Đào Như Quỳnh
Khoa Nội A- Lão khoa
1.Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với bệnh nhân suy thận
– Trong điều trị bệnh thận mạn tính, dinh dưỡng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Chế độ dinh dưỡng tốt và hợp lý sẽ làm hạn chế tiến triển của bệnh, đồng thời cung cấp đủ các vi chất, năng lượng đảm bảo một cuộc sống bình thường cho người bệnh.
– Ở chiều ngược lại, việc kiểm soát tốt bệnh thận mạn giúp cân bằng quá trình đồng hóa và dị hóa trong cơ thể, tránh các biến chứng của hội chứng ure máu cao, giúp người bệnh có một chế độ ăn không quá khắt khe. Tuy đây là vấn đề được biết tới từ lâu nhưng cụ thể hóa chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận vẫn còn cần nhiều sự cô gắng từ cả bác sĩ điều trị và sự tuân thủ của bệnh nhân.
– Theo như thống kê, có tới 44 % bệnh nhân bệnh thận mạn tính chưa điều trị thay thế bị suy dinh dưỡng, và nhóm bệnh nhân đã điều trị thay thế, tỷ lệ này từ 18-80 %.
2. Những nguyên tắc cơ bản:
Chế độ ăn cho người suy thận nghiêm ngặt tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh. Nắm vững những nguyên tắc cơ bản sau: cung cấp đầy đủ năng lượng nhưng cần giảm lượng protein, giảm chất béo còn khoảng 20% năng lượng; giảm muối, giảm phốt pho; tăng canxi; ăn uống đủ các nhóm chất vitamin B, vitamin E và uống đủ nước.
– Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng: Người bệnh suy thận nên lựa chọn thực phẩm lành mạnh và kiểm soát khẩu phần ăn hàng ngày. Nên ăn chậm, nhai kỹ để dạ dày có thể tiêu hoá tốt, ngược lại nếu ăn quá nhanh, có thể ăn nhiều hơn mức cần thiết, dẫn đến dư thừa năng lượng khiến thận phải hoạt động nhiều hơn.
– Có thể cân đo thực phẩm trước khi chế biến, nấu nướng để biết lượng tổng lượng calo nạp vào mỗi bữa, xem thông tin dinh dưỡng trên thực phẩm, nhiều sản phẩm sẽ để hàm lượng dinh dưỡng các chất cho người tiêu dùng theo dõi. Người bệnh suy thận nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để biết cân đối thực phẩm, các mẹo về cách đo khẩu phần phù hợp, số lượng ăn uống mỗi ngày.
– Cắt natri: Một trong những điều tốt nhất cho người bệnh suy thận là hạn chế lượng natri ăn vào. Chế độ ăn của người suy thận mạn nên hạn chế natri bằng cách: không thêm muối vào thức ăn khi chế biến, có thể thử kết hợp với các loại thảo mộc tươi, nước cốt chanh hoặc các loại gia vị không có muối khác… Cẩn trọng khi lựa chọn thức ăn, nếu được nên hạn chế sử dụng thực phẩm đóng hộp như thịt hộp, rau củ hộp.
– Theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng, người suy thận cấp chỉ nên sử dụng dưới 5g muối ăn/ngày tùy theo mức độ phù và tăng huyết áp; không nên ăn các loại thực phẩm như dưa cải muối, cà muối, đồ khô, cá khô… Thay vào đó, nên ăn các loại rau củ quả tươi, sạch, theo mùa vụ để hạn chế muối cũng như dư lượng các chất bảo vệ thực vật.
– Hạn chế Phốt pho và Canxi: Bệnh nhân suy thận cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều phốt pho, chỉ dùng trong khoảng từ 300 – 600mg/ngày. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh thận, bác sĩ cũng có thể kê đơn một loại thuốc gọi là chất kết dính phốt phát, giúp giữ cho phốt pho không tích tụ trong máu. Do đó, người suy thận cần theo dõi lượng phốt pho ăn ăn hàng ngày, tránh ăn các thực phẩm có chứa nhiều phốt pho như phô mai, sữa, lòng đỏ trứng, các loại rau quả khô, ngũ cốc nguyên cám, cola sẫm màu, cá mòi, hàu…
– Giảm lượng kali hấp thụ: Nồng độ kali trong máu của người bệnh suy thận cần được giữ ở mức bình thường. Nên tránh ăn các loại trái cây, rau củ quả giàu kali như chuối, rau dền, dưa, cam, khoai tây,…, thay thế bằng các loại thực phẩm chứa lượng kali thấp như táo, dâu, việt quất, mâm xôi, thơm, súp lơ, bắp cải, khoai tây, rau chân vịt, ớt… Nếu suy thận ở giai đoạn III hoặc IV, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng một loại thuốc đặc biệt, gọi là chất kết dính kali để giúp cơ thể thải thêm kali ra ngoài.
