều đặn; khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng đường huyết và tầm soát các biến chứng đi kèm.
Nhóm thuốc uống và thuốc tiêm
Người bệnh đái tháo đường type 1 được chỉ định dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại vì cơ thể đã không còn khả năng tự sản xuất insulin. Người bệnh đái tháo đường type 2, tùy từng trường hợp được phối hợp điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Thông thường, bước đầu, người bệnh được cải thiện chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục. Nếu không hiệu quả, mức đường huyết vẫn cao, người bệnh sẽ được sử dụng thêm thuốc uống, thuốc tiêm, thậm chí insulin để đưa đường huyết về mức ổn định.
Thuốc điều trị đái tháo đường được phân thành hai nhóm chính: insulin và thuốc hạ đường huyết thông qua đường uống hoặc thuốc tiêm không phải Insulin.
Insulin: Insulin được sử dụng chủ yếu trong điều trị bệnh đái tháo đường type 1 do tuyến tụy không còn khả năng tạo ra insulin. Mục tiêu của điều trị là đưa insulin từ bên ngoài vào cơ thể, giúp “giải phóng” lượng đường ứ đọng trong máu. Insulin cũng được sử dụng trong điều trị đái tháo đường type 2 khi cần. Insulin có nhiều loại khác nhau phù hợp cho tình trạng bệnh lý của người bệnh.
Thuốc đường uống: Thuốc trị đái tháo đường dạng uống thường dùng cho người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Những loại thuốc này được kê đơn cùng với việc tập thể dục thường xuyên và thay đổi chế độ ăn uống. Nhiều loại thuốc uống tiểu đường có thể sử dụng kết hợp với nhau hoặc với insulin để đạt được hiệu quả kiểm soát đường huyết.
Ưu nhược điểm của từng nhóm thuốc đái tháo đường
Dưới đây là ưu nhược điểm của từng nhóm thuốc đái tháo đường theo chia sẻ của bác sĩ Trâm mà người bệnh nên lưu ý.
Thuốc làm giảm sự đề kháng insulin
Metformin: Nhóm thuốc Metformin bao gồm Glucophage, Glucophage XR, Glucofast, Panfor… giúp làm giảm lượng glucose mà gan sản xuất, cải thiện cách hoạt động của insulin trong cơ thể và làm chậm quá trình chuyển đổi carbohydrate thành đường.
Thuốc Metformin với ưu điểm không gây hạ đường huyết nếu dùng đơn lẻ, không gây tăng cân. Thuốc cũng làm giảm hấp thu cholesterol xấu, triglyceride, phòng ngừa các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, thuốc không dùng cho bệnh nhân suy thận. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, chán ăn.
Thiazolidinedione: Nhóm thuốc Thiazolidinediones bao gồm: Rosiglitazone (Avandia), Pioglitazone (Actos), hoạt động bằng cách giảm lượng glucose trong gan, giúp các tế bào mỡ sử dụng insulin tốt hơn.
Thiazolidinediones: Thuốc có thể phối hợp chung với các thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, trong nhóm thuốc này, Rosiglitazone làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim nên đã ngưng sản xuất. Một số vấn đề khác có thể xảy ra như phù, tăng cân đột ngột, suy giảm thị lực, ung thư bàng quang, suy tim…
Thuốc gây tăng tiết insulin
Sulfonylureas: Nhóm thuốc điều trị đái tháo đường Sulfonylurea (Glimepiride, Glipizide, Gliclazide, Glibenclamide và Glyburide) có vai trò kích thích tuyến tụy bài tiết insulin, ngăn gan giải phóng glucose, tăng tổng hợp glycogen. Đây là nhóm thuốc có thể hạ đường huyết nhanh, khi dùng thuốc tránh bỏ bữa để giảm nguy cơ hạ đường huyết. Bệnh nhân cần biết các biểu hiện hạ đường huyết để nhận biết và xử trí.
Meglitinides: Trong các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường, Meglitinides có công dụng giống nhưng hoạt động nhanh hơn sulfonylureas, giúp cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn. Thuốc này được khuyến cáo dùng ngay trước bữa ăn, có thể dùng cho bệnh nhân suy thận. Tuy nhiên, thuốc có giá thành cao và nguy cơ hạ đường huyết nếu không dùng đúng thời điểm.
Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 (dạng tiêm, dạng uống đang được phát triển): Nhóm thuốc điều trị đái tháo đường này giống như hormone tự nhiên có tên là incretin, làm tăng sự phát triển của tế bào B và lượng insulin mà cơ thể sử dụng. Các loại thuốc thuộc nhóm này bao gồm: Liraglutide (Victoza), Semaglutide (Ozempic), Exenatide (Byetta)… Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 làm giảm sự thèm ăn, giảm lượng glucagon cơ thể sử dụng, làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm lượng đường trong máu do đó có tác dụng giảm cân.
Một số trường hợp người bệnh đái tháo đường nhưng lại mắc thêm những bệnh lý về tim mạch do xơ vữa động mạch, suy tim hoặc bệnh thận mạn tính. Trường hợp này, Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến cáo nên sử dụng một số chất chủ vận thụ thể GLP-1 như một phần của phác đồ điều trị hạ đường huyết.
Thuốc ức chế men Dipeptidyl peptidase-4: Những thuốc ức chế men Dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4) làm GLP-1 không bị phá hủy, nên kéo dài hoạt động của incretin, giúp giảm lượng đường trong máu. Những thuốc này bao gồm Sitagliptin (Januvia), Saxagliptin (Onglyza), Vildagliptin (Galvus) và Linagliptin (Trajenta).
Thuốc có tác dụng làm chậm hấp thu chất béo và glucose từ ruột
Thuốc ức chế men alpha – glucosidase: Những loại thuốc thuộc nhóm này như Acarbose (Glucobay), Miglitol (Glyset) làm giảm lượng glucose trong máu bằng cách trì hoãn sự phân hủy carbohydrate và giảm sự hấp thụ glucose ở ruột non. Chúng cũng ngăn chặn một số enzym để làm chậm quá trình tiêu hóa một số loại tinh bột. Để có kết quả tốt nhất, bác sĩ khuyên nên dùng các loại thuốc này trước bữa ăn.
Thuốc ức chế SGLT2
Thuốc ức chế SGLT2 (Canagliflozin, Dapagliflozin, Empagliflozin…) giảm tái hấp thu glucose tại ống thận, giúp cơ thể loại bỏ glucose nên giúp giảm đường huyết, đồng thời giúp huyết áp và cân nặng kiểm soát tốt hơn. Nhóm thuốc này có hiệu quả trong việc làm chậm sự tiến triển của bệnh thận, giảm nguy cơ suy thận và tử vong ở những người đái tháo đường có biến chứng thận. Một số thuốc trong nhóm đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do suy tim.
Insulin: Insulin là loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1. Khi mắc bệnh đái tháo đường type 1, cơ thể không thể tự tạo ra insulin. Mục tiêu của điều trị là thay thế insulin mà cơ thể không thể tạo ra này.
Insulin cũng được sử dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường type 2. Insulin được sử dụng dưới dạng tiêm và có nhiều loại khác nhau. Căn cứ vào mức độ suy giảm của insulin, bác sĩ sẽ chỉ định loại insulin phù hợp với từng ca bệnh.
Các tùy chọn sử dụng insulin bao gồm:
Insulins tác dụng nhanh: Insulin aspart (NovoRapid), Insulin glulisine (Apidra), Insulin lispro (Humalog).
Insulins tác dụng kéo dài: Insulin detemir (Levemir), Insulin degludec (Tresiba), Insulin glargine (Lantus), Insulin glargine (Toujeo).
Insulins trộn (cả nhanh và kéo dài): NovoMix 70/30 (insulin aspart protamine-insulin aspart), Humalog Mix 75/25 (insulin lispro protamine-insulin lispro), Humalog Mix 50/50 (insulin lispro protamine-insulin lispro), Humulin 70/30 và Mixtard 30/70 (NPH insulin-soluble insulin), Ryzodeg (insulin degludec-insulin aspart).
Insulins kết hợp GLP-1 – Soliqua (glargine-lixisenatide).
Các loại thuốc khác
Những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 thường cần dùng thêm các loại thuốc khác để điều trị các vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến bệnh đái tháo đường. Những loại thuốc này có thể bao gồm: thuốc điều trị rối loạn mỡ máu, thuốc điều trị tăng huyết áp.
Trong các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường, có cả loại thuốc có sẵn, điều trị cả hai loại đái tháo đường type 1 và type 2. Mỗi loại thuốc đều hoạt động theo những cách khác nhau để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường sẽ kê loại thuốc phù hợp nhất cho tình trạng đường huyết, các vấn đề sức khỏe và các yếu tố khác (nếu có) cho từng người bệnh.
BS.Ths.Lê Đình Sáng, Khoa Nội tiết