– Uống đủ nước: Cơ thể con người cần nước, nhưng khi bị bệnh suy thận không nên uống quá nhiều nước. Bệnh nhân suy thận nếu uống nhiều nước cũng sẽ đi tiểu nhiều hơn, gây mất ngủ. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh thận và cách điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu hạn chế uống nước hoặc cắt giảm lượng nước uống vào mỗi ngày. Có thể giảm lượng nước bằng cách hạn chế ăn các món canh, súp, kem, đá, thạch rau câu… Nên uống nước từng ngụm, từng cốc nhỏ để kiểm soát tốt được lượng nước nạp vào cơ thể. Bệnh nhân cũng có thể điều chỉnh lượng nước uống vào dựa theo lượng nước tiểu trong 24 giờ, tình trạng phù, khó thở của cơ thể.
– Protein (đạm): Protein là một trong những thành phần cấu tạo nên cơ thể, rất quan trọng, giúp cơ thể phát triển, tái tạo và khỏe mạnh. Giảm đạm phụ thuộc vào số lần lọc máu/tuần. Chế độ ăn cho người bệnh suy thận cấp, cần đảm bảo lượng protein dưới mức 0,6g/kg cân nặng/ngày, trung bình dưới 33g/ngày. Còn trong chế độ ăn cho người bệnh suy thận mạn, protein từ 0,6 – 0,8 g/kg cân nặng/ngày tương đương lượng protein dưới 44g/ngày. Lưu ý, lượng protein nạp vào tùy thuộc vào kích thước cơ thể, mức độ hoạt động và mức độ bệnh lý. Có thể thay thế đạm động vật bằng các loại đạm thực vật như đậu nành, đậu xanh…
– Chất béo: Thức ăn nhanh, hay nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào sẽ chứa nhiều đạm, nhiều dầu sẽ gia tăng lượng muối vào cơ thể. Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo khiến thận quá tải và làm tình trạng bệnh tiến triển xấu hơn, khiến tăng cân và mắc các bệnh lý tim mạch. Nên chế biến thức ăn dạng luộc, hấp tốt cho sức khỏe. Có thể thay thế bằng cách sử dụng chất béo lành mạnh, còn gọi là chất béo không bão hòa, giúp giảm cholesterol như dầu oliu, dầu ngô… Hạn chế ăn các loại chất béo xấu như mỡ lợn, thịt heo, da gà… để tránh làm tổn thương thận thêm nữa.
3. Gợi ý thực đơn cho người suy thận với các bệnh kèm theo
– Suy thận kèm theo bệnh lý tiểu đường nên chọn thực phẩm ít đường như khoai sọ, bún, bánh canh, bánh cuốn, khoai lang,…nên chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp như táo tây, cam, quýt, bưởi…, nhưng cần lưu ý hàm lượng kali trong từng loại thực phẩm.
– Bệnh nhân có kèm theo bệnh gút: Ăn uống đa dạng, đầy đủ và đúng liều chất đạm, có thể lựa chọn thay thế đạm động vật (thịt heo, thịt bò, gà, cá… ) bằng các loại đạm thực vật dễ tiêu hoá, calo thấp…
– Bệnh nhân suy thận có kèm rối loạn mỡ máu, nên hạn chế ăn trứng gà, thịt đỏ…
– Bệnh nhân có loãng xương: Bổ sung canxi với các loại sữa ít đường hoặc không đường.
– Bệnh nhân suy thận chưa chạy thận nhân tạo, có thể sử dụng thay thế bằng dầu thực vật như dầu mè, đậu nành, oliu,… để bổ sung chất béo.
– Với tất cả các bệnh nhân suy thận: Không nên sử dụng chất kích thích, rượu bia, đồ uống có cồn, nước ngọt, cà phê…, để tránh gây thêm gánh nặng cho thận.
Tùy theo giai đoạn của suy thận (cấp hay mạn tính), độ tuổi của bệnh nhân mà có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Cần giữ cân nặng hợp lý, có chế độ ăn uống cân bằng, ít muối và chất béo, hạn chế thực phẩm có chứa nhiều kali, phốt pho, protein trong chế độ ăn, kiểm soát huyết áp. Người bệnh nên nghỉ ngơi, kết hợp tập luyện nhẹ nhàng, hợp lý để tránh mất sức và ngủ đủ giấc, thói quen tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị bệnh suy thận.
Thông báo ngừng hoạt động khám bệnh tại Khoa Khám bệnh, Thứ 7, Ngày 07/9/2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đón tiếp đoàn Bệnh viện đa khoa Yên Bái đến thăm và làm việc
Thông báo về lịch nghỉ ngày Lễ Quốc Khánh 2/9 năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức Giải Thể thao chào mừng 106 năm Ngày truyền thống Bệnh viện (18/9/1918 – 18/9/2024)
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